• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thế giới đánh giá cao thành tựu ngoại giao Việt Nam 2017

Thế giới 18/02/2018 07:58

(Tổ Quốc) - Với việc tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng, ngoại giao Việt Nam đã ghi dấu ấn sâu đậm trên báo chí và các phương tiện truyền thông quốc tế trong năm 2017.  

Với việc tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng, ngoại giao Việt Nam đã ghi dấu ấn sâu đậm trên báo chí và các phương tiện truyền thông quốc tế trong năm 2017.

Ấn tượng “màn trình diễn” APEC

Cả trước, trong và sau khi Việt Nam tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng tháng 11/2017, hàng loạt hãng thông tấn, báo chí lớn trên thế giới đã đăng tải thông tin và bày tỏ sự đánh giá cao đối với công tác tổ chức của Việt Nam.

APEC quy tụ được sự tham dự của nhiều nguyên thủ hàng đầu thế giới như Tổng thống Trump, Tổng thống Putin, Chủ tịch Tập Cận Bình... (Ảnh: Vietnamnet)

Financial Times (Anh) cho rằng, APEC 2017 là một “màn trình diễn” mang tính toàn cầu cho cả Việt Nam và Đà Nẵng. Theo tờ báo này, Việt Nam đã có các chuẩn bị tốt nhất và sẵn sàng từ trước khi APEC 2017 bắt đầu khởi động. Đà Nẵng đã khánh thành một nhà ga sân bay quốc tế mới, dành nhiều đầu tư cải tạo hệ thống đường xá chuẩn bị cho sự xuất hiện của khoảng 10.000 người tham dự APEC…

Trong quá trình diễn ra APEC, kênh CNN của Mỹ cũng nhắc tới các nội dung lớn được thông qua tại APEC, đáng kể là Chương trình hành động APEC về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội; Khuôn khổ Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; các chính sách và biện pháp chiến lược nhằm phát triển những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa theo hướng xanh, bền vững và sáng tạo; cam kết hoàn tất thực hiện các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư; nhóm tầm nhìn APEC nhằm hỗ trợ quan chức xác định hướng đi và tương lai của diễn đàn sau năm 2020.

Dẫn tuyên bố từ Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC 2017, Bloomberg  cho biết: “Chúng tôi nhắc lại cam kết kiên định đến hết năm 2020 và tái cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ, trong đó có bao gồm tất cả các tập quán thương mại không công bằng, ghi nhận vai trò của các công cụ phòng vệ thương mại chính đáng”.

Trong năm 2017, quan hệ giữa Việt Nam với thế giới cũng được chú ý khi Việt Nam đã đón 36 lượt nguyên thủ và thủ tướng các nước đến thăm. Đặc biệt, trong dịp Tuần lễ cấp cao APEC, Việt Nam đã đón Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm cấp Nhà nước trong cùng một ngày.

Về chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhiều nhà báo quốc tế bình luận rằng, ông Trump thăm Việt Nam ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ cho thấy những thoả thuận đạt được giữa hai nước trong dịp này sẽ được duy trì và triển khai trong thời gian dài hơn.

Tờ Diplomat trích dẫn lời của ông Michael Mazza, một nhà nghiên cứu về chính sách ngoại giao và quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Hoạt động Mỹ (AEI) cho biết, Mỹ đặt nhiều lợi ích khi duy trì quan hệ hợp tác với Việt Nam trong chuyến thăm châu Á của Tổng thống Trump. “Mối quan hệ song phương giữa hai nước (Mỹ - Việt) là cơ sở tăng cường thịnh vượng chung, tăng cường ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực châu Á”.

Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã viết rằng chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam ngay sau Đại hội Đảng 19 của nước này chắc chắn sẽ củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI) dẫn lời ông Tôn Quốc Tường, nguyên đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, hiện là đặc phái viên về các vấn đề châu Á của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay "Trong chuyến đi này, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tăng cường quan hệ song phương Việt - Trung, thúc đẩy hợp tác cùng có lợi giữa hai bên", ông Tôn nói. "Chuyến đi mở ra kỷ nguyên mới trong việc phát triển quan hệ Việt - Trung, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước cũng như khu vực".

Bước tiến trong thương mại và Biển Đông

Trong năm nay, các thỏa thuận song phương, đa phương giữa Việt Nam với các các quốc gia và cộng đồng quốc tế cũng có những bước tiến tích cực và được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Ngay trong tuần lễ cấp cao APEC, báo chí quốc tế cũng đã tập trung đưa đậm về việc các bộ trưởng phụ trách kinh tế của 11 nước thành viên hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)  thống nhất tên gọi mới cho TPP là: Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi trong cuộc họp báo về TPP ở Đà Nẵng.

Trong buổi họp báo với đông đảo giới truyền thông quốc tế, công bố kết quả đàm phán TPP bên lề Hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo APEC trưa ngày 11/11/2017, Bộ trưởng tái thiết kinh tế Nhật Bản đã giải thích một số thay đổi của TPP-11 để trở thành CPTPP. Ông cũng cho biết, so với 8.000 trang tài liệu của thỏa thuận TPP, CPTPP có 20 điều khoản tạm hoãn.

Các thỏa thuận thương mại đa phương khác như  Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh kinh tế Á-Âu, Việt Nam – Hàn Quốc cũng đang được thúc đẩy.

Về vấn đề Biển Đông, một thành tựu lớn của Việt Nam cùng các nước ASEAN và Trung Quốc trong năm nay là nhất trí thông qua Khung Bộ quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC) và chính thức khởi động đàm phán COC.

Đông đảo báo chí quốc tế như Reuters, Tân Hoa Xã, The Diplomat, Straits Times, Rappler, … đã đăng tải nhiều thông tin và bình luận về sự kiện này. Trang Rappler cho rằng đây là bước ngoặt lớn nhất trong 15 năm soạn thảo, đàm phán COC để hướng tới giải quyết xung đột Biển Đông.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ