(Tổ Quốc) -Mục tiêu chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc phát triển một ngành công nghiệp vũ khí nội địa là động lực đằng sau ý định mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga.
- 17.07.2018 Mỹ hé lộ với Thổ lựa chọn thay thế S-400 của Nga
- 17.07.2018 Mỹ ra đòn cuối ngăn S-400 Nga cập bến Thổ
Mục tiêu chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc phát triển một ngành công nghiệp vũ khí nội địa là động lực đằng sau ý định mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga, trong đó việc chuyển giao công nghệ từ Moscow là một phần của thương vụ. Vấn đềchuyển giao công nghệ, theo các nhà phân tích, đang cản trở nỗ lực của Washington để thuyết phục Ankara mua hệ thống tên lửa Patriot của Hoa Kỳ như một lựa chọn thay thế.
Rào cản chuyển giao công nghệ vũ khí
Nhiều đối tác của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO đã cảnh báo Ankara rằng hệ thống phòng thủ của liên minh này có thể bị tổn thương nếu tên lửa S-400 được Thổ Nhĩ Kỳ triển khai.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu và một cố vấn cao cấp của Tổng thống Erdogan, phát biểu một cách ẩn danh, đều nhấn mạnh thương vụ mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 trị giá nhiều tỷ USD sẽ tiếp tục. Mặc dù, ông Cavusoglu nói rằng Ankara cũng có thể mua hệ thống Patriot.
Một số nhà quan sát nói rằng, quyết định của Ankara chuyển sang Moscow về việc tăng cường vũ trang là kết quả từ việc các đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ không chia sẻ công nghệ của họ.
"Nga cung cấp lựa chọn tốt nhất," Giáo sư Quan hệ Quốc tế Huseyin Bagci thuộc Đại học Công nghệ Trung Đông Ankara cho biết.
Chuyển giao công nghệ là chìa khoá giúp Nga đánh bật NATO trong thương vụ S-400 với Thổ Nhĩ Kỳ |
“Nếu các nước phương Tây, các nước NATO, thông qua việc chuyển giao công nghệ, thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mua vũ khí từ họ. Lựa chọn chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ dừng ở việc mua mà là sau này sẽ bán vũ khí. Câu hỏi đặt ra ở đây không phải là mua hàng khỏi kệ mà là sản xuất cùng nhau. Tại sao người Mỹ không chia sẻ công nghệ của họ? Một số nước châu Âu, như Anh, đang thực hiện những bước đi tốt theo hướng này. ”
Ankara đã nêu ra sự miễn cưỡng của Washington về việc cho phép chia sẻ công nghệ và hợp tác sản xuất là những lí do khiến các cuộc đàm phán trước đó về mua hệ thống Patriot giữa hai bên sụp đổ. Sau sự việc này, Ankara ban đầu đã chuyển sang xem xét một hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc và cuối cùng chốt hạ là hệ thống S-400 của Nga.
Trong nỗ lực ngoại giao mới nhất của Hoa Kỳ để ngăn chặn việc mua S-400, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Kevin Fahey nói với các phóng viên trong tuần này rằng Washington có thể linh hoạt hơn. "Thổ Nhĩ Kỳ đã quan tâm đến Patriot, vì vậy chúng tôi đã làm việc một thời gian về cách chúng tôi có thể thực hiện tiến trình đó", ông nói.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, Ankara đã nhận thức được rằng, bất kỳ thỏa thuận tên lửa Patriot nào sẽ phải được Quốc hội Mỹ thông qua – điều dường như sẽ khó khăn do các nhà lập pháp Washington đang ngày càng cứng rắn đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Các nghị sỹ Mỹ đang đe dọa ngăn chặn việc cung cấp máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ cho Ankara. Trong quá khứ, nhiều giao dịch vũ khí Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ đã bị Quốc hội ngừng hoặc trì hoãn.
Tham vọng vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ
Nhà phân tích chính trị Atilla Yesilada của Global Source Partners chỉ ra sự đáng ngờ của các đồng minh phương Tây trong việc cung cấp vũ khí đã là động lực để Ankara mở rộng ngành công nghiệp vũ khí của mình. “Bất kỳ đối tác nước ngoài nào – những bên cung cấp vũ khí trong khi vẫn lo ngại về cách chúng tôi tham chiến có thể rút lại việc cung cấp đạn dược hay vũ khí mới. Và kiểu tống tiền hay phủ quyết này Thổ Nhĩ Kỳ không thể đồng ý, không nước nào có thể chấp nhận điều đó. Đó là lý do tại sao việc nội địa hóa ngành công nghiệp quốc phòng là một điều tốt”, Yesilada nói.
Các hoạt động quân sự gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại lực lượng người Kurd ở nước láng giềng Syria và Iraq đã là một màn phô diễn những vũ khí do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. “Hầu như tất cả các xe bọc thép hoạt động ở Afrin (Syria) đều được sản xuất trong nước. Tôi cảm ơn những người bạn của chúng tôi đã sản xuất chúng, ”Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết vào tháng 2. Máy bay không người lái vũ trang do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất giờ đây cũng đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động quân sự của nước này.
Các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã gia tăng doanh số bán hàng ở nước ngoài. "Thổ Nhĩ Kỳ đã cố gắng để trở thành một thế lực quan trọng trong xuất khẩu vũ khí trong khu vực," nhà phân tích quân sự Metin Gurcan nói. "Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành một nước xuất khẩu mới có thể cung cấp vũ khí hiệu quả, hiệu lực hơn, thử nghiệm chiến đấu với chi phí thấp, và ít lỗi hơn để có thể xuất khẩu."
Trong tuần này, Thổ Nhĩ Kỳ đã xác nhận việc bán 30 chiếc trực thăng tấn công và bốn tàu chiến hộ tống cho Pakistan.
Một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên đã bày tỏ những quan ngại về việc đối tượng sẽ được chia sẻ công nghệ mà Ankara tiếp cận được từ các đồng minh có thể là một yếu tố đằng sau sự miễn cưỡng trong việc chuyển giao công nghệ trong các giao dịch vũ khí.
Một thỏa thuận giữa Ankara và nhà sản xuất động cơ Anh Rolls Royce để phát triển một máy bay chiến đấu đã rơi vào trì hoãn về vấn đề chia sẻ công nghệ. Tuy nhiên, chuyển giao công nghệ cao cấp vẫn là một mục tiêu quan trọng cho Ankara trong việc phát triển ngành công nghiệp vũ khí của nước này.
“Thổ Nhĩ Kỳ không có công nghệ cao; Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cần công nghệ cho động cơ phản lực và động cơ xe tăng. Thổ Nhĩ Kỳ dự định phát triển một ngành quốc phòng lớn hơn và tinh vi hơn, ”giáo sư Bagci nói.
“Không chỉ người Nga mà cả người Trung Quốc cũng đang cung cấp chuyển giao công nghệ. Giờ tùy thuộc vào việc người Mỹ và các nước NATO khác có tin cậy Thổ Nhĩ Kỳ hay không. Xét cho cùng, NATO dựa trên sự tin tưởng”, giáo sư Bagci cho hay.
Moscow cũng có giới hạn về chia sẻ công nghệ với Ankara. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được cho là đã từ chối một cách lịch sự đề nghị của ông Erdogan đối với việc nâng cấp phiên bản S-400 Thổ Nhĩ Kỳ đã kí hợp đồng mua lên hệ thống S-500 mới nhất của Nga. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Moscow sẽ tiếp tục cung cấp đủ công nghệ để tận dụng sự miễn cưỡng của phương Tây trong việc chia sẻ công nghệ với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ.