• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tham vọng Ấn -Anh mắc kẹt: "Khó chồng khó" cho tân Thủ tướng Anh

Thế giới 13/10/2022 13:32

(Tổ Quốc) - Việc Ấn Độ trở thành một trong những nhà đàm phán thương mại cứng rắn nhất thế giới đang khiến Thủ tướng Anh Liz Truss găp thêm nhiều khó khăn, theo Bloomberg.

Trong khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cam kết ưu tiên các thỏa thuận thương mại có thể nhanh chóng "thu hoạch sớm" vào năm 2021, đất nước của ông sau đó đã ký hai thỏa thuận mới - một với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và một với Australia.

Và do vậy, cùng với nhiều bất đồng trong quá trình đàm phán triển vọng về một hiệp ước được công chúng chú ý nhiều với Anh có vẻ đang bị sa lầy.

Loạt bất đồng trong đàm phán

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa Ấn Độ và Anh về một thỏa thuận thương mại song phương đã gặp khó khăn khi thảo luận về vấn đề xuất khẩu nguồn nhân lực với hàng nghìn công nhân lành nghề từ quốc gia Nam Á này. Và sự chậm trễ có thể khiến quá trình hoàn tất thỏa thuận không kịp thời hạn cuối tháng 10 này.

Lập trường của New Delhi đang cứng rắn hơn tại các cuộc đàm phán đang diễn ra. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Anh Suella Braverman bày tỏ dè dặt trước việc Ấn Độ được cung cấp một số nhượng bộ thị thực "biên giới mở".

Các bình luận trên được đưa ra vào tuần trước khiến Ấn Độ nói rằng cả hai quốc gia nên "tôn trọng" "nhận thức" liên quan đến sự di chuyển của người di cư.

Tham vọng Ấn -Anh mắc kẹt: "Khó chồng khó" cho tân Thủ tướng Anh - Ảnh 1.

Thủ tướng Anh Liz Truss đang gặp khó khăn trong việc hoàn tất các FTA sau khi nước này rời khỏi EU. Ảnh: Reuters.

Những nguồn tin thân cận với vấn đề này cho biết, New Delhi cũng đang tìm cách thu hồi khoản thanh toán nửa tỷ bảng do người lao động Ấn Độ thực hiện cho hệ thống an sinh xã hội của Anh như một phần của thỏa thuận song phương.

Hơn nữa, đề nghị của Anh về việc hạn chế cơ hội của lực lượng lao động lành nghề Ấn Độ sẽ khiến thỏa thuận thương mại được đề xuất nghiêng theo hướng có lợi cho Anh và sẽ không phải là đôi bên cùng có lợi, những nguồn tin trên thông tin thêm.

Ông Max Blain, phát ngôn viên chính thức của bà Truss, cho biết chính phủ vẫn hy vọng đạt được một thỏa thuận thương mại với Ấn Độ vào cuối tháng 10, từ đó "sẽ đưa Vương quốc Anh vào vị trí sẵn sàng cung cấp hàng hóa cho tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của Ấn Độ và thúc đẩy nền kinh tế Anh thêm hơn 3 tỷ bảng Anh vào năm 2035".

Ông Blain từ chối bình luận về những nhận xét được cho là của bà Braverman về vấn đề di cư.

"Đang có nhiều cuộc đàm phán phức tạp về một loạt các vấn đề", ông nói với các phóng viên trong một cuộc họp giao ban thường kỳ hôm thứ Tư.

Bộ Thương mại Ấn Độ không trả lời một e-mail đề nghị bình luận về vấn đề này.

Khi thời hạn kết thúc đàm phán gần đến, Ấn Độ vẫn chưa thống nhất được về các vấn đề quan trọng đối với Anh, bao gồm giảm thuế nhập khẩu ô tô và rượu whisky Scotch - một trong những nhu cầu lớn của Anh vì chính phủ của ông Modi đang chờ đợi tiến độ thảo luận về việc xuất khẩu công nhân lành nghề.

Các vấn đề khác khiến các cuộc đàm phán khó khăn hơn bao gồm việc Anh khăng khăng đòi được miễn trừ các quy tắc về bản địa hóa dữ liệu, vốn ảnh hưởng đến các lĩnh vực như dịch vụ tài chính của Ấn Độ và việc các công ty Anh được phép đấu thầu các hợp đồng của Chính phủ Ấn Độ

Những nguồn tin trên cho biết Ấn Độ đã bày tỏ sự bất lực của mình trong việc nới lỏng các quy định về bản địa hóa dữ liệu do luật lệ trong nước của họ.

Khó kịp thời hạn đã định

Anh và Ấn Độ đã khởi động các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do vào tháng Giêng và mục tiêu là kết thúc đàm phán vào cuối tháng 10 năm nay. Nhưng thời hạn được ấn định dường như sẽ bị bỏ lỡ do thiếu sự đồng thuận, nhiều nguồn tin thân cận và đề nghị giấu tên cho biết.

Thỏa thuận này cũng sẽ đóng vai trò là bàn đạp để Ấn Độ - quốc gia gần đây vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới - tìm kiếm một thỏa thuận thương mại tự do với EU, cùng với Mỹ - những điểm đến xuất khẩu lớn.

Với 1,4 tỷ dân, Ấn Độ đang là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tính theo sức mua tương đương, theo Ngân hàng Thế giới.

Cả hai bên dự kiến thỏa thuận này sẽ tăng gấp đôi giá trị thương mại song phương vào năm 2030. Tổng kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và Anh đạt hơn 17 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2022, theo dữ liệu của chính phủ Ấn Độ.

Đối với tân Thủ tướng Anh Liz Truss, lập trường của Ấn Độ có thể buộc bà phải nhượng bộ vì áp lực đạt được các thỏa thuận thương mại lớn đã rất cao.

Thất bại của quá trình này sẽ giáng một đòn khác vào tầm nhìn hậu Brexit của bà Truss rằng Anh có thể đạt được các thỏa thuận mới với các thị trường từng đóng cửa với họ khi họ còn là thành viên của Liên minh châu Âu.

Mỹ cũng đã ra tín hiệu rằng một thỏa thuận với Anh trong ngắn hạn là khó có thể đạt được.

Trong khi Anh đang chịu nhiều sức ép hơn thì về phía Ấn Độ, nếu thất bại trong việc ký kết hiệp định thương mại với London vào thời điểm này sẽ là một cơ hội bị bỏ lỡ đối với Delhi, quốc gia đang được nhiều nền kinh tế đặt hy vọng trong bối cảnh các cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa phương Tây và Trung Quốc ngày càng căng thẳng.

Thỏa thuận với Anh, nếu thành công, cũng sẽ là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất và tham vọng nhất của Ấn Độ cho đến nay.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ