• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thế giới chạy đua ngăn biến thể Omicron, châu Phi phản ứng gay gắt

Thế giới 29/11/2021 12:01

(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh số ca mắc biến chủng Covid-19 mới Omicron đang gia tăng ở nhiều nơi, các quốc gia đang tìm đủ mọi cách để hạn chế sự lây lan này.

Trong ngày 28/11, nhiều quốc gia đã đưa ra các lệnh hạn chế đi lại và áp dụng thêm các biện pháp cách ly khi các ca bệnh mới mắc chủng Omicron được phát hiện trên khắp thế giới.

Hàng loạt quốc gia hành động chống Omicron

Các nguồn thạo tin đã thông tin với Financial Times rằng ca thứ ba mắc loại biến chủng này đã được chính thức xác nhận ở Anh và hàng chục trường hợp khác được coi là nghi nhiễm. Chính phủ nước này đã bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang khi vào các cửa hàng và tham gia phương tiện giao thông công cộng. Những người nhập cảnh vào Vương quốc Anh sẽ phải làm xét nghiệm PCR trong vòng hai ngày kể từ khi đến và tự cách ly cho đến khi nhận được kết quả âm tính.

Mỹ, EU, Anh, Australia, Canada, Saudi Arabia và Hàn Quốc đều hạn chế việc đi lại, đồng thời thực hiện cách ly đối với những cá nhân đến từ miền nam châu Phi. Những nước khác như Singapore và Ấn Độ cũng đang ra tín hiệu về việc xem xét các hạn chế. Thụy Sĩ cũng đã hạn chế việc đi lại đối với các quốc gia ngoài châu Phi - nơi có các trường hợp đã được phát hiện.

Israel trở thành quốc gia đầu tiên đóng cửa biên giới sau khi một trường hợp mắc biến chủng Omicron được xác nhận và một số trường hợp khác bị nghi ngờ mắc chủng virus mới này. Những hành khách từ nước ngoài quay lại Israel sẽ bị buộc phải cách ly, giám sát bởi quân đội và cơ quan tình báo Shin Bet.

Thế giới chạy đua ngăn biến thể Omicron, châu Phi phản ứng gay gắt - Ảnh 1.

Israel cấm khách nước ngoài nhập cảnh trong vòng 14 ngày. Ảnh: EPA-EFE/Shutterstock.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết: "Mọi người đều cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống dưới bóng của virus corona. Tôi nghe được điều mọi người đang nói với tôi: Chúng ta vừa mới thấy sự xuất hiện của chủng Delta và bây giờ lại thêm một chủng mới? Điều đó không dễ dàng nhưng đó là thực tế."

Tại Hà Lan, Bộ trưởng Y tế Hugo de Jonge nói rằng 13 trường hợp mắc Omicron đã được phát hiện trong số 61 hành khách có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona trên hai chuyến bay từ Nam Phi đến Amsterdam hôm thứ Sáu tuần trước.

Tại Đức, ngày càng có nhiều lời kêu gọi tái áp đặt lệnh phong tỏa sau khi Học viện khoa học quốc gia Leopoldina đăng tải một bài báo khuyến cáo chính phủ nên hạn chế các cuộc tụ tập cả ở nơi công cộng và không gian riêng, bao gồm cả đối với những người đã tiêm chủng. Hai trường hợp mắc biến thể Omicron đã được xác nhận ở bang phía nam Bavaria và một trường hợp khác nữa được xác nhận ở bang Hesse, nơi có sân bay Frankfurt lớn nhất của Đức.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bild am Sonntag, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier đã kêu gọi người dân tự nguyện hạn chế tiếp xúc với những người khác để đất nước không rơi vào tình trạng phong tỏa một lần nữa.

Tìm cách sống chung với Covid-19

Trước việc nhiều quốc gia vừa áp đặt các biện pháp kiểm soát đối với chủng Omicron, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa kêu gọi những nước này cần chấm dứt ngay lập tức các lệnh cấm đi lại "hoàn toàn vô cớ" nhằm vào khu vực miền nam châu Phi. Biến thể Omicron được phát hiện lần đầu tiên ở Botswana và Nam Phi.

Trong một tuyên bố trên truyền hình hôm Chủ nhật, ông Ramaphosa cho biết: "Khoa học chưa đưa ra bằng chứng cụ thể nào cho việc áp đặt những hạn chế này" và Nam Phi "vô cùng thất vọng" trước hành động của Vương quốc Anh và các nước khác.

Các hạn chế này cho thấy sự "phân biệt đối xử và không công bằng" đối với miền nam châu Phi. Trong khi đó, sự xuất hiện của Omicron đáng lẽ phải là một lời cảnh tỉnh để chấm dứt sự bất bình đẳng về khả năng tiếp cận tiêm chủng của người châu Phi so với các nước giàu có, nhà lãnh đạo Nam Phi nhấn mạnh.

Tổng thống Ramaphosa cho hay, bất chấp sự gia tăng các ca bệnh và một chiến dịch tiêm chủng hàng loạt, Nam Phi sẽ không áp đặt thêm các hạn chế đối với Omicron. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của Nam Phi cũng nói rằng lệnh cấm đi lại sẽ có tác động tiêu cực tới nền kinh tế công nghiệp hóa nhất của châu Phi.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã kêu gọi duy trì biên giới mở và tạo "sự cân bằng" trong phản ứng toàn cầu đối với biến thể Omicron, đồng thời cho rằng các quốc gia nên triển khai một cách chiến lược khả năng làm xét nghiệm và chữa trị. Biến thể Omicron có thể được phát hiện thông qua các xét nghiệm PCR thông thường.

Anthony Fauci, cố vấn y tế hàng đầu của Nhà Trắng, cho biết các loại biến chủng mới của virus corona kéo theo nhiều khó khăn.

Ông Fauci thông tin với NBC: "[Omicron] có khả năng lan truyền nhanh chóng. Đó là điều khiến chúng tôi hiện nay lo ngại đồng thời cũng tạo áp lực cho chúng tôi là phải làm gì đó để chuẩn bị sẵn sàng cho việc này."

Ông Fauci cảnh báo rằng về lâu dài, Mỹ "chắc chắn [sẽ] không tiêu diệt được" Covid-19, nhưng việc chung sống với virus này nằm trong khả năng nếu "phần lớn dân số [được] tiêm chủng và được tiêm tăng cường". Dù chưa có trường hợp nào được phát hiện mắc biến chủng Omicron tại Mỹ nhưng ông cho biết biến thể mới này có thể đã có mặt ở Mỹ.

Kể từ khi virus corona xuất hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019, hơn 261 triệu người đã bị nhiễm bệnh trên toàn cầu và ít nhất 5,1 triệu người đã chết, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ