(Tổ Quốc) - Gián đoạn sản xuất và xuất khẩu, giá phân bón và năng lượng tăng cao là những nguyên nhân đẩy giá lương thực tăng kỷ lục trên toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng đây là các cảnh báo cho cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ mà thế giới có thể sẽ phải đối mặt.
Theo CNBC, thế giới hiện đang đối mặt với nguồn cung khan hiếm từ các loại ngũ cốc đến cả các nguyên liệu cho ngành nông nghiệp như phân bón. Giá cả leo thang chóng mặt khiến một số người nông dân phải chọn luân canh hoặc giảm sử dụng chất dinh dưỡng cho đất trong quá trình trồng trọt. Điều đó đã ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
Theo báo cáo của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ Morgan Stanley, Nga và Belarus từng xuất khẩu khoảng 40% lượng kali ra toàn cầu nhưng hiện đang bị gián đoạn. Vào tháng 2, một nhà sản xuất lớn của Belarus tuyên bố căng thẳng leo thang tại Ukraine đã tác động trực tiếp đến quá trình xuất khẩu và vượt quá tầm giải quyết của họ.
Nga cũng là nhà xuất khẩu 11% lượng ure và 48% lượng ammonium nitrate toàn cầu. Quá trình gián đoạn các chuyến hàng đã khiến giá phân bón tăng chóng mặt. Giá ngũ cốc cũng cao và dự báo khả năng tăng cao hơn nữa.
"Đây là vấn đề lớn", Tony Will, Giám đốc điều hành hãng CF Industries - nhà sản xuất và phân phối phân bón trên toàn cầu cho biết. "Nguồn cung phân bón toàn cầu đang rất eo hẹp".
"Việc gián đoạn này xuất phát từ nhiều yếu tố, tuy nhiên có lẽ ảnh hưởng mạnh nhất là từ căng thẳng giữa Ukraine và Nga", ông Will nói thêm.
Giá thành tăng và khan hiếm
Nông nghiệp đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ở Saskatchewan, Canada, nông dân phải trả tiền nhiều hơn để mua phân bón và các chất dinh dưỡng khác cho đất. Năng suất nông nghiệp cũng đang bị giảm sút.
"Khan hiếm ngũ cốc sẽ làm tăng chi phí các loại thực phẩm cơ bản và các mặt hàng khác. Tất cả các mặt hàng đều đắt đỏ", ông Bart Melek, Trưởng Bộ phận Chiến lược hàng hóa của Công ty Môi giới tài chính TD Securities nói. Trong khi đó, giá cả các mặt hàng như thịt bò và thịt lợn cũng tăng đáng kể.
Một số nhà sản xuất phân bón đã đẩy giá bán lên gấp đôi. Theo ông Melek, giá kali ở Vancourver là 210 đôla/tấn trong năm 2021 và hiện đã lên tới 565 đôla/tấn. Hay giá phân ure thường xuất khẩu sang Trung Đông có mức giá 268 USD/tấn từ đầu năm 2021 và vừa tăng lên 887,50 USD vào ngày 5/4.
Theo ông Will, CF Industries hiện đang vận hành các nhà máy sản xuất xuyên đêm, bỏ qua cả các khâu bảo trì và cố gắng xúc tiến các chuyến hành nhanh chóng đến khu vực cần thiết. Không chỉ riêng giá phân bón cao mà giá hầu hết các mặt hàng nông sản cũng tăng mạnh trong bối cảnh lo ngại rơi vào tình trạng khan hàng.
"Chúng ta đang đối mặt với vấn đề nghiêm trọng ở đây. Không chỉ là vấn đề thiếu các mặt hàng vốn sẵn có hỗ trợ canh tác và nuôi trồng mà còn khan hiếm cả lương thực như lúa mì. Ukraine và Nga sản xuất 30% lúa mì, 20% ngô, 32% lúa mạch, và 75%-80% dầu hạt hướng dương toàn cầu.
"Kho dự trữ các mặt hàng này không thể xuất khẩu sang các thị trường khác của thế giới bởi vì Biển Đen đã đóng cửa", ông nói.
Giá lương thực lúa mì, ngô và đậu nành tăng vọt
Theo Liên Hợp Quốc, lúa mì ở Mỹ và Canada đang khan hiếm, trong khi Argentina đang hạn chế xuất khẩu và Australia đã hết công suất vận chuyển.
Các trang trại Ukraine sẽ lỡ mùa gieo trồng và thu hoạch quan trọng. Trong khi đó, hầu hết các nhà máy phân bón ở châu Âu đang cắt giảm đáng kể sản lượng vì giá năng lượng cao. Nông dân từ Brazil đến Texas đang cắt giảm lượng phân bón, điều đe dọa đến quy mô của các vụ thu hoạch tiếp theo.
Ukraine đã xuất khẩu 309.000 tấn lúa mì vào tháng 3/2022, thấp hơn 4 lần so với tháng 2, trước khi cuộc xung đột xảy ra.
"Căng thẳng leo thang tại Ukraine đã cản trở nguồn cung ngô và lúa mì từ Ukraine sang các nước và quan trọng hơn là các nguồn cung phân bón cũng như chất dinh dưỡng cho nông nghiệp trên toàn cầu. Vì vậy, năng suất nông nghiệp đã giảm 2-3% khi chi phí tăng mạnh gần đây", các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết.
Bên cạnh đó, Morgan Stanley cũng đưa ra dự đoán giá lương thực sẽ tiếp tục tăng trong năm 2022 và 2023 nhưng hy vọng khi hàng tồn kho từ Mỹ Latin được giải phóng có thể bình thường hóa nguồn cung.
Theo Morgan Stanley, quá trình sản xuất phân bón phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên và điều đó đã gây ra khó khăn đối với các nhà sản xuất của Mỹ. Đối với một số nông dân, phân bón giá quá cao hoặc không có sẵn sẽ không đảm bảo năng suất cho mùa vụ. Nếu cây trồng không nhận được nhiều chất dinh dưỡng thì sản lượng sẽ thấp hơn.