• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu

Thế giới 18/04/2023 11:36

(Tổ Quốc) - Theo hãng AP, nỗ lực thúc đẩy ứng phó với biến đổi khí hậu tại các nhà thờ Hồi giáo là một ví dụ điển hình về các sáng kiến "Ramadan Xanh" ở Indonesia và các quốc gia khác trên thế giới.

Ở trung tâm Jakarta (Indonesia), Nhà thờ Hồi giáo Istiqlal được xây dựng với mục tiêu trường tồn hàng nghìn năm. Bảy cổng đại diện cho bảy tầng trời trong Hồi giáo, chào đón du khách từ khắp các nước trên thế giới đến đây.

Tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Một cuộc cải tạo lớn vào năm 2019 đã lắp đặt hơn 500 tấm pin mặt trời trên mái nhà rộng lớn của nhà thờ này và hiện mang đến nguồn điện sạch cho Istiqlal. Trong tháng Ramadan này, Istiqlal tiếp tục khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Ông Her Pramtama, một đại diện của Istiqlal hy vọng tháng linh thiêng nhất của đạo Hồi có thể tạo động lực cho dự án năng lượng mặt trời của nhà thờ thông qua quyên góp.

Nỗ lực thúc đẩy ứng phó với biến đổi khí hậu tại đây là một ví dụ điển hình về các sáng kiến "Ramadan Xanh" ở Indonesia và các quốc gia khác trên thế giới trong tháng linh thiêng của người Hồi giáo. Trong một tháng Ramadan, người dân được khuyến nghị sử dụng ít nước hơn trong nghi lễ tẩy rửa trước khi cầu nguyện, thay thế chai nhựa và dao kéo trong các bữa tiệc cộng đồng bằng những thứ có thể tái sử dụng và giảm lãng phí thực phẩm. Các đề xuất khác bao gồm đi chung xe đến nhà thờ Hồi giáo, sử dụng sản phẩm địa phương, nhấn mạnh vào tái chế và sử dụng tiền quyên góp để tài trợ cho các dự án năng lượng sạch.

Đây là các nỗ lực để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu trong bối cảnh hạn hán, lũ lụt và nắng nóng ngày càng trầm trọng. Mặc dù các sáng kiến cá nhân chỉ là một phần nhỏ của quá trình chuyển đổi nhưng các chuyên gia cho rằng động lực ngày càng tăng hướng đến các mục tiêu khí hậu.

Năm ngoái, tại một cuộc họp của Đại hồi đồng Hồi giáo vì một Indonesia bền vững, Phó Tổng thống Indonesai Ma'ruf Amin đã kêu gọi cộng đồng chung tay đóng vai trò tích cực trong việc truyền đạt các vấn đề liên quan đến thiệt hại môi trường" và yêu cầu hành động cụ thể ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hướng tới nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu

Ông Muhammad Ali Yusuf, một thành viên tại Viện quản lý thảm họa và biến đổi khí hậu Nahdlatul Ulama cho biết việc truyền bá nhận thức về năng lượng sạch là "trách nhiệm chung" đối với người Hồi giáo và là chất xúc tác hướng tới sự chuyển đổi lớn hơn.

Một số nhà thờ Hồi giáo và người Hồi giáo trên khắp thế giới đang chú ý đến những lời kêu gọi như vậy và thực hiện từng bước một. Trước thềm lễ Ramadan năm nay, nhà thờ Hồi giáo tại Trường nội trú Hồi giáo Al Ma'hadul ở Indonesia đã nhận được các tấm pin mặt trời thông qua sự đóng góp của người Hồi giáo, cung cấp đủ năng lượng cho toàn bộ nhu cầu của nhà thờ. Điện từ các tấm pin mặt trời cũng thắp sáng các trường học và đường xá trong vùng lân cận.

Nhà thờ Hồi giáo Nizamiye ở Johannesburg (Nam Phi) với những ngọn tháp cao chót vót và nội thất rộng rãi, có mái nhà được điểm xuyết bằng mái vòm và các tấm pin mặt trời giúp duy trì nguồn điện tại nhà thờ và các trường học, phòng khám và chợ xung quanh.

Tại Edison, New Jersey, Masjid Al-Wali¸, một nhà thờ Hồi giáo và trung tâm cộng đồng đã áp dụng những thay đổi mới như bán chai nước có thể tái sử dụng cho các thành viên với giá gốc và lắp đặt thêm máy làm mát để ngăn cản việc sử dụng chai nhựa dùng một lần.

"Bảo vệ môi trường là điều đúng đắn của người Hồi giáo. Mọi người đang chấp nhận thông điệp", ông Mansuri nói. Ông Mansuri cho biết các bữa ăn trong tháng Ramadan dành cho cộng đồng hiện được đựng trong các hộp nhựa đóng gói sẵn. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo nhà thờ Hồi giáo khuyến khích các thành viên lấy thức ăn thừa và tái sử dụng các hộp, thay vì vứt chúng đi đồng thời hy vọng có thể tìm thấy các giải pháp thay thế trong tháng Ramadan tới.

Tại Vương quốc Anh, Projects Against Plastic (PAP)- một tổ chức từ thiện có trụ sở tại Bristol, đang dẫn đầu chiến dịch tháng Ramadan không nhựa. Các nhà thờ Hồi giáo được khuyến khích nâng cao nhận thức về ô nhiễm nhựa và giảm sự phụ thuộc vào nhựa sử dụng một lần. Bảy nhà thờ Hồi giáo ở Bristol đã cùng tham gia vào một dự án thí điểm vào năm ngoái, với các kết quả khác nhau.

"Với tư cách là một người Hồi giáo, tôi cảm thấy rằng các nhà thờ Hồi giáo là trung tâm của cộng đồng và nên đóng vai trò hàng đầu đối với sự bền vững và hướng tới tái chế, đặc biệt là trong tháng Ramadan", Naseem Talukdar, người sáng lập PAP cho biết./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ