• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thắp sáng tri thức cho trẻ em làng quê

Văn hoá 22/04/2023 07:30

(Tổ Quốc) - Sau gần 10 năm hoạt động, giờ đây Thư viện Dương Liễu đã trở thành điểm hẹn tri thức - văn hóa của nhiều thế hệ trẻ nhỏ. Nơi đây không chỉ thắp sáng tri thức, chắp cánh ước mơ mà còn hướng các độc giả nhí đến việc thắp tình yêu thương thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, hoạt động thiện nguyện, hoạt động cộng đồng.

Điểm hẹn tri thức

Thư viện Dương Liễu nằm ở thôn Thống Nhất, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức (Hà Nội) do anh Phùng Bá Hưng thành lập. Khi đặt chân đến đây, chúng ta có thể cảm nhận được sức hút của thư viện không chỉ đến từ những cuốn sách hấp dẫn, ở không gian đọc thân thiện mà còn đến từ những hoạt động văn hóa - sáng tạo tươi mới của những người còn rất trẻ. Thư viện nhỏ này như một thế giới màu nhiệm, suốt 10 năm qua đã được mở ra với những yêu thương gửi gắm cho con trẻ.

Thắp sáng tri thức cho trẻ em làng quê - Ảnh 1.

Anh Phùng Bá Hưng - người đồng sáng lập ra thư viện Dương Liễu

Khi được hỏi về ý tưởng thành lập thư viện, anh Hưng chia sẻ :"Là một người có niềm đam mê với sách và tôi nhận thấy ở quê hương mình vào thời điểm đó không có thư viện dành cho các em học sinh nên tôi cảm nhận được nỗi thiệt thòi, thiếu thốn của đám trẻ nơi quê nhà khi ít có điều kiện tiếp xúc với sách báo hay tham gia các hoạt động vui chơi. Chính vì thế tôi mới nảy ra ý tưởng thành lập một thư viện cộng đồng tại đây"

Đến năm 2013, khi tình yêu với sách, với trẻ em thôi thúc, anh Hưng cùng một người bạn đã thành lập thư viện tư nhân hoàn toàn miễn phí, lấy tên gọi thân thuộc "Thư viện Dương Liễu", với mong muốn giúp các em ở quê có cơ hội được tiếp xúc nhiều hơn với sách, giúp các em có thêm nhiều kiến thức hơn trong học tập và còn giúp các em có thêm sân chơi lành mạnh, thắp sáng những ước mơ.

Trong những ngày đầu bắt tay vào xây dựng thư viện, anh Hưng đã tìm hiểu các mô hình thư viện tư nhân của nước ngoài và chọn lọc cách làm hay để áp dụng. "Thời gian đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn bởi đội ngũ tình nguyện viên mỏng, ít có sự gắn bó lâu dài nên tôi phải tự mình làm hết mọi công việc. Nhưng điều đó không làm tôi nản lòng mà còn khiến tôi càng thêm đau đáu làm sao thu hút được nhiều độc giả bởi dường như sách báo ít nhiều đã mất đi sự hấp dẫn trước các thiết bị điện tử hiện đại" – anh Hưng chia sẻ thêm.

Thắp sáng tri thức cho trẻ em làng quê - Ảnh 2.

Không gian thư viện

Một năm sau ngày thư viện được thành lập, anh Hưng đã có thể bắt đầu in ra từng tấm thẻ đọc cho các thành viên đầu tiên. Được sở hữu trong tay tấm thẻ đọc của thư viện ngay tại quê nhà khiến trẻ em ở Dương Liễu đặc biệt thích thú. Hàng trăm thẻ đã được in ra mỗi ngày.

Và đến nay, là mô hình phi lợi nhuận vì cộng đồng và có giấy phép hoạt động đầu tiên tại huyện Hoài Đức, thư viện đã có gần 80 tình nguyện viên, hầu hết họ đều còn rất trẻ, ở độ tuổi học sinh, sinh viên. Hiện thư viện có gần 10.000 đầu sách báo, khoảng 3.200 người thuộc các lứa tuổi đăng ký thẻ đọc sách. Thư viện mở cửa khoảng 12 giờ mỗi tuần và trung bình có 150 - 200 lượt mượn sách về nhà. Với diện tích mặt sàn hơn 50m2, cơ sở vật chất của thư viện khá đầy đủ với điều hòa, bàn ghế, kệ sách…

Thắp sáng tri thức cho trẻ em làng quê - Ảnh 3.

Phụ huynh đưa con nhỏ đến đọc sách

Ngoài ra, trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra, thư viện tạm đóng cửa nhưng không vì thế mà hoạt động đọc sách gián đoạn. Thời gian đó, anh Hưng cùng các cộng sự của mình tổ chức thư viện lưu động, mang sách đến từng điểm thôn xóm và tổ chức đọc sách cho những em nhỏ nghe, giúp các em kết nối lại tinh thần yêu sách. Sau sáng kiến này, các kết nối dần được thiết lập lại. Từ đầu năm 2022 đến nay, với anh Hưng đây là giai đoạn phát triển nhất của thư viện, vào những ngày thư viện mở cửa là thứ ba, thứ năm và 2 ngày cuối tuần, hàng trăm độc giả nhí đã trở lại cùng tiếng cười rộn rã.

Thắp sáng tình yêu với sách

Ban đầu, thư viện lập ra với mục đích để trẻ nhỏ trong khu xóm có địa điểm đến đọc sách, đọc truyện. Nhưng anh Hưng nhận thấy, nếu thư viện có các hoạt động hấp dẫn thì sẽ thu hút được nhiều bạn đọc hơn nên cứ khi nào "vắng khách", anh lại bắt đầu nghĩ ra các chương trình mới nhằm lan tỏa văn hóa đọc đến với nhiều người hơn.

"Chúng tôi nghĩ rằng, thư viện không chỉ có sách, đến thư viện không chỉ đọc sách mà đây cần là không gian mở để tổ chức các sự kiện giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ. Chúng tôi muốn biến thư viện thành một trung tâm văn hóa tri thức đúng nghĩa cho cộng đồng" – anh Hưng bày tỏ.

Thắp sáng tri thức cho trẻ em làng quê - Ảnh 4.

Các hoạt động, trò chơi được tổ chức tại thư viện

Để "kéo" được các em nhỏ đến với không gian đọc, anh Hưng chia sẻ: "Muốn những đứa trẻ quan tâm đến sách, yêu sách trước hết phải để chúng được chơi đã. Khi các em đến đây, chúng tôi bày ra đủ các loại trò chơi, từ rubic, trò chơi xếp gỗ, cờ tướng, cờ vua… Rồi dần dần tôi mới hướng tụi nhỏ đến việc đọc sách.

Cùng với những hoạt động giao lưu chia sẻ, tặng sách, tôi kết nối với các bạn sinh viên để các bạn trẻ được học những kỹ năng sống cơ bản, học tiếng Anh giao tiếp do tình nguyện viên nước ngoài trực tiếp đứng lớp. Sau những hoạt động đó, tôi nhận thấy học sinh, sinh viên tỏ ra rất thích thú mô hình này vì nó khiến cho khả năng giao tiếp của các em cải thiện rõ rệt nhưng lại rất hấp dẫn, khác hẳn với việc học trên lớp".

Thắp sáng tri thức cho trẻ em làng quê - Ảnh 5.

Các em học sinh đến đọc sách tại thư viện

Bên cạnh đó, thư viện Dương Liễu còn sáng sáng tạo, tổ chức hàng loạt các trò chơi, cuộc thi thú vị, bổ ích, giúp trẻ tìm về với các nét văn hóa làng quê hoặc bảo vệ môi trường. Có thể kể đến như việc làm đồ thủ công từ vật dụng tái chế, tham gia làm bánh chưng và bánh trung thu; thi "Rung chuông vàng" tìm hiểu về động vật hoang dã; thu gom pin, thu gom rác thải trong chương trình "Dương Liễu xanh không rác" hay tham gia các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho người cao tuổi trên địa bàn xã, quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung gặp khó khăn do thiên tai…

Theo anh Hưng chia sẻ: "Vì thư viện hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận nên để có kinh phí tổ chức các sự kiện, vào dịp cuối năm chúng tôi lấy những tấm ảnh đẹp chụp trong xã in lịch bán gây quỹ. Những dịp đặc biệt mọi người kêu gọi ủng hộ. Và chúng tôi nhận ra thư viện không chỉ là nơi phát triển văn hóa đọc mà còn là nơi chứa đựng nét tinh thần, văn hóa của cả khu vực dân cư như thế.

Chính vì thế, trong vài năm trở lại đây, số lượng phụ huynh bắt đầu đưa con đến thư viện ngày càng nhiều. Phụ huynh cũng quan tâm đến việc đọc sách của con em mình hơn. Qua đó, đã giúp cho thư viện được nhiều người biết đến và ủng hộ, đây cũng chính là động lực để giúp chúng tôi cố gắng phát triển, tạo thêm nhiều hoạt động, dự án bổ ích cho các em".

Thắp sáng tri thức cho trẻ em làng quê - Ảnh 6.

Không chỉ thu hút các em nhỏ, mà rất nhiều người lớn tuổi cũng đến đây để đọc sách

Hiện nay, trong khi văn hóa đọc sách đang đi xuống bởi thông tin mạng, sách điện tử cùng nhiều lựa chọn khác để giải trí… thì thư viện Dương Liễu đã trở thành địa chỉ lui tới quen thuộc của cả trẻ em lẫn người lớn trong khu vực. Hầu như tất cả các buổi mở cửa, thư viện đều chật kín, nhiều hôm còn "quá tải". Nhiều bạn nhỏ, sau những giờ học bài căng thẳng ở lớp đã tìm đến thư viện để giải trí với những cuốn truyện tranh đầy thú vị. Các bậc phụ huynh thấy con yêu sách, thích đọc sách, biết cách giúp đỡ nhau trong học tập và tiến bộ lên mỗi ngày thì rất vui mừng, ủng hộ./.

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ