• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thách thức từ thế giới tiềm ẩn cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam

Thế giới 10/08/2018 13:41

(Tổ Quốc) - Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 30, Toạ đàm giữa các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp đã diễn ra sáng ngày 10/8.

Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 30, Toạ đàm giữa các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp đã diễn ra sáng ngày 10/8.

Tham dự Toạ đàm lần này có Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, Phó Chủ tịch Nhóm xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và hơn 100 Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài, khoảng 100 đại biểu đại diện các Bộ, ngành, địa phương và hơn 300 đại biểu là đại diện Hiệp hội và doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc toạ đàm, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển luôn là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình hành động của Chính phủ từ sau Đại hội Đảng XII. Bộ Ngoại giao cũng luôn xác định các cơ quan đại diện cần chú trọng đóng góp thúc đẩy thương mại, đầu tư, hợp tác lao động, ưu tiên hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp, hội nhập quốc tế; thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường, chính sách phòng vệ thương mại và rào cản kĩ thuật của các nước đối với hàng hoá của Việt Nam.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc Toạ đàm. (Ảnh: Kim Quý)

Phục vụ cho mục tiêu của toạ đàm làm tìm ra công thức tối ưu để các cơ quan đại diện có thể thật sự kề vai sát cánh cùng doanh nghiệp, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn bày tỏ mong muốn các diễn giả và đại biểu tham dự, đặc biệt là các doanh nghiệp và các Trưởng cơ quan đại diện, trao đổi thẳng thắn, đóng góp thực chất, nhằm giải đáp 3 câu hỏi sau: Thứ nhất, Bộ Ngoại giao cần đổi mới phương thức làm việc ra sao, tập trung vào những nội dung gì, để tối ưu hoá hiệu quả hỗ trợ? Nói đơn giản là làm sao để bằng nguồn lực ít nhất mà giúp được nhiều nhất cho các doanh nghiệp. Thứ hai, doanh nghiệp cần làm gì để tự nâng cao nhận thức, tự trang bị kĩ năng và thông tin cho mình? Thứ ba, hai bên cần thiếp lập cơ chế trao đổi thông tin, mô hình phối hợp như thế nào để mạng lưới cơ quan đại diện và cộng đồng doanh nghiệp trở thành hai đối tác chiến lược đáng tin cậy, đồng hành trên con đường phát triển bền vững của đất nước.

Trong buổi Toạ đàm, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã chia sẻ nhiều nhận định về tình hình kinh tế thế giới hiện nay. Theo ông, thế giới đang diễn ra 5 cuộc chiến tranh, trong đó có căng thẳng Mỹ-Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh (Liên minh châu Âu EU, Canada, Mexico), các nước phương Tây và Nga (bùng phát năm 2014, đang tiếp tục và ngày càng gia tăng), Mỹ -  Iran (đang bùng phát trở lại và sẽ tác động mạnh với thế giới).

Trong tham luận có tựa đề Giai đoan mới của hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam – cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cũng đưa ra một số phương hướng thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam.

Trong phần thảo luận, dưới sự chủ trì của Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, đại diện các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như bà Phạm Nguyên Hạnh – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam; ông Ngô Minh Hải – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TH True Milk; ông Nguyễn Khải Hoàn – Phó Tổng giám đốc FPT Software kiêm Chủ tịch FSoft Hà Nội; ông Đỗ Hoài Nam – Chủ tịch/ đồng sáng lập Up-Coworking Space đã có nhiều trao đổi về cơ hội phát triển hàng hoá Việt Nam ra nước ngoài với Đại sứ Việt Nam tại các nước; trong đó có Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường; Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng; Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh; Đại sứ Việt Nam tại Israel Cao Trần Quốc Hải và bà Lê Hằng – Đại diện Hiệp hội xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP).

Các Đại sứ và đại diện các doanh nghiệp lớn Việt Nam đã có phiên thảo luận sôi nổi. (Ảnh: Kim Quý)

Tại toạ đàm, nhiều doanh nghiệp Việt Nam như TH True Milk, Tập đoàn Viettel, FPT Software … đã chia sẻ về sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt thành của Bộ Ngoại giao, các Đại sứ nói riêng và chính phủ nói chung trong quá trình các tập đoàn này mở rộng thị trường ra nước ngoài.

Đại diện của Tập đoàn TH True Milk - ông Ngô Minh Hải đã chia sẻ về sự giúp đỡ của ngành ngoại giao đối với quá trình phát triển của tập đoàn, vào thời kì ban đầu là giúp đỡ TH True Milk tiếp cận công nghệ cao từ nước ngoài, như công nghệ của Israel, đến việc đưa thương hiệu, sản phẩm ra nhiều thị trường thế giới, như Nga, Campuchia, Myanamar, Trung Quốc….

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ