• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

RCEP là "liều thuốc bổ mà châu Á đang cần"?

Thế giới 16/11/2020 11:50

(Tổ Quốc) - Ngày 15/11, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) - thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới - đã được ký kết sau 8 năm đàm phán.

"Thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới"

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông đưa tin, hôm 15/11 vừa qua, Trung Quốc vừa giành được một "thắng lợi" khi 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) - thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới không có sự tham gia của Mỹ.

Thỏa thuận RCEP được kí kết sau hành trình 8 năm đàm phán, và trong bối cảnh đang có nhiều câu hỏi đặt ra về những cam kết của Washington trong khu vực - bởi hiện tại Mỹ không tham gia vào 2 trong số các nhóm thương mại quan trọng tại khu vực phát triển nhanh nhất thế giới là RCEP và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ngay sau khi nhậm chức vào đầu năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của CPTPP.

Hôm Chủ nhật (15/11) vừa qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 nước thành viên ASEAN cùng bộ trưởng thương mại của các nước này đã tham gia lễ ký kết hiệp định RCEP theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Theo Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng Xuất khẩu New Zealand Damien O’Connor, RCEP có sự tham gia của gần 1/3 nền kinh tế toàn cầu và dân số toàn thế giới; và dự kiến thỏa thuận này sẽ đem lại 186 tỉ USD cho kinh tế toàn cầu thông qua các hoạt động thương mại được thúc đẩy trong khu vực.

Mục tiêu của RCEP là mở cửa cho thương mại và đầu tư tự do trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thông qua các biện pháp cắt giảm thuế quan, giảm thiểu thủ tục và giấy tờ, cũng như đưa ra các quy định mới về chi tiêu của chính phủ, chính sách cạnh tranh và thương mại điện tử.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cương cho biết việc các nước ký kết RCEP là "thắng lợi của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do".

"Thỏa thuận RCEP được ký kết không chỉ là thành tựu mang tính bước ngoặt của hợp tác khu vực Đông Á, mà còn là thắng lợi của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do... và tạo ra động lực mới cho sự phục hồi tăng trưởng kinh tế thế giới”, ông Lý nói.

RCEP sẽ bắt đầu có hiệu lực trong vòng 2 năm tới, sau khi tất cả các quốc gia thành viên thông qua các điều khoản của hiệp định này trong nội bộ, theo Bộ trưởng Thương mại Indonesia Agus Suparmanto.

Bộ Tài chính Trung Quốc hôm 15/11 cho biết các điều khoản của RCEP bao gồm các cam kết dỡ bỏ thuế quan trong nội bộ các nước thành viên, trong đó bao gồm một số khoản thuế được dỡ bỏ ngay lập tức, một số sẽ được dỡ bỏ dần trong vòng một thập kỷ.

Cũng theo Bộ này, hai nước Trung Quốc và Nhật Bản đã đạt được "bước đột phá lịch sử" khi có được thêm một thỏa thuận giảm thuế song phương bên cạnh thỏa thuận RCEP. Bộ Tài chính Trung Quốc không nêu rõ chi tiết trong thông báo của mình.

SCMP cho biết, RCEP đã đánh dấu lần đầu tiên các cường quốc Đông Á vốn coi nhau là đối thủ là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đồng ý tham gia một thỏa thuận thương mại tự do chung.

Các thành viên tham gia RCEP bao gồm cả các quốc gia đã và đang phát triển, do đó hiệp định này có một số điều khoản đặc biệt về các thỏa thuận chuyển tiếp, bao gồm việc chuyển giao công nghệ cho các quốc gia như Lào, Myanmar và Campuchia.

Các thành viên RCEP cũng tái khẳng định rằng họ sẽ tiếp tục "đánh giá cao vai trò của Ấn Độ trong RCEP" và sẵn sàng chào đón Ấn Độ gia nhập trong tương lai. New Delhi đã rút khỏi các cuộc đàm phán về RCEP vào cuối năm ngoái giữa những lo ngại về thâm hụt thương mại của nước này với Trung Quốc.

Khác với CPTPP, RCEP không bao gồm các tiêu chuẩn về lao động và môi trường. Các nhà phân tích và quan chức thương mại khu vực cho rằng mặc dù có các quy định hạn chế về dịch vụ và đầu tư, cũng như các tiêu chuẩn thấp hơn CPTPP, nhóm thương mại do Trung Quốc hậu thuẫn này sẽ tạo ra động lực mà thế giới đang rất cần để vực dậy nền kinh tế bị đại dịch ảnh hưởng. Điều này sẽ càng kéo trọng tâm kinh tế về phía châu Á, khi Trung Quốc sẵn sàng đi đầu trong việc viết ra các quy tắc thương mại cho khu vực.

Thắng lợi lớn của TQ, hồi chuông cảnh tỉnh dành cho Mỹ: RCEP là liều thuốc bổ mà châu Á đang cần? - Ảnh 2.

Ảnh: Reuters

Lợi thế cho Trung Quốc

"RCEP có thể chính là liều thuốc bổ mà châu Á đang cần để khôi phục sau những ảnh hưởng của đại dịch", ông Stuart Tait, người đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng HSBC, nhận định.

"Các hoạt động trao đổi thương mại trong nội bộ châu Á - vốn đã lớn hơn so với các hoạt động trao đổi thương mại của châu Á với Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại, sẽ tiếp tục tiếp sức cho tăng trưởng kinh tế thế giới và kéo trọng tâm kinh tế về phía châu Á", theo ông Tait.

ASEAN đã vượt qua liên minh châu Âu (EU), trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong Quý I năm nay. Cuộc thương chiến kéo dài với Mỹ và những lời đe dọa "phân ly" về kinh tế cũng khiến Trung Quốc phải tìm cách đa dạng hóa các lựa chọn thương mại và giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ.

Ông He Weiwen, một cựu quan chức thương mại Trung Quốc hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc và Toàn cầu hóa, nhận định tại một diễn đàn ở Bắc Kinh hôm 12/11 vừa qua rằng:

"Ưu tiên của Trung Quốc phải là thắt chặt quan hệ thương mại với châu Á. Trong vòng 3 năm thương chiến vừa qua với Mỹ, chúng ta đã chứng kiến các hoạt động trao đổi thương mại với ASEAN gia tăng đáng kể, trao đổi thương mại với châu Âu gia tăng ở mức vừa phải và trao đổi thương mại với Mỹ giảm.

Hiện tại trao đổi thương mại với châu Á và châu Âu chiếm khoảng 70% trên tổng giá trị trao đổi thương mại, và điều đó sẽ giúp chúng ta có thế mạnh khi mặc cả với Mỹ".

Wendy Cutler, từng là phó đại diện thương mại Mỹ dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama và tham gia đàm phán về TPP, đã nhận định rằng việc RCEP được ký kết chính là "một hồi chuông cảnh tỉnh nữa đối với nước Mỹ về vấn đề thương mại", bà Cutler nhận định.

Tân tổng thống đắc cử Joe Biden chưa hề hứa hẹn về khả năng Mỹ sẽ gia nhập CPTPP - tiền thân là hiệp định TPP mà ông Biden và ông Obama từng xúc tiến trước đây.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, chính quyền ông Trump đã đưa ra ý tưởng tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu với các quốc gia như Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam, nhưng lại có một khuôn khổ thương mại chính thức nào để tập hợp các quốc gia này.

Tu Xinquan, người đứng đầu Viện nghiên cứu WTO của Trung Quốc tại trường Đại học Kinh tế - Kinh doanh Quốc tế, nhận định rằng các chính sách thương mại đơn phương dưới thời Tổng thống Trump, cùng với đó là ảnh hưởng của dịch bệnh, đã khiến các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương xích lại gần nhau hơn.

"Việc ký kết RCEP cho thấy các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương cần đoàn kết lại sau cuộc thương chiến và các chính sách thương mại đơn phương của Mỹ. Việc đảm bảo sự ổn định trong các chuỗi cung ứng khu vực đã trở nên quan trọng hơn trước rất nhiều, do đại dịch gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Dĩ nhiên là CPTPP có những tiêu chuẩn cao hơn RCEP. Nhưng hiện tại vẫn chưa rõ các tiêu chuẩn cao đó có thể đem lại khác biệt gì về lợi ích, và có thể sẽ mất nhiều năm để nhìn thấy tác động rõ rệt của CPTPP, trong khi tăng trưởng nhờ các chính sách thương mại tự do trong khuôn khổ của RCEP sẽ cho thấy kết quả nhanh hơn nhiều", ông Tu bình luận.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Hồng Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ