(Tổ Quốc) - Trong hơn 70 năm cầm quyền, Vua Bhumibol Adulyadej là một sức mạnh duy trì sự ổn định của Thái Lan trong hàng loạt biến động chính trị.
Với gần 10 cuộc đảo chính và 17 lần thay đổi hiến pháp, nhà vua đóng vai trò như một vị quan tòa cuối cùng giữa một bên là giới quân sự và bên kia là tầng lớp chính trị dân sự. Sự ra đi của ông vào ngày 13/10 mang lại một cơ hội xem xét những lợi ích của chế độ quân chủ lập hiến - một hệ thống chính phủ có nhiều ưu điểm nếu chọn được người phù hợp nắm giữ ngai vàng.
Kể từ khi Vua Bhumibol lên ngôi vào năm 1946, gần một nửa chế độ quân chủ trên thế giới đã bị hủy bỏ, chỉ có 27 quốc gia còn tồn tại thể chế quân chủ.
Vua Bhumibol là vị vua thứ chín trong triều đại Chakri, đã cai trị Thái Lan từ thế kỷ 18. Tuy nhiên, chế độ quân chủ đã bị suy yếu bởi một cuộc đảo chính vào năm 1932, và vai trò của nhà vua đã trở nên bấp bênh. Tuy nhiên, vua Bhumibol đã phát triển một loạt các liên minh với giới quân sự và thương mại, hiện đại hóa nền quân chủ bằng việc liên kết với những trung tâm quyền lực mới.
Ông xuất hiện thường xuyên trong các dự án phát triển cộng đồng và nhấn mạnh truyền thống của cuộc sống thôn dã. Bằng cách nuôi dưỡng hình ảnh của một vị vua hướng về nhân dân, ông trở thành một nhân vật được kính trọng rộng rãi trong nhân dân Thái.
Hoàng Thái tử Maha Vajiralongkorn |
Còn tồn tại bất ổn xã hội
Tại Thái Lan, sự cần thiết đối với bất kỳ chính phủ nào- quân sự hay dân sự - là có được sự công nhận của Vua Bhumibol – điều giúp giảm bất ổn chính trị. Mỗi cuộc đảo chính đều cần sự cho phép của hoàng gia và lí do cho hành động này sẽ là để bảo vệ chế độ quân chủ và giá trị truyền thống của Thái Lan.
Tuy nhiên, khi tuổi ngày càng cao, Vua Bhumibol ít tham gia các hoạt động và sự lãnh đạo đối với chính trị giảm bớt. Điều này thể hiện rõ ràng ở sự nổi lên của nhà tỷ phú dân túy Thaksin Shinawatra – với các chính đảng đồng minh đã chiến thắng mọi cuộc bầu cử lớn kể từ năm 2000. Dù đang sống lưu vong, ông Thaksin vẫn có ảnh hưởng to lớn trong xã hội Thái Lan và tạo ra hai lực lượng đối lập – giới tinh hoa Bangkok và người dân nghèo nông thôn. Trong những năm gần đây, hàng loạt cuộc biểu tình đã nổ ra và cuộc đảo chính vào năm 2006 và 2014 đã lật đổ chính phủ của ông Thaksin và em gái Yingluck.
Và dù đứng trên mọi xung đột và nhận được sự tôn trọng của hầu hết người Thái nhưng Vua Bhumibol không thể giải quyết những bất đồng sâu sắc của xã hội Thái Lan. Thủ tướng đương nhiệm, Prayut Chan-ocha, người đứng đầu cuộc đảo chính năm 2014, đã hứa sẽ từ bỏ quyền lực (phù hợp với truyền thống của Thái Lan). Tuy nhiên, hiến pháp được thông qua vào mùa hè này mang lại cho ông một vị thế tốt trong chính phủ, kể cả sau khi diễn ra cuộc bầu cử mới – được cho rằng sẽ diễn ra trong năm 2017. Trong trường hợp đồng minh của ông Thaksin chiến thắng cuộc bầu cử này, một vòng bất ổn mới có thể sẽ tiếp tục.
Thời điểm chuyển giao nhạy cảm
Chế độ quân chủ cũng giống như các đế chế tập đoàn gia đình: chuyển giao thế hệ là thời điểm dễ bị tổn thương. Người thừa kế chức vị của Vua Bhumibol, Thái tử Maha Vajiralongkorn và không nhận được nhiều sự tôn trọng như cha mình. Ông nhận được sự ủng hộ lớn trong quân đội, tuy nhiên, không thu hút được giới tinh hoa ở Bangkok và các vùng nông thôn nghèo. Ông Vajiralongkorn cũng không thể hiện được vai trò lớn trong các bất ổn chính trị trong những năm qua.
Theo The Economist, nhiều người bảo thủ quyền lực tại Bangkok không chỉ lo ngại việc ngồi không hưởng lương và các bổng lộc khác sẽ nhanh chóng bị đổi sang cho những người mà Thái tử ưa thích, mà còn là sự trị vì của vương quân mới có thể sẽ làm ảnh hưởng to lớn đến uy tín của hội đồng tư vấn hiện đang nắm quyền điều hành ở đất nước này.
Hiện tại, theo The Economist, nhiều người cho rằng giới tướng lĩnh và Thái tử sẽ điều tiết việc Thái Lan sẽ ra sao khi Vua Bhumibol không còn nữa. Tuy nhiên, tờ Foreign Policy lại có nhận định rằng, sự ảnh hưởng của Thái tử Vajiralongkorn có vẻ không mạnh mẽ như cha ông đã từng.
Quân chủ lập hiến có thể là một hình thức ổn định của chính phủ nhưng đòi hỏi kỹ năng quản lý trong mọi giai đoạn. Thời kì chuyển tiếp của Thái Lan đang đặt ra những thách thức lớn nếu nước này tiếp tục là một trong số ít các chế độ quân chủ lập hiến thành công trong thế giới ngày nay.