(Tổ Quốc)- Các đồng minh quan ngại người Mỹ có thể thay đổi cách tiếp cận đối với liên minh an ninh và thương mại.
(Tổ Quốc)- Các đồng minh quan ngại người Mỹ có thể thay đổi cách tiếp cận đối với liên minh an ninh và thương mại.
Đối với nhiều quốc gia, các đề xuất chính sách ngoại giao cả chính thức và ứng khẩu của ông Trump như: đe dọa sẽ rút Mỹ ra khỏi NATO, dỡ bỏ bảo hộ hạt nhân đối với Nhật Bản và Hàn Quốc; tuyên bố đánh thuế thương mại mạnh đối với Trung Quốc… được coi là một tổ hợp lộn xộn và đáng ngại.
Ông Trump phát biểu về chính sách đối ngoại tại Washington tháng trước. (Nguồn: NY Times)
Từ Bắc Kinh, Tokyo và Seoul đến trụ sở của NATO ở Brussels và các quốc gia vùng Baltic dễ bị tổn thương dọc theo biên giới phía tây với Nga, các quan chức và các nhà phân tích cho biết họ đã nhìn thấy sự thành công của cương lĩnh "đặt nước Mỹ lên hàng đầu" và coi đây là dấu hiệu của áp lực buộc các đồng minh phải trả phí hoặc nhượng bộ thương mại để đổi lấy sự bảo vệ quân sự.
Buộc châu Âu và NATO chia sẻ kinh phí
Hiện tại, lập trường cứng rắn của ông Trump về lợi ích của Mỹ đã khiến một số quan chức phải nhìn lại những phê bình gần đây của Tổng thống Obama đối với những đồng minh châu Âu và vùng Vịnh Ba Tư là những "tay đua tự do". Tại châu Âu hồi tháng trước, ông Obama yêu cầu các đồng minh thực hiện theo cam kết để dành 2% GDP cho quốc phòng, một định mức mà rất ít các nước đã làm được.
Peter Westmacott, cựu đại sứ Anh tại Hoa Kỳ cho biết "Các thành viên NATO cần phải suy nghĩ liệu đã phù hợp và bền vững khi để Mỹ phải trả hơn 70% các hóa đơn cho an ninh tập thể, hoặc làm thế nào để đảm bảo chúng ta có thể chú ý tới người thua cuộc cũng như những người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại toàn cầu."
Một số người cũng đang xem xét lại những nhận định của Robert M. Gates trong tuần cuối cùng của ông trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ năm 2011. Ông Gates cảnh báo rằng một thế hệ mới của người Mỹ chưa từng trải qua Chiến tranh Lạnh cuối cùng sẽ hỏi liệu NATO - cơ chế trung ương của an ninh châu Âu, có phải là một di sản, như phần còn lại của Bức tường Berlin hiện vẫn đứng vững như một lời nhắc nhở về quá khứ.
Xích lại gần Nga
Đối với nhiều người sống ở biên giới với Nga, đặc biệt là ở các quốc gia vùng Baltic, không có gì khó hiểu hơn sự ngưỡng mộ của ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir V. Putin. Nhà tỷ phú này cho biết đánh giá cao sức mạnh của ông Putin và coi ông Putin là đối tác có thể thương lượng. Đối với châu Âu, quan điểm này có thể mở ra một sự rạn nứt trong NATO.
"Sự nhiệt tình của Nga đối với Trump dường như được khẳng định dựa trên giả định rằng nhà tỷ phú thực sự có thể rút quân khỏi châu Âu," Matthew Rojansky, giám đốc Viện Kennan, một nhóm nghiên cứu tại Washington tập trung vào Nga và Liên Xô cho biết.
Đây cũng chính là điều các quốc gia khác trong khu vực này quan ngại khi NATO là lực lượng đối trọng chính của Nga và dấy lên nghi ngờ rằng liệu các tổng thống Mỹ sẽ duy trì cam kết tập hợp lực lượng để bảo vệ họ khi xảy ra xung đột.
Tại nước láng giềng Lithuania, một tấm bảng được trưng bày tại thủ đô Vilnius, kỷ niệm chuyến thăm năm 2002 của cựu Tổng thống George W. Bush thuộc đảng Cộng hòa với cụm từ "Bất cứ ai coi Lithuania là kẻ thù cũng sẽ là kẻ thù của nước Mỹ" của ông Bush. Ông Obama đã đưa ra lập trường tương tự ở Estonia và gia tăng sự hiện diện của NATO ở Đông Âu. Những điều này khiến các tuyên bố của ông Trump nổi lên như một kẻ lật lọng đối với người dân trong khu vực.
Từ bỏ bảo hộ với Seoul và Tokyo
Lập luận của ông Trump rằng Seoul và Tokyo, nơi đang có sự hiện diện của hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ, cần phải trả thêm hoặc quân đội Mỹ sẽ rút lui đang gây hoang mang ở những nước này. Nhật Bản trả khoảng 2 tỷ USD một năm cho nơi đóng quân của quân đội, và các nhà lãnh đạo quân sự thường nói sẽ tốn kém hơn cho người nộp thuế Mỹ để chi trả cho số lượng lính như vậy tại Guam hay ở lục địa Hoa Kỳ. Hơn nữa, những căn cứ này cũng rất quan trọng để thu thập thông tin tình báo hàng ngày về Trung Quốc và Triều Tiên; Hoa Kỳ cũng giữ một nhóm tàu sân bay tại Nhật Bản.
Trong khi, các quan chức quân sự Mỹ và các nhà ngoại giao cho rằng những căn cứ này rất quan trọng để duy trì tự do hàng hải và để ngăn chặn Triều Tiên thì ông Trump cho rằng chúng chỉ có giá trị nếu Hoa Kỳ không phải chi trả cả một gia tài.
"Tôi nghĩ một thông điệp siêu thực Trump đang nói là: Mỹ có đủ khả năng để tồn tại và phát triển thịnh vượng mà không cần bất kỳ đồng minh nào nếu buộc phải cắt đứt mọi quan hệ", ông Chung Min Lee, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Yonsei ở Seoul cho biết. Ông nói thêm rằng ông Trump đã buộc các đồng minh "tiến tới tuyên bố các bài phát biểu về lợi ích chính mà họ mang đến cho Hoa Kỳ, và cho đến nay, không nước nào trong số họ đã làm như vậy."
Đối thủ Trung Quốc
Trung Quốc, một trong những mục tiêu thường xuyên nhất của những lời chỉ trích từ ông Trump, nhà tỷ phú này được xem như một người thực tiễn, ít hiếu chiến và ít tập trung vào các vấn đề nhân quyền hơn so với bà Clinton.
Đề nghị của ông để áp đặt thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc nhận được ít sự chú ý trong khi bài phát biểu về việc Trung Quốc "cưỡng hiếp" Hoa Kỳ trong giao dịch thương mại không công bằng chỉ được phản hồi bằng những cái nhún vai, coi đây không phải là điều gì mới mẻ. Thay vào đó, cuộc trò chuyện về sự nghiệp kinh doanh thành công của ông Trump hay những tuyên bố của ông về việc ngăn chặn người Hồi giáo nước ngoài vào Hoa Kỳ, một thái độ tương đồng với ác cảm của nhiều người Trung Quốc đối với dân số Hồi giáo ở tỉnh Tân Cương.
"Nhiều người ở Trung Quốc tin rằng một tổng thống đảng Cộng hòa ủng hộ doanh nghiệp sẽ có xu hướng thực dụng và thân thiện với Trung Quốc", Wang Dong, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Bắc Kinh cho biết.
Sự khẳng định của ông Trump rằng quân đội Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản nên được gửi trở về Hoa Kỳ là phù hợp với mục tiêu chính thức của chính phủ Trung Quốc. Nhưng đề nghị sau đó của ông Trump về việc Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ có thể phát triển kho vũ khí hạt nhân của mình đã khiến Bắc Kinh quan ngại.
Cuộc tổng tuyển cử Mỹ đang đến gần và ông Trump đã chắc chắn một suất tham dự. Các nhà lãnh đạo thế giới đang vật lộn với những dự đoán, thậm chí nếu ông Trump thua cuộc về việc gia tăng tư tưởng ‘hướng nội’của người Mỹ.