(Tổ Quốc) - EU đưa ra kế hoạch phòng thủ quốc phòng tham vọng nhất trong nhiều thập kỷ qua khi tình hình quốc tế đang đầy biến động.
- 22.06.2017 Nga và Ukraine lại lên “bàn nóng” châu Âu
Các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) đã đưa ra kế hoạch phòng thủ quốc phòng tham vọng nhất trong nhiều thập kỷ qua, nhất trí về mức ngân sách quốc phòng trị giá nhiều tỷ euro, cung cấp tài chính cho các nhóm vũ trang và cho phép liên minh này sẵn sàng tiến hành nhiều nhiệm vụ ở nước ngoài.
Tổng thống Pháp Macron nói trong cuộc họp báo tại một hội nghị thượng đỉnh của EU rằng, "Thỏa thuận đã được thông qua một vài phút trước tập trung vào vấn đề quốc phòng. Chúng ta phải xem xét bản chất lịch sử của vấn đề này. "
"Mục tiêu là tăng cường năng lực, đảm bảo nền tảng cạnh tranh, sáng tạo và cân bằng cho ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu trên toàn EU", các nhà lãnh đạo EU cũng cho biết trong một tuyên bố.
Các nhà lãnh đạo EU đã có bước đi mạnh mẽ cải thiện nền quốc phòng. (Nguồn: AP) |
Ông Emmanuel Macron, đã tuyên bố lập trường ủng hộ một châu Âu đoàn kết về quốc phòng trong suốt chiến dịch tranh cử, gọi đây là bước đi "lịch sử" và nói rằng các nhà lãnh đạo đang giải quyết những thách thức về an ninh của châu Âu.
Mặc dù tuyên bố của các nhà lãnh đạo không nêu chi tiết về quy mô của ngân sách quốc phòng chung, nhưng Reuters dẫn tin từ Ủy ban châu Âu cho biết khối này sẽ đổ vào đây ít nhất 1,5 tỷ euro (1,69 tỷ USD)/ năm – trích từ ngân sách của khối để nghiên cứu và mua sắm cơ sở hạ tầng vật tư.
Nguồn ngân sách này dự kiến sẽ giúp phát triển và mua sắm các máy bay trực thăng, máy bay không người lái và một loạt các vũ khí hiện đại.
Các quan chức EU cho biết, từ sau năm 2020, quỹ quốc phòng này có thể sẽ có khoảng 5,5 tỷ euro/ năm nếu đủ các chính phủ thành viên đóng góp đủ số, nhấn mạnh rằng chính phủ các quốc gia thành viên sẽ vẫn là chủ sở hữu của tất cả các cơ sở hạ tầng quân sự.
Các nhóm chiến đấu của châu Âu cũng sẽ được tài trợ để có thể triển khai nhanh chóng đến các điểm nóng khẩn cấp. Theo AP, các nhóm này được thành lập vào năm 2007. Tuy nhiên, họ chưa bao giờ được hoạt động, chủ yếu là vì các quốc gia tham gia vào nhóm sẽ phải tự chi trả nếu được triển khai.
Sự yếu kém về quân sự
Gần hai thập kỷ sau khi Pháp và Anh, hai cường quốc quân sự lớn của EU, đã thúc đẩy hình thành một chính sách đối ngoại chung của châu Âu có phần ôn hòa thì hiện tại, châu lục này đang phải đối mặt với một loạt các mối đe dọa về an ninh, từ các tay súng nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) hay một nước Nga đang tăng cường sự hiện diện.
Trong khi các mối đe dọa đang gia tăng, thì ngân sách cho nghiên cứu quốc phòng của EU đã giảm một phần ba – tương đương hơn 20 tỷ euro, kể từ năm 2006.
Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo nói với các phóng viên: "Châu Âu nên làm nhiều hơn cho sự an toàn của riêng mình. "Đã đến lúc phải chiến đấu hiệu quả để chống khủng bố," bà nói.
Anh đã từ lâu ngăn chặn những bước đi đầy tham vọng hơn, lo sợ về việc thành lập quân đội chung của EU. Tuy nhiên, với quyết định của Anh rời khỏi EU, Đức đang nổi lên như là đối tác lớn nhất của Pháp và cả hai đều muốn hướng đến những cải cách trong ngành công nghiệp quốc phòng của khối – bất chấp việc một số quan chức EU nói là làm lãng phí tiền bạc.
Trong khi EU dành khoảng một nửa số tiền so với Mỹ cho việc nghiên cứu và sản xuất xe tăng, tàu, máy bay và vũ khí - thì số vũ khí của khối chỉ chiếm khoảng 15% cơ sở vũ trang Mỹ có thể triển khai trên chiến trường.
Dù vậy, xem xét theo các tiêu chuẩn của Mỹ, giải pháp trên có thể khôi phục ngành công nghiệp quốc phòng kém hiệu quả của châu Âu, cho phép EU triển khai nhiều lực lượng gìn giữ hòa bình tới các điểm nóng.
Sức ép buộc EU hành động
Trước đó, việc Tổng thống Trump liên tục chỉ trích các đồng minh NATO – với 22 quốc gia trong đó là thành viên của EU, vì quá phụ thuộc vào quân đội Mỹ đã khiến các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại. Ông Trump nói rằng khối này cần phải tự lực nhiều hơn và nên coi quốc phòng là một lực lượng thống nhất sau Brexit.
Căng thẳng gia tăng với Moscow và sóng gió về lập trường của Washington cũng đã khiến các chính phủ châu Âu phải đi đến việc giải quyết sự chia rẽ nhiều năm về hợp tác quân sự. AFP cho rằng, động thái này cũng gửi đi một thông điệp tới Tổng thống Donald Trump của Mỹ rằng khối này muốn chi trả cho an ninh của riêng mình.
Pháp và Đức vẫn cần nhất trí về con đường họ muốn EU trở nên linh hoạt hơn trong việc thực hiện các sứ mệnh ở nước ngoài và cách chi trả cho những hoạt động này. Trong khi khối này có 15 nhiệm vụ quân sự và đào tạo ở nước ngoài, con số này chưa phù hợp với khả năng kinh tế cùng với sức mạnh quân sự hiện tại của EU.
Các nhà lãnh đạo ở Brussels đã cho các chính phủ thành viên ba tháng để xem xét liệu họ có sẵn sàng tham gia liên minh chung của EU để thực hiện các nhiệm vụ ở nước ngoài trong tương lai theo quy định của khối hay không. Các nước thành viên sẽ đưa ra các tiêu chí và cam kết ràng buộc cụ thể với việc thực hiện các mục tiêu hợp tác quốc phòng thay vì dựa vào lời hứa mơ hồ như trong quá khứ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói với các phóng viên: "Chúng tôi đã đặt ra một thời biểu đầy tham vọng. Ba tháng không phải là một thời gian dài. "Đây là mốc giá trị gia tăng thực sự, bởi vì nó cho phép chúng tôi thực hiện các sứ mệnh ... chúng ta sẽ tìm ra người tham gia vào cấu trúc này", bà nói và cho biết thêm châu Phi sẽ là một nơi có nhiều hoạt động của EU.
(Theo AP, Reuters)