(Tổ Quốc) -Mỗi năm học mới bắt đầu, như thường lệ, người ta lại thấy bóng dáng thầy tất bật tựa thoi đưa ở khắp các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn...
- 13.12.2017 Học sinh quận Hoàn Kiếm liên tiếp giành nhiều huy chương tại các kỳ thi Toán quốc tế
- 03.03.2018 Nhiều cá nhân, tổ chức đạt thành tích cao tại Ngày hội Công nghệ thông tin Ngành GD&ĐT quận Hoàn Kiếm
- 20.04.2018 Những cuốn sách chắp cánh ước mơ cho học sinh
- 23.05.2018 Ngành Giáo dục – Đào tạo quận Hoàn Kiếm: Tiếp nối thành công để vươn xa hơn
- 15.08.2018 Thầy Văn “Đội” và 39 mùa khai trường thắm màu khăn quàng đỏ
Nhiệt huyết, sắc sảo, sáng tạo, uyên thâm, hóm hỉnh và luôn tràn đầy năng lượng! Đó là những ấn tượng đầu tiên mà có lẽ ai cũng dễ dàng cảm nhận được từ thầy ngay từ những lần tiếp xúc đầu tiên. Thầy là Đào Hoài Văn, chuyên viên của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm, người nay đã ở vào giữa cái độ tuổi ngũ thập nhi tri thiên mệnh và lục thập nhi nhĩ thuận, người đã cống hiến gần trọn cuộc đời mình cho giáo dục.
Bắt đầu vào nghề từ năm 1979 khi hoàn cảnh đất nước nói chung và ngành giáo dục nói riêng còn vô vàn những khó khăn gian khổ, người thanh niên Hà Nội với cái tên đậm chất văn chương, hào hoa hôm nào nay đã là một cây đa cây đề trong làng giáo dục của quận và thủ đô. 39 năm gắn bó sự nghiệp giáo dục, với mái trường, 39 mùa khai giảng đã đi qua, vậy mà mỗi lần tiếng trống khai trường vang lên, âm thanh ấy vẫn rộn ràng, náo nức, vẫn giòn giã, xốn xang như ngày nào thầy bắt đầu bước lên bục giảng, như những ngày đầu tiên thầy gắn bó cuộc đời mình với công tác đội và phong trào thiếu nhi.
“Rộn ràng tiếng trống hôm nay
Bao lần dưới mái trường này trống vang
Reo mừng trống đón thu sang
Đón năm học mới lòng tràn niềm vui”.
Mỗi năm học mới bắt đầu, như thường lệ, người ta lại thấy bóng dáng thầy tất bật tựa thoi đưa ở khắp các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận Hoàn Kiếm với công tác giáo dục chính trị tư tưởng; giáo dục phổ biến pháp luật; các phong trào văn hóa, văn nghệ; phong trào đoàn đội và công tác chuyên môn... Dù ở cương vị nào, làm bất cứ việc gì, trên chặng đường thầy đã đi qua luôn có những dấu son mà bất kì một thầy cô giáo nào công tác trong ngành giáo dục đều nể phục và trân trọng!
Học tập và làm theo gương Bác
Được giao nhiệm vụ quan trọng phụ trách công tác chính trị tư tưởng của toàn ngành, thầy thường xuyên nhắc nhở các nhà trường cũng như đồng nghiệp trong cơ quan học tập và làm theo lời Bác, nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thầy cũng là người chăm lo, nhắc nhở các nhà trường giữ gìn các khẩu hiệu, tượng Bác, ảnh Bác tại sân khấu hay trên các lớp học. Năm học 2017-2018, ngành Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm đi tiên phong trong việc xây dựng Tủ sách Bác Hồ tại thư viện các nhà trường. Thầy lại cùng đồng chí cán bộ thư viện đi đến từng trường tư vấn, hướng dẫn ban giám hiệu và cô thủ thư bố trí, xây dựng Tủ sách Bác Hồ tại vị trí trang trọng nhất, sắp xếp sách vở tài liệu một cách khoa học nhất sao cho dễ tìm, dễ thấy, dễ lấy, dễ đọc. Thầy cũng yêu cầu các Tủ sách đều phải lưu giữ cẩn thận bộ sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức lối sống dành cho học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở”. Đích thân thầy là người chỉ đạo việc tập huấn, xây dựng các bài giảng mẫu để đưa bộ tài liệu nói trên vào việc giảng dạy một cách hiệu quả trong nhà trường. Có thể nói, những đức tính quý của thầy như chăm chỉ, chuyên tâm trong công việc, làm việc có kế hoạch, tiết kiệm, sáng tạo, không ngừng học tập trau dồi, mài sắc chuyên môn, sẵn sàng cập nhật cái mới… luôn là tấm gương để các đồng nghiệp và học trò noi theo.
Thầy Đào Hoài Văn (ngoài cùng bên trái) đang giới thiệu với các vị đại biểu Ban Tuyên giáo Trung ương, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Thư viện Quốc gia, Thư viện Hà Nội mô hình Tủ sách Bác Hồ của quận Hoàn Kiếm năm học 2017-2018 |
Không biết có phải do tuổi tác hay do thầy là người trực tiếp phụ trách công tác chính trị tư tưởng của ngành, hoặc cũng có thể do phẩm chất chính trị, bản lĩnh vững vàng đã được tôi luyện qua thời gian của bản thân thầy mà lúc nào tôi cũng hình dung thầy giống như một bức thành trì về tư tưởng của toàn ngành, của cơ quan. Bức thành trì ấy luôn giúp ngăn chặn, thanh lọc những tư tưởng chưa đúng, chưa tích cực, bảo vệ những điều tốt và niềm tin vào cuộc sống, vào Đảng, vào Bác.
Người cha đẻ của nhiều mô hình sinh hoạt Đội
Được phân công nhiệm vụ làm Tổng phụ trách đội như một cơ duyên, nhiều ý tưởng sáng tạo của thầy dành cho các em học sinh có cơ hội được hiện thực hóa. Trên cơ sở bám sát vào các chương trình hoạt động Đội, thầy đã tìm tòi, sáng tạo đưa các hoạt động đến với các em đội viên một cách mềm dẻo theo phương châm “Học mà vui – vui mà học”. Nhằm gây hứng thú cho các em học sinh, nâng cao chất lượng công tác, thầy luôn tìm tòi, sáng tạo và là người đi đầu trong việc đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt Đội. Thầy đã khéo léo đưa ra những biện pháp tích cực để đẩy mạnh tinh thần và kết quả học tập cho học sinh như “Xây dựng tính tự giác học tập cho học sinh”; “Sử dụng đội ngũ cán bộ Đội để kiểm tra nhắc nhở, động viên các học sinh yếu kém”; “Hàng năm, thầy nhận 1 lớp học sinh khối 9 gồm những học sinh yếu kém và lười học nhất trường để trực tiếp ôn thi tốt nghiệp cho các em”. Thầy mạnh dạn tổ chức thí điểm cho Quận và Thành phố mô hình chi hội “Khéo tay hay làm”, “Hương đầu mùa”, “Trẻ em nói về trẻ em – Trẻ em nói về gia đình”… Từ Trường THCS Nguyễn Du, mô hình này đã được nhân rộng ra các trường THCS trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Cùng với đó, sáng kiến kinh nghiệm “15 bước đến Đại hội” – một trong vô số những sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại cấp thành phố của thầy đã được phổ biến và áp dụng trong công tác đội của các quận huyện Thủ đô.
Đặc biệt, thầy chính là người đã sáng tạo ra mô hình “Đại hội học tốt”, cho đến nay vẫn được Hội đồng Đội quận Hoàn Kiếm áp dụng tại các liên đội trong toàn quận. Hàng năm, sau dịp Khai giảng năm học mới, các em đội viên đều náo nức chuẩn bị cho ngày hội “Đại hội học tốt” của chi đội mình, nơi chính các em sẽ là người đề ra các chỉ tiêu phấn đấu trong học tập của toàn chi đội và kế hoạch cho bản thân. Quan trọng hơn, các em sẽ được nghe các bạn trong lớp chia sẻ về phương pháp học tập hiệu quả, những kinh nghiệm và mẹo hay để nâng cao hứng thú và kết quả học tập.
Cùng với “Đại hội học tốt”, mô hình sinh hoạt dưới cờ với 31 chủ điểm/ 33 tuần do thầy sáng tạo đã gây được nhiều hứng thú cho học sinh và được Hội đồng Đội quận và thành phố nhân rộng trên địa bàn Hà Nội. Đến nay mô hình này vẫn được duy trì tạo ra nền nếp sinh hoạt Đội cho các em thiếu nhi, là giờ giáo dục truyền thống, lí tưởng cho lớp măng non cũng là sân chơi nơi các em được thỏa sức sáng tạo và thể hiện tài năng của mình trên các lĩnh vực.
Suốt chặng đường dài gắn bó với nghề, trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm, hơn ai hết, thầy là người hiểu rõ những khó khăn, gian khổ của nghề giáo viên làm tổng phụ trách Đội. Có lần, trong một bài thơ vui của mình, thầy đã “tự họa”:
Với những kinh nghiệm dày dặn và quá trình đóng góp, cống hiến không ngừng nghỉ cho sự nghiệp giáo dục nói chung và công tác thiếu nhi nói riêng, nhiều năm liền thầy vinh dự được Hội đồng Đội thành phố mời viết dự thảo chương trình rèn luyện đội viên và tập huấn cho cán bộ Hội đồng đội và Tổng phụ trách của các quận huyện. Đến nay thầy vẫn miệt mài gắn bó với công tác ấy, thầy thuộc từng tên tổng phụ trách đội các trường, hiểu rõ điểm mạnh của từng liên đội, nắm chắc từng đội trống, đội cờ, đội nghi thức, đội văn nghệ, đội múa hát, những hạt nhân tài năng và cả những liên đội, chi đội còn những điểm khó khăn cần hỗ trợ… Thầy cũng luôn kịp thời động viên, biểu dương những liên đội có hoạt động sáng tạo, nổi bật đồng thời khích lệ, hướng dẫn những các liên đội khác xây dựng, tổ chức các hoạt động, chương trình bổ ích, lí thú dành cho các em học sinh. Có thể nói, thầy tựa như người thắp lửa, truyền lửa cho các cán bộ Đoàn Đội, người thổi hồn vào từng hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt Đội. Với thầy, công tác Đội, hoạt động Đội với thiếu nhi đã là nghề, đã là nghiệp, đã là lí tưởng, là lẽ sống. Tôi mạn phép được gọi thầy với biệt danh thầy Văn “Đội” là vì thế!
Cuốn sổ công tác Tổng phụ trách từ 15 năm trước vẫn được thầy trân trọng gìn giữ như một kỉ vật quý.
|
Rèn trò, luyện thầy
Công việc bộn bề và khó khăn như vậy, nhưng thầy lại tự nhận rằng “Tôi rất nhàn khi làm tổng phụ trách”. Bí quyết của thầy chính là việc không ngừng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện một đội ngũ cán bộ tổng phụ trách, cán bộ liên đội, chi đội hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, nhiệt huyết. Suốt mấy chục năm làm công tác quản lí giáo dục thầy đã góp phần đào tạo, rèn luyện hàng trăm giáo viên giỏi, tổng phụ trách giỏi. Qua kì thi giáo viên giỏi hàng năm, phải kể đến hàng chục tổng phụ trách và giáo viên môn Nhạc, Họa, Giáo dục công dân mà thầy phụ trách, đạt giải xuất sắc, giải Nhất cấp Thành phố, đóng góp vào thành tích chung của toàn ngành giáo dục. Đội tuyển học sinh giỏi lớp 9 môn Giáo dục Công dân do thầy phụ trách liên tục nhiều năm liền đạt giải cao, với nhiều giải Nhất. Chỉ nói riêng năm học 2017-2018, bằng kinh nghiệm, tài năng và trách nhiệm của mình thầy đã giúp mang về cho ngành giáo dục Hoàn Kiếm 01 giải Nhất và 01 giải Nhì giáo viên giỏi cấp Thành phố môn Giáo dục công dân; 02 giải Nhất thi giáo viên làm tổng phụ trách giỏi cấp Thành phố; đội tuyển học sinh giỏi lớp 9 môn Giáo dục công dân dẫn đầu Thành phố với 10/10 thành viên đạt giải, trong đó có 03 giải Nhất, 04 giải Nhì, 02 Ba, 01 Khuyến khích… Đó chỉ là một nét chấm phá, một dấu ấn nhỏ trong bảng vàng những thành tích mà thầy đã góp phần mang về cho ngành giáo dục quận nhà.
Với chặng đường cống hiến gần tròn 40 năm qua, thầy đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen nhân dịp kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (năm 2001); vinh dự được nhận 04 Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Hà Nội (các năm 2006, 2007, 2016, 2017); Bằng khen của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vì có thành tích xuất sắc 20 năm liên tục; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Thành phố, giải thưởng Cống hiến nhân dịp kỉ niệm 80 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội và rất nhiều Bằng khen, Giấy khen cùng các danh hiệu cao quý do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Thành Đoàn Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm trao tặng.
Thầy vẫn thường nói người Hà Nội tự hào bởi nét đẹp thanh lịch, văn minh. Bởi thế thầy thường xuyên nhắc nhở đồng nghiệp cũng như các học trò việc thực hiện Chương trình số 03-CT/QU ngày 07/7/2016 của Quận uỷ Hoàn Kiếm về “Phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng người Hoàn Kiếm thanh lịch, văn minh theo hướng phát triển toàn diện”. Thầy không chỉ dùng lí thuyết, thầy truyền dạy những nét đẹp thanh lịch, văn minh của người Hà Nội, người Hoàn Kiếm cho các thế hệ thầy trò thông qua những việc làm cụ thể, những tiểu phẩm vừa hài hước vừa giàu tính nhân văn, những câu chuyện sâu sắc khiến người nghe một lần là nhớ mãi. Nếu ai đó nói một trong những phẩm chất quan trọng của người làm nghề giáo là cần mẫn, là tỉ mỉ thì quả không sai. Tôi đã bao lần tận mắt chứng kiến thầy chỉ bảo, uốn nắn cho các em học sinh, cho các thầy cô giáo của các trường hay các đồng nghiệp trẻ từng câu từng chữ, từng cử chỉ hành động, đôi khi là cả những chỗ ngắt nghỉ, lên giọng, xuống giọng khi đọc một bản báo cáo hay tham luận... Mà cũng thật lạ! Cách nói của thầy, cách mắng của thầy sao duyên thế, khéo thế! Ai ai cũng thấy thấm thía mà càng thêm trọng cái lí, quý cái tình!
Thầy Đào Hoài Văn (người đeo khăn quàng đỏ) vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ nhân dịp kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh. |
Trước ngưỡng cửa hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó để về nghỉ chế độ, thầy luôn quan tâm bồi dưỡng lớp đội ngũ kế cận, thầy dạy nghề, truyền nghề, dặn dò chu đáo các đồng nghiệp trẻ, hưỡng dẫn kĩ lưỡng những kĩ năng, nghiệp vụ cần thiết cho công việc. Thầy vẫn nói, dù còn một ngày, một giờ vẫn mong muốn được cống hiến cho Đảng, cho giáo dục. Bởi thế, trong từng việc nhỏ, đến những việc lớn, những sự kiện quan trọng của ngành vẫn không thể thiếu vắng bóng dáng, tầm nhìn, trí tuệ, bàn tay của thầy cho những thành công phía trước.
Thời gian không ngừng trôi, đã bao mùa mưa đi qua trên những mái trường, đã bao mùa nắng chiếu xuyên qua vòm cây hắt bóng trên bục giảng, thầy đã già, nhưng như các cụ vẫn nói: “Gừng càng già càng cay”. Thầy như thân cổ thụ bám rễ sâu vào lòng đất và tỏa bóng mát cho đời, mỗi mùa mưa mới đến lại đâm chồi nảy lộc xanh tươi như sức sống, sức sáng tạo, tình yêu thương không bao giờ vơi cạn. Và dưới những tán lá xanh mát rượi ấy, luôn có bầy chim non tìm về ríu rít trò chuyện, hát ca; cả cây, cả lá và cả những tiếng chim kia đều không ngừng nghỉ mỗi phút giây làm hay làm đẹp cho đời./.