(Tổ Quốc) - Thành phố cổ Hegra - di tích khảo cổ của Saudi Arabia đang mở cửa đón du khách khám phá một đế chế bí ẩn từng tồn tại trong hàng nghìn năm.
Từng là trung tâm thương mại quốc tế thịnh vượng, thành phố cổ Hegra (hay còn gọi là Madain Saleh) từng bị "ngủ quên" trong gần 2000 năm và đây là lần đầu tiên Saudi Arabia mở cửa đón du khách đến điểm du lịch này.
Tạp chí smithsonian mô tả: "Thành phố Hegra nằm trên sa mạc ở phía bắc Ủy ban Hoàng gia (AlUla) của Saudi Arabia. Xa xa, những mỏm đá và tảng đá khổng lồ có kích thước bằng tòa nhà được chạm khắc tinh xảo. Các trụ cột được thiết kế theo phong cách cổ điển nhô ra khỏi cát giống như những hạt giống thần nằm rải rác. Khi mặt trời lặn, màu sắc bụi bắn bung lên, để lộ những vết rỗ và vết ố do mưa hình thành theo thời gian."
Những khách du lịch tinh ý sẽ nhận ra ngay các công trình xây dựng đá cắt tại Hegra trông giống với điểm đến nổi tiếng Petra – cách khoảng vài trăm dặm về phía bắc Jordan. Hegra là thành phố thứ hai của vương quốc Nabataean nhưng Hegra lại có nhiều nét thú vị và đặc biệt hơn so với Petra bởi di tích có thể nắm giữ chìa khóa mở ra các bí mật của nền văn minh cổ đại gần như bị lãng quên.
Trong thời gian gần đây, Saudi Arabia dường như cởi mở hơn trong chính sách du lịch nhằm định hướng phát triển kinh tế đất nước và xem du lịch là nguồn thu nhập mới thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Dầu mỏ hiện chiếm 90% thu nhập xuất khẩu của đất nước và đóng góp khoảng 40% vào GDP.
Vào năm 2016, Thái tử Mohammed bin Salman đã thông báo "Tầm nhìn Saudi 2030", trong đó tập trung vào một lộ trình đất nước trong hai thập kỷ tới đưa quốc gia trở thành trung tâm thương mại và du lịch toàn cầu kết nối châu Phi, châu Á và châu Âu.
Saudi Arabia lần đầu tiên đã phát động chương trình thị thực cho khách du lịch vào tháng 9/2019, thu hút du khách tới các điểm đến trong nước. Hegra - vốn dĩ là điểm đến có kiến trúc bắt mắt và huyền bí luôn được xem là lựa chọn tối ưu trong tầm nhìn của Saudi nhằm hút khách du lịch.
Sức hấp dẫn của Hegra là bởi không nhiều người nước ngoài biết đến nó như Petra – điểm đến thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm và đang được xếp vào di sản thế giới có nguy cơ bị hủy diệt nếu không được bảo tồn đúng cách theo quy định của UNESCO. Đây là lần đầu tiên thành phố cổ Hegra thúc đẩy chương trình du lịch. Nền văn minh Nabataean (xuất hiện từ thế kỷ I trước Công nguyên đến thế kỷ I) được xem là bí ẩn và hấp dẫn nhất du khách nhiều nhất từ trước đến nay.
"Khách du lịch đến Hegra sẽ thích thú nhìn những ngôi mộ và chữ khắc trên đó mà không hề biết ai đã làm nên chúng. Hegra sẽ khiến du khách tò mò về các bí ẩn của di tích cùng với hàng loạt các câu hỏi: Ai đã tạo ra Hegra? Họ đến từ đâu? Họ đã ở đây bao lâu?", David Graf – một chuyên gia về văn minh Nabataean – nhà khảo cổ học và là giáo sư Đại học Mianmi cho biết.
Người Nabataean là những dân du mục sống trên sa mạc. Sự trộn lẫn văn hóa đã mang đến tính đa dạng các vùng miền đến từ Ả rập, Jordan, Địa Trung Hải, Ai Cập, Syria và Lưỡng Hà. Đoàn lữ hành kéo bằng lạc đà mang theo các hương vị hạt tiêu thơm, củ gừng, đường và bông đi qua Hegra. Người Nabataean cũng trở thành nhà cung cấp các chất thơm như trầm hương hay chất nhựa thơm – thường cung cấp trong các nghi lễ tôn giáo.
Giống như Petra, Hegra từng là một đô thị nhưng giờ đây giống như một nghĩa địa: hầu hết các công trình kiến trúc còn lại có thể thấy được là các khu lăng mộ. Hầu hết phần kiến trúc hiện tại của thành phố đang chờ được khai quật hoặc đã bị biến mất theo lớp cát bụi của thời gian. Một trong những thứ duy nhất còn tồn tại là dòng chữ của người Nabataean khắc trên lối vào của một số ngôi mộ tại Hegra.
Người Nabataean được đánh giá là những người tiên phong cổ đại trong kiến trúc và thủy lực, đã khai thác môi trường sa mạc khắc nghiệt để có thể xây dựng kiện trúc phục vụ lợi ích của họ. Nước mưa rơi xuống những ngọn núi hiểm trở và được thu gom vào các bể chứa nước trên mặt đất, các đường ống dẫn nước tự nhiên xây dựng xung quanh lăng mộ để bảo vệ mặt tiền không bị xói mòn. Điều này đã giúp các nét kiến trúc được bảo quản tốt trong hàng nghìn năm sau khi xây dựng.
"Kiến trúc xây dựng được cho là rất sáng tạo, đổi mới, giàu trí tưởng tượng", nhà nghiên cứu Graf cho biết.
Thành phố cổ Hegra có khoảng 111 ngôi mộ được chạm khắc cẩn thận và vẫn được giữ trong tình trạng tốt. Khách du lịch đến đây có thể tìm hiểu kỹ hơn về nền văn minh từng bị lãng quên. Kiến trúc cổ điển Hy Lạp và La Mã có ảnh hưởng rõ ràng đến các công trình xây dựng. Nhân sư, đại bàng và chim ưng với đôi cánh dang rộng được xem là các biểu tượng quan trọng trong thế giới Hy Lạp, La Mã, Ai Cập và Ba Tư, tựa bay lượn phía trên các lối vào lăng mộ để bảo vệ họ khỏi những kẻ xâm nhập.
Kiến trúc thành phố cổ Hegra là sự pha trộn ảnh hưởng của Iran, Hy Lạp và Ai Cập.