(Tổ Quốc) - Tài khoản vãng lai của Thái Lan vào tháng 9 vừa qua đã thặng dư. Tín hiệu này được thúc đẩy bởi sự hồi sinh của ngành du lịch và cho thấy Thái Lan đang bắt đầu đà phục hồi thực sự sau đại dịch, theo The Diplomat.
Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã thông tin rằng vào tháng 9, tài khoản vãng lai của nước này thặng dư 623 triệu USD. Tài khoản vãng lai (còn gọi là cán cân vãng lai) trong cán cân thanh toán của một quốc gia ghi chép những giao dịch về hàng hóa và dịch vụ giữa người cư trú trong nước với người cư trú ngoài nước. Tài khoản vãng lai thặng dư là khi quốc gia xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu hay khi tiết kiệm nhiều hơn đầu tư.
Loạt tín hiệu tăng trưởng hậu đại dịch
Như vậy, bất chấp giá trị nhập khẩu của Thái Lan trong năm nay đã gia tăng do phải nhập khẩu năng lượng khi giá cả toàn cầu tăng vọt, nền kinh tế Thái Lan vẫn ghi nhận được tín hiệu tăng trưởng. Động thái này đang được các quan chức chính phủ nước này coi là một sự phát triển tích cực. Và theo nghĩa rộng hơn, nó cho thấy nền kinh tế Thái Lan đang bắt đầu phục hồi nghiêm túc sau đại dịch.
Nền kinh tế của Thái Lan được xây dựng dựa trên xuất khẩu. Họ đã khá thành công khi định vị được bản thân trở thành một trung tâm xuất khẩu lớn và điểm đến du lịch toàn cầu. Mục tiêu cuối cùng là để người nước ngoài (có thể là khách du lịch hoặc doanh nghiệp) chi tiêu tiền của họ ở Thái Lan để mua hàng hóa và dịch vụ. Đó là xương sống của mô hình kinh tế Thái Lan. Nước này cũng muốn giá trị hàng hóa mà họ xuất khẩu vượt quá giá trị hàng nhập khẩu và mang lại nhiều ngoại hối thông qua lĩnh vực du lịch. Về tổng thể, nếu chiến lược kể trên hiệu quả, tài khoản vãng lai của nước này sẽ thặng dư vì nhiều ngoại tệ được chi tiêu tại nội địa Thái Lan hơn là bên ngoài.
Tuy nhiên, do sự phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ cho người nước ngoài, Thái Lan đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19. Chỉ riêng lĩnh vực du lịch đã mang về hàng chục tỷ USD ngoại hối và là lý do chính khiến Thái Lan có thặng dư tài khoản vãng lai khổng lồ trước đại dịch. Việc mất đi những dòng vốn đó gây ra rất nhiều áp lực cho mô hình kinh tế đặc biệt này. Năm 2019, Thái Lan thặng dư tài khoản vãng lai 38 tỷ USD. Vào năm 2021, với việc ngành du lịch bị đóng cửa, tài khoản vãng lai của nước này đã bị thâm hụt 10 tỷ USD.
Đối với các nhà hoạch định chính sách Thái Lan, điều cần thiết là phải quay trở lại con đường tăng trưởng dựa vào xuất khẩu càng sớm càng tốt. Đó là lý do nước này sớm đưa ra những chính sách mở cửa du lịch, ví dụ như chương trình mở cửa Phuket với sức sống mạnh mẽ vào năm ngoái.
Và trên thực tế, cán cân thương mại của nước này vẫn luôn thặng dư. Ngay cả trong thời kỳ đại dịch, giá trị hàng hóa xuất khẩu của Thái Lan vẫn vượt quá giá trị nhập khẩu, ngoại trừ gần đây do chi phí năng lượng và nhập khẩu hàng hóa tăng cao. Như vậy, có thể thấy du lịch và chi tiêu của du khách có ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế Thái Lan.
Sức bật lớn từ du lịch
Và từ khi Thái Lan dần mở cửa du lịch, lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu, vào tháng 9 này, cán cân giữa thanh toán dịch vụ và thu nhập chỉ thâm hụt 1,2 tỷ USD - mức thâm hụt nhỏ nhất trong danh mục kể từ tháng 2 năm 2020. Để so sánh, vào tháng 9/2021, mức thâm hụt của danh mục này là 4,5 tỷ USD.
Tín hiệu thu hẹp đà thâm hụt này gần như chắc chắn phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch Thái Lan, được hỗ trợ bởi đồng baht suy yếu và sự trở lại của du khách quốc tế. Người nước ngoài một lần nữa đến Thái Lan và chi tiêu tiền của họ cho các dịch vụ, trong đó có du lịch. Theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Thái Lan, 1,3 triệu khách du lịch nước ngoài đã đến Thái Lan vào tháng 9 năm nay, tăng từ 12.000 lượt người vào tháng 9 năm 2021. Đây là số lượng khách du lịch nước ngoài lớn nhất mà Thái Lan từng ghi nhận kể từ tháng 2 năm 2020.
Xu hướng này có khả năng tiếp tục diễn ra vào năm 2023. Khi giá năng lượng toàn cầu trở về mức vừa phải trong năm tới và thậm chí nhiều du khách nước ngoài hơn sẽ quay trở lại Thái Lan, thì thặng dư tài khoản vãng lai lớn sẽ lại trở thành điều thường xuyên của nền kinh tế Thái Lan. Nếu đồng baht vẫn yếu so với đồng đô la trong một thời gian nữa, quá trình này sẽ được thúc đẩy nhanh hơn. Tổng hợp lại tất cả các dấu hiệu trên cho thấy nền kinh tế Thái Lan đang trên đà trở lại quỹ đạo trước đại dịch.