(Tổ Quốc) - Một nghiên cứu mới đây dựa trên công cụ là Trí tuệ nhân tạo (AI) ghi nhận thế giới có thể nóng lên ở mức cao nhất ở giữa thế kỷ này.
Theo hãng AP, một nghiên cứu mới đây dựa trên công cụ là Trí tuệ nhân tạo (AI) cho biết thế giới có thể sẽ vượt giới hạn ngưỡng nhiệt độ cho phép từng được quy định cách đây 1 thập kỷ và nóng lên ở mức cao nhất vào giữa thế kỷ này mặc dù đã nỗ lực cắt giảm lượng ô nhiễm lớn.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (Proceedings of the National Academy of Science) vào ngày 30/1 đã nhắc đến vấn đề thế giới có khả năng hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C hay không. Mục tiêu này từng được nêu trong thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris 2015 nhằm giảm thiểu đi những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học cho biết thế giới đã nóng lên 1,1 độ C hoặc 1,2 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp hoặc giữa thế kỷ 19.
Các nhà khoa học khí hậu sử dụng công nghệ AI trong nghiên cứu về khí hậu toàn cầu cũng ghi nhận Trái đất sẽ vượt qua ngưỡng nhiệt độ hạn chế là 1,5 độ C trong khoảng thời gian từ năm 2033 đến năm 2035. Kết quả này phù hợp với các phương pháp dự đoán thông thường khác trước đây, mặc dù mức độ chính xác cao hơn một chút.
"Sẽ đến lúc chúng ta xem mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ tối đa là 1,5 độ C không còn ý nghĩa nữa và đó là sự thật. Bài báo này có thể là khởi đầu cho sự kết thúc của mục tiêu hạn chế là 1,5 độ C", Giám đốc Viện môi trường Đại học Brown Kim Cobb, người không tham gia nghiên cứu nhận định.
Đồng tác giả nghiên cứu của Đại học Stanford ông Noah Diffenbaugh cũng cho biết thế giới đang ở ngưỡng mục tiêu 1,5 độ C trong bất kỳ kịch bản giảm phát thải thực tế nào. Vì vậy, nỗ lực hạn chế vượt ngưỡng sẽ phụ thuộc vào các quốc gia có đạt được mục tiêu không phát thải carbon vào giữa thế kỷ này hay không. Nghiên cứu cũng dựa trên Trí tuệ nhân tạo cho biết khó có khả năng giữ mức tăng nhiệt dưới 2 độ C, ngay cả khi đã cắt giảm khí thải khó khăn.
"Nghiên cứu dựa trên AI khác với cách sử dụng mô hình máy tính thông thường dựa trên những quan sát trong quá khứ", nhà nghiên cứu Diffenbaugh nói.
Trong một kịch bản đánh giá về mức độ ô nhiễm cao, AI tính toán thế giới sẽ chạm mốc tăng nhiệt độ lên 2 độ C vào khoảng 2050. Vì vậy, ý thức của con người để hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường sẽ có tác động tốt để ngăn cản điều đó đến năm 2054.
Tham gia của AI trong dự đoán về biến đổi khí hậu
Trong báo cáo vào năm 2021, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) cho biết thế giới có khả năng sẽ chứng kiến nhiệt độ vượt ngưỡng 2 độ C vào năm 2090. Nhà khoa học khí hậu Natalie Mahowald thuộc Đại học Cornell, người không tham gia nghiên cứu nhưng là thành viên của IPCC cũng khẳng định nghiên cứu này có ý nghĩa, phù hợp với những gì các nhà khoa học đã biết nhưng có vẻ bi quan hơn.
Thông thường, các nhà khoa học khí hậu sử dụng một loạt các công cụ mô phỏng mô hình máy tính để dự báo thời tiết. Ông Difenbaugh cho rằng những gì AI làm bây giờ đánh dấu mốc quan trọng hơn đối với hệ thống khí hậu.
"Chúng tôi đang sử dụng công cụ này để lấy thông tin và tích hợp theo cách mà con người chưa thể làm được, dù tốt hay xấu", ông Diffenbaugh nhấn mạnh.
Mỗi năm, các nhà đàm phán khí hậu của chính phủ các nước tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc lại tuyên bố sẽ cố gắng giữ ngưỡng nhiệt độ không vượt quá 1,5 độ C. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất đưa ra sự khác biệt đáng kể so với những dự báo về hạn chế vượt ngưỡng nhiệt độ.
Chuyên gia Zeke Hauscha thuộc công ty công nghệ Stripe và Berkeley Earth, người không tham gia nghiên cứu cũng đồng ý rằng đã đến lúc chúng ta tạm ngừng suy nghĩ có thể hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5 độ. Một số kịch bản cho thấy nhiệt độ ấm lên quá mức cho phép nhưng sau đó lại giảm xuống.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học khác không tham gia vào nghiên cứu - chẳng hạn như ông Michael Mann của Đại học Pennsylvania hay ông Bill Hare và Carl-Friedrich Schleussner thuộc Viện Phân tích Khí hậu - cho rằng mục tiêu hạn chế nhiệt độ tăng đến 1,5 độ C vẫn còn giá trị. Với kịch bản khử carbon nhanh chóng, thế giới có thể giữ dưới ngưỡng cho phép. Theo chuyên gia Bill Hare, nếu thế giới có thể cắt giảm 1/2 lượng khí thải carbon vào năm 2030 thì sự nóng lên có thể được giới hạn ở mức 1,5 độ C và sau đó giảm xuống dưới mức cho phép.
"Nếu thế giới không thể giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu là 1,5 độ C thì thách thức trước mắt là phải hạn chế sự nóng lên toàn cầu càng nhiều càng tốt", chuyên gia Michael Mann nhấn mạnh./.