• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thách thức từ Nga, “ẩn tình” các thương vụ vũ khí giữa Mỹ và châu Âu

Thế giới 25/02/2018 20:10

(Tổ Quốc) - Các thương vụ vũ khí lên tới hàng tỷ đôla giữa Mỹ và các quốc gia châu Âu diễn ra trong bối cảnh Nga liên tục gia tăng hiện diện tại khu vực này.

Chồng chất lo lắng vì Nga

Theo các nhà quan sát, động thái tăng cường việc mua bán vũ khí giữa Mỹ và châu Âu cũng là một phần nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump nhằm kiềm chế thế lực của Nga tại châu Âu.

Hệ thống tên lửa Patriot. Ảnh:CNN

Chính quyền Tổng thống Trump có thông báo ngày 21/2 rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt hợp đồng mua bán tiềm năng về hệ thống tên lửa Patriot, bao gồm 100 tên lửa với Thụy Điển.

Các tên lửa của hệ thống này có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung cùng với máy bay không người lái.

Các quan chức Mỹ và châu Âu bày tỏ lo lắng khi Moscow gần đây triển khai các tên lửa mới đến Kaliningrad, phần lãnh thổ nằm giữa Ba Lan và Lithuania dọc theo bờ biển Baltic. Loại tên lửa mà Nga di chuyển là tên lửa Iskander-M và hệ thống tên lửa phòng không S-400.

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, việc triển khai loại tên lửa Iskander đến Kaliningrad là một hành động đột phá của Nga mà chúng tôi quan sát thấy từ trước tới nay. Nga đặt ra mục tiêu quân sự hóa tại bờ biển Baltic.

Theo quan chức này, các tên lửa có khả năng gắn đầu đạn hạt nhân luôn là mối đe dọa đến Ba Lan, Estonia, Latvia, Lithuania, Đức và Thụy Điển.

“Các thương vụ mua bán là phản ứng phòng vệ của châu Âu đối với hoạt động quân sự tăng cường của Nga trong bối cảnh Moscow luôn muốn hiện đại hóa quân sự tại bờ biển Baltic”, ông Magnus Nordenman - lãnh đạo của Nhóm sáng kiến về vấn đề an ninh xuyên Đại Tây Dương nói trên CNN.

“Nga không thể có các tên lửa tầm xa và nhiều tiêm kích giống như Liên bang Xô Viết đã có trong suốt Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, các hệ thống vũ khí của Moscow ngày nay có thể chứng minh công nghệ tối tân so với tổ tiên trong quá khứ”, ông Magnus Nordenman cho biết.

Các đồng minh của Mỹ trong khu vực liên tục nỗ lực phát huy sức mạnh vũ khí nhằm ngăn chặn các tên lửa của Nga.

Thương vụ vũ khí hàng trăm triệu đô

Ba Lan đã bày tỏ hết sức hài lòng với hệ thống tên lửa Patriot mà Bộ Ngoại giao Mỹ đã chấp thuận bán cho nước này. Hợp đồng mua bán giữa Mỹ và Ba Lan trị giá 20 tỷ đô đã thông qua vào tháng 11, 20117. Trong khi các quan chức Ba Lan ban đầu tỏ ra lúng túng với mức giá khủng mà Washington đưa ra thì Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan – ông Mariusz Błaszczak đã viết dòng tweet cung cấp thông tin về vụ mua bán này, trong đó có nhấn mạnh đây là mức giá không hề đắt. Ông Mariusz Błaszczak cũng mong muốn Ba Lan sẽ tiến tới việc ký kết hợp đồng cuối cùng với Mỹ vào cuối Quý I năm 2018.

Romania cũng bày tỏ lo lắng về các hoạt động quân sự của Nga tại Biển Đen sau khi Moscow sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình vào năm 2014. Romania cũng liên tục tìm kiếm các hệ thống tên lửa. Ông Raytheon, một nhà sản xuất thống báo tháng trước về việc Romania đã chính thức ký thỏa thuận mua hệ thống Patriot từ Mỹ.

Cả Ba Lan và Romania là hai trong số 6 thành viên NATO đã chi mạnh cho hoạt động quốc phòng.

Trong khi Thụy Điển không phải là thành viên NATO thì họ cũng liên tục tìm cách củng cố vị thế của mình trong khu vực, tăng cường hợp tác với liên minh phương Tây đồng thời gửi quân tới hòn đảo Gotland của Thụy Điển nhằm khẳng định vị trí chiến lược tại biển Baltic.

“Nhiều lo lắng thực sự tại các quốc gia này xuất phát từ các ảnh hưởng của Nga tại châu Âu. Hợp đồng mua bán hệ thống tên lửa Patriot sẽ giúp Thụy Điển củng cố sức mạnh quốc phòng về tên lửa. Thụy Điển sẽ sử dụng hệ thống Patriot nhằm phòng thủ và tăng cường ổn định khu vực.

“Vụ mua bán được đề xuất sẽ tăng thêm khả năng phòng thủ của quân đội Thụy Điển và hỗ trợ tương tác với các lực lượng Mỹ và NATO”, tuyên bố nêu rõ.

Mặc dù không phải là thành viên của NATO nhưng Phần Lan cũng bày tỏ lo lắng về hoạt động quân sự của Nga và liên tục tìm kiếm khả năng cải thiện sức mạnh quân sự. Phần Lan đã có những động thái để tăng cường mối quan hệ với các đồng minh châu Âu sau khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ liên bang năm 2014.

Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo trong tháng này về các vụ mua bán trị giá hàng trăm triệu đôla về vũ khí hải quân, bao gồm các tên lửa Harpoon và Sea Sparrow. Nguồn tin này cho biết, trong gói hợp đồng này, Phần Lan sẽ nhận được khoảng 130 đơn vị tên lửa hành trình chống tàu RGM-84Q-4 Harpoon có nhiều sửa đổi với giá 622 triệu USD và số tiền còn lại mua tên lửa đất đối không RIM-7 Sea Sparrow.

Cả Phần Lan và Thụy Điển đều không phải là thành viên của NATO nhưng các chuyên gia tin tưởng các hợp đồng mua bán vũ khí sẽ thúc đẩy mối quan hệ của NATO và Mỹ.

“Các thương vụ vũ khí lớn nhằm mở đường cho quan hệ quốc phòng giữa các quốc gia với Mỹ. Bạn không chỉ mua một thứ duy nhất mà đây là quá trình đầu tư tương tác lâu dài với Mỹ trong nhiều thập kỷ”, ông Nordenman nói thêm.

Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen tuyên bố rằng, mối đe dọa từ phía Nga thực sự khiến chúng ta nhiều lo lắng.

"Mối đe dọa từ Nga là có thực và đang gia tăng nên chúng ta phải thể hiện quyết tâm phòng thủ" - ông Rasmussen nói.

Sức mạnh quân sự “đáng gờm”

Hải quân Mỹ cho biết, Nga có hàng loạt tàu ngầm với  trình độ kỹ thuật hoàn hảo, trong đó có loại tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới của đề án 941 - lớp Akula với 20 ống phóng tên lửa đạn đạo, với độ lặn sâu 500 mét, có thể hoạt động liên tục suốt 180 ngày đêm.

Tàu ngầm lớp này được trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa ba tầng, nhiên liệu rắn R-39 Rif hay còn gọi là RSM-52 (NATO: SS-NX-20 Sturgeon).

Tên lửa có tầm phóng lên đến 8.500 km, mỗi quả mang theo 10 đầu đạn hạt nhân phân hướng với công suất 100 kiloton, tổng cộng là 200 đầu đạn hạt nhân. Chỉ tính số vũ khí này, những chiếc tàu thuộc lớp Akula của Hải quân Nga đã xứng đáng là tàu ngầm hạt nhân mạnh nhất thế giới.

 "Trong năm qua, Nga muốn chứng tỏ điều gì đó thực sự gây kinh ngạc với thế giới. Và đó là chiếc tàu ngầm hạt nhân Dmitri Donskoy lớn nhất họ có tiến vào Baltic và việc đưa một số chiến hạm thế hệ mới vào trang bị", Giáo sư quân sự Đại học Quốc phòng Phần Lan, ông Petteri Lalu nhận định./.

 

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ