(Tổ Quốc) - Trang Dail Mail đưa tin, giới khoa học mới đây đã tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi, tại sao khoảng 466 triệu năm trước Trái đất lại bị đóng băng.
Nguyên nhân được cho là một vụ nổ lớn của một thiên thạch có chiều rộng lên tới gần 150km ở giữa Sao Hỏa và Sao Mộc, đã tạo ra một khối lượng bụi khổng lồ, sau đó rơi xuống Trái đất trong suốt 2 triệu năm.
Lớp bụi không gian này đã che lấp ánh mặt trời và làm nhiệt độ toàn cầu giảm mạnh. Điều này khiến cuộc sống trên Trái đất phải thay đổi để thích nghi, thậm chí bùng nổ sự ra đời của các giống loài mới.
Việc bụi ngoài không gian rơi xuống Trái đất thường xuyên xảy ra, nhưng trong sự kiện từ 466 triệu năm trước, khối lượng bụi lớn hơn bình thường rất nhiều.
Hình vẽ minh họa vụ nổ thiên thạch gây ra mưa bụi khiến Trái đất đóng băng (ảnh: dailymail)
"Thông thường, mỗi năm Trái đất đón nhận khoảng 40.000 tấn bụi từ ngoài khí quyển", phó giáo sư Philipp Heck tại Đại học Chicago, Mỹ và là một trong những tác giả của bài viết đăng trên tạp chí Science Advances ngày 18/9 nói. "Hãy tưởng tượng số lượng đó được nhân lên thêm 1.000 hoặc 10.000 lần".
Giáo sư Birger Schmitz từ Đại học Lund, Thụy Điển – người đứng đầu nghiên cứu cho hay: "kết quả của chúng tôi lần đầu tiên chỉ ra lớp bụi trên, vào thời điểm đó đã làm Trái đất lạnh đi đáng kể".
Để đi tới nhận định này, đội ngũ nhà nghiên cứu đã tìm kiếm dấu vết của bụi không gian từ các hòn đá có tuổi đời lên tới 466 triệu năm và so sánh chúng với các vi thiên thạch từ Nam cực. "Và sau đó, chúng tôi phân tách vật chất ngoài khí quyển để khám phá ra nó là gì và đến từ đâu".
Một vách núi từng là đáy biển thời cổ đại. Phần đá xám chính là dấu vết của lớp bụi rơi xuống từ không gian (ảnh: daily mail)
Họ cũng phân tích đá lấy từ đáy biển cổ đại và tìm kiếm các yếu tố thường ít khi xuất hiện trong đất đá của Trái đất cũng như các đồng vị - một hình thức khác của nguyên tử - cho thấy các dấu hiệu đến từ ngoài không gian.
Ví dụ nguyên tử helium thường có hai hạt proton, hai hạt neutro và hai hạt electron; nhưng những đồng vị bắn ra từ Mặt trời và vào không gian lại thiếu mất một hạt neutron.
Sự hiện diện của các đồng vị helium đặc biệt này cùng với các kim loại hiếm thường được tìm thấy trong thiên thạch, chứng tỏ lớp bụi đến từ ngoài không gian.
Giáo sư Schmitz và các đồng nghiệp là những người đầu tiên chỉ ra, thời kỳ đóng băng trùng với thời điểm có nhiều bụi hơn trong không khí.
Một số ý kiến hy vọng, hiện tượng nóng lên toàn cầu hiện tại có thể được giải quyết bằng việc lập lại một cơn mưa bụi như những gì đã khiến Trái đất "nguội đi" 466 triệu năm trước. Tuy nhiên, ông Heck cảnh báo: "Các đề xuất can thiệp khí hậu cần phải được đánh giá rất cẩn trọng bởi vì nếu có điều gì sai sót, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn rất nhiều".