(Toquoc)-Mỹ-Trung bước vào cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực thám hiểm không gian, sử dụng không gian vào mục đích thương mại và quân sự.
(Toquoc)-Mỹ-Trung bước vào cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực thám hiểm không gian, sử dụng không gian vào mục đích thương mại và quân sự.
Mỹ-Trung: nghi kỵ tại mặt đất
Theo đương thời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, không gian trên thực tế là một trong 4 lĩnh vực (cùng với an ninh mạng, vũ khí hạt nhân và phòng thủ tên lửa) có thể tạo ra nội dung cho cuộc đối thoại chiến lược Mỹ-Trung. Tuy nhiên, giữa ý muốn và thực tế còn một khoảng cách rất xa.
Theo Tin Trung Hoa, phía Mỹ cũng như Trung Quốc không bên nào có hứng thú hợp tác trong lĩnh vực này. Giới quân sự Trung Quốc, những người đang kiểm soát các dự án không gian, dường như không sẵn sàng tỏ ra minh bạch, điều vốn cần thiết để hợp tác có hiệu quả. Đồng thời, họ tiếp tục than phiền về mối nghi ngại của Mỹ và lệnh cấm vận đối với công nghệ nhạy cảm do Lầu Năm Góc áp đặt.
Còn ở Mỹ, các nhóm có tác động về an ninh, vốn rất nghi ngại đối với Trung Quốc, lại đang có ảnh hưởng lớn hơn bao giờ hết. Mùa Thu năm 2010, Chủ tịch NASA, Charles Bolden, đã sang thăm Trung Quốc để thăm dò khả năng hợp tác song phương, song Quốc hội Mỹ kiểm soát ông rất chặt. Hai nghị sĩ đã viết thư cảnh báo ông không được thực hiện bất kỳ trao đổi nhạy cảm nào và nói cho ông biết những nghi ngờ về ý định thực của Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Trên thực tế, hai nước đã bước vào một cuộc cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực thám hiểm không gian cũng như sử dụng không gian vào mục đích thương mại và quân sự. Đúng là Mỹ đi trước nhiều, song vấn đề là Trung Quốc đạt được tiến bộ nhanh, ít nhất là theo ba hướng đã được xác định, được nói đến nhiều trong báo chí của nước này.
Thứ nhất là trạm không gian dự kiến sẽ được triển khai trong không gian vào năm 2015 và một chương trình huấn luyện các nhà du hành đã được khởi động phục vụ cho kế hoạch này. Môđun Thiên Cung đã được phóng lên quỹ đạo và tàu vũ trụ Thần Châu đã lắp ghép được với môđun này. Tuy được phát triển theo cách riêng, song chương trình không gian của Trung Quốc cũng dự kiến khả năng cho tàu của mình lắp ghép với trạm không gian quốc tế.
Thứ hai là thám hiểm Mặt Trăng. Giai đoạn đầu đã hoàn thành vào tháng 10/2010 với việc phóng lên quỹ đạo vệ tinh Hằng Nga-2. So với vệ tinh Hằng Nga-1, Hằng Nga-2 bay ở quỹ đạo thấp hơn hai lần (cách Trái Đất 100 km so với 200 km) và được lắp camera có độ chính xác cao. Trung Quốc dự kiến đưa một tàu thám hiểm có người lái lên Mặt Trăng để thu thập mẫu vật (trong đó có hélium và titanium) trong giai đoạn 2012-2013. Nhưng ít nhất phải đến năm 2020 Trung Quốc mới có thể đưa người lên Mặt Trăng.
Lĩnh vực thứ ba nhạy cảm nhất về mặt chiến lược nhằm mục đích giúp Trung Quốc thoát khỏi sự lệ thuộc vào hệ thống định vị toàn cầu của Mỹ, với việc thiết lập một mạng lưới GPS của riêng mình. Theo báo chí nước này, hệ thống Bắc Đẩu sẽ bắt đầu vận hành vào năm 2012 trên phần châu Á và phải đến năm 2020 mới phủ sóng được toàn cầu.
Hiện nay, tất cả hệ thống định vị và dẫn đường của Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào hệ thống GPS của Mỹ và Lầu Năm Góc có thể gây nhiễu nếu xảy ra căng thẳng với Trung Quốc. Như vậy không có gì ngạc nhiên nếu giới quân sự Trung Quốc coi mảng này là vấn đề cần được ưu tiên. Cũng chính giới quân sự là những người thúc đẩy việc chế tạo vũ khí không gian có khả năng loại bỏ hệ thống GPS của Mỹ trong trường hợp xảy ra xung đột với nước này.
Rất có thể cũng sẽ diễn ra một cuộc chạy đua vũ trang vào không gian, với những dấu hiệu đầu tiên rất rõ nét xuất hiện trong các tuyên bố cũng như hành động và việc làm của cả bên này lẫn bên kia.
Người ta còn nhớ sau vụ Trung Quốc dùng tên lửa bắn hạ một trong những vệ tinh khí tượng cũ của mình vào tháng 1/2007, Mỹ tỏ ra hết sức lo ngại trước tiến bộ của Trung Quốc. Đúng một năm sau, Lầu Năm Góc đưa ra câu trả lời của mình. Ngày 21/2/2008, một tên lửa SM-3 cải tiến được phóng đi từ một tàu chiến của Hải quân Mỹ, ngay phát đầu tiên phá hủy một vệ tinh gián điệp của Mỹ đã mất kiểm soát. Vào thời điểm đó, vụ phóng này đã khiến Nga và Trung Quốc phản đối. Bầu không khí lại nóng lên thêm khi vào tháng 10/2009, tướng Hứa Kỳ Lượng, Tham mưu trưởng không quân Trung Quốc, giải thích cuộc chạy đua vũ trang vào không gian là “không thể tránh khỏi về phương diện lịch sử”, mặc dù ngay sau đó Bộ Ngoại giao đã cải chính lời tuyên bố của viên tướng này.
Tranh cãi lại nổ ra ngày 24/4/2010 khi một bài báo của tờ China Daily đặt câu hỏi về việc phóng tàu con thoi không người lái X-37B của Mỹ. Theo Zhao Xiaozhu, nhà nghiên cứu thuộc Học viện khoa học quân sự của quân đội Trung Quốc, con tàu này có thể trở thành một bàn đạp quân sự trong không gian. Sau đó ít lâu, Zhai Dequan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội giải trừ quân bị của Trung Quốc, lại kích động thêm khi nói rằng việc phát triển tàu con thoi không người lái cho thấy “lời hứa của Mỹ giảm tốc độ cuộc chạy đua vũ trang vào không gian là không thành thực”.
Trong khi Mỹ đi trước nhiều về mặt công nghệ và có kinh nghiệm trên thế giới không ai bằng về lĩnh vực không gian, song nước này vẫn luôn lo ngại trước những tiến bộ của Trung Quốc. Mối lo ngại đó nảy sinh từ giữa những năm 1990 khi có tin đồn về một loại vũ khí lade của Trung Quốc. Năm 2006, giới tình báo Mỹ khẳng định một trong số các vệ tinh của họ đã trở thành mục tiêu của vũ khí loại này.
Tháng 9/2008, vào lúc Trung Quốc phóng tàu vũ trụ Thần Châu 7, chương trình đầu tiên huấn luyện nhà du hành bước ra không gian và vận hành một môđun Trung Quốc từ mặt đất, các cơ quan của Mỹ đã soạn thảo các luận thuyết về rủi ro do hoạt động của vệ tinh Trung Quốc gây ra - cũng có thể được dùng làm bàn đạp chống vệ tinh - ở khoảng cách gần với trạm không gian quốc tế.
Mỹ vẫn dẫn đầu cuộc chạy đua không gian
Tháng 11/2009, trang mạng IMINT lại khuấy động vấn đề này khi tung ra một số hình ảnh về một căn cứ quân sự của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc được khẳng định là chứa vũ khí lade. Trung Quốc đã bác bỏ thông tin này. Cuối cùng, ngày 11/1/2011, một chương trình của đài BBC khẳng định quân đội Trung Quốc mới đây đã thử nghiệm một loại vũ khí chống vệ tinh “có khả năng đánh vào tử huyệt của Lầu Năm Góc trong không gian”, nhưng không đưa ra bằng chứng.
Các nhà khoa học trên thế giới từ 60 năm nay định chế tạo một loại vũ khí lade đáng tin cậy có khả năng giải quyết được mâu thuẫn giữa sức mạnh, độ cứng hay khả năng chống đỡ các cuộc tấn công, tính linh hoạt và dễ sử dụng. Tất cả đều cho thấy Mỹ có lợi thế trong cuộc chạy đua này. Trong một thời gian ngắn nữa, Hải quân Mỹ thực ra có thể trang bị cho các tàu chiến của mình hệ thống phòng thủ tên lửa bằng lade. Không một thông tin tình báo đáng tin cậy nào tìm được trong các loại tài liệu công khai chứng minh được Trung Quốc đã đạt được trình độ phát triển này.
Cũng như vậy, cần tương đối hóa những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ không gian. Cho dù những tiến bộ đó là nhanh và gây ấn tượng - cụ thể là trong lĩnh vực điều khiển từ xa và tự động hóa có thể nhận thấy trong sứ mệnh của tàu Thần Châu 7 - song cũng còn lâu mới đuổi kịp NASA. Tên lửa đẩy thuộc thế hệ mới nhất của Trung Quốc, Trường Chinh 5, phải đến năm 2017 mới có thể được đưa vào sử dụng và cũng chỉ mang được 25 tấn so với 120 tấn trọng tải hữu ích của tên lửa Saturne 5 của Mỹ dùng để phóng tàu con thoi Apollo.
Không ai phủ nhận những tiến bộ nhanh chóng của Trung Quốc với độ tin cậy của các tên lửa đẩy, đã giúp nước này có được vị trí đáng kể trên thị trường phóng vệ tinh (đứng thứ ba sau Nga và Mỹ, và bỏ xa Liên minh châu Âu). Song cũng cần xem xét mọi khía cạnh của hình ảnh chung về cuộc chinh phục vũ trụ, hiện nay vẫn do Mỹ và Nga chi phối. Theo các nguồn tin đáng tin cậy nhất, Nga đã bán thiết kế khoang đổ bộ không gian của mình cho Trung Quốc.
Từ năm 1999, Trung Quốc chỉ huấn luyện 6 nhà du hành và họ ở 9 ngày trên quỹ đạo. Để so sánh, cần biết rằng trong 10 năm đầu (1960-1969) thực hiện chương trình tàu vũ trụ có người lái của mình, Mỹ và Nga đã đưa lên quỹ đạo 44 và 24 nhà du hành, với tổng số thời gian ở lại trong không gian 96 và 42 ngày, trong khi chương trình của Mỹ kết thúc bằng hai chuyến thám hiểm trên bề mặt Mặt Trăng.
Cuối cùng, trong 10 năm chuẩn bị chương trình các chuyến bay thám hiểm Mặt Trăng, Mỹ đã đưa lên quỹ đạo số vệ tinh lớn gấp 5 lần của Trung Quốc trong 40 năm thực hiện chương trình thám hiểm không gian của mình. Đấy là chưa nói đến các chuyến bay thám hiểm sao Kim và sao Hỏa với một chiếc xe điều khiển từ xa hạ cánh xuống sao Hỏa vào năm 2004 và 2008.
Người ta bắt đầu hy vọng nhân loại đang bước vào không gian sẽ thành công trong việc vượt qua những ý đồ dân tộc chủ nghĩa và nghi kỵ chiến lược có thể dẫn đến sự lãng phí và trùng lặp để chinh phục vũ trụ được dễ dàng hơn. Thái độ khó chịu hiện nay của các bên cho thấy không có gì là chắc chắn cả, cho dù giữa Mỹ và Trung Quốc, Nga, Liên minh châu Âu và những nước đến sau, như Ấn Độ và Brazil, có những lĩnh vực mà đối thoại và hợp tác có thể thực hiện được ngay lập tức, như trao đổi thông tin về các mảnh vụn vũ trụ, điều kiện thời tiết, môi trường và hàng hải, trong khi chờ đợi một cuộc đối thoại chiến lược thực sự về việc sử dụng không gian và thông qua một "Bộ quy tắc ứng xử" mang tính ràng buộc quốc tế./.
Lưu Việt (Theo các báo nước ngoài)