(Tổ Quốc) - Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các cuộc không kích, pháo kích và bắt đầu một cuộc tấn công trên thực địa nhằm vào các tay súng người Kurd ở miền bắc Syria từ thứ Tư sau khi quân đội Mỹ rút lui khỏi khu vực.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tuyên bố bắt đầu chiến dịch này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm Chủ nhật đột ngột nói rằng sẽ rời khỏi khu vực người Kurd Syria và khiến họ trở thành mục tiêu đơn độc của Thổ Nhĩ Kỳ.
Quyết định này là một sự thay đổi lớn trong chính sách của Hoa Kỳ và kéo theo sự phản đối từ tất cả mọi bên trong nước Mỹ. Động thái trên cũng đánh dấu một sự thay đổi rõ rệt trong những lời nói của ông Trump, người trong cuộc họp báo ở New York năm ngoái đã cam kết sẽ đứng bên cạnh người Kurd, đồng minh duy nhất của Mỹ ở Syria chiến đấu với nhóm Nhà nước Hồi giáo IS.
Ở miền bắc Syria, người dân của các khu vực biên giới đã hoảng loạn và bắt đầu hành trình rời đi với đồ đạc của họ bằng việc đi bộ, đi ô tô hay xe kéo.
Những đám khói có thể được nhìn thấy gần thị trấn Qamishli và các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn vào cuối ngày thứ Tư. Những cuộc pháo kích dữ dội diễn ra khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công ít nhất sáu thị trấn biên giới dọc theo một đoạn đường dài 290 dặm (300 km). Ít nhất bảy thường dân và ba thành viên của lực lượng người Kurd được gọi là Lực lượng Dân chủ Syria SDF đã thiệt mạng trong vụ bắn phá của Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà hoạt động người Kurd và một nhóm giám sát chiến tranh Syria cho biết.
Chính trường Mỹ "nóng ruột"
"Nhiệm vụ của chúng tôi là ngăn chặn việc tạo nên một hành lang khủng bố qua biên giới phía nam của chúng tôi và mang lại hòa bình cho khu vực", ông Erdogan nói trong một tweet thông báo về chiến dịch này.
Chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria vấp phải sự phản đối mạnh từ nhiều quốc gia. Ảnh: AP.
Mustafa Bali, phát ngôn viên của SDF – vốn được Mỹ hậu thuẫn, cho biết các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ đang nhắm vào "khu vực dân sự" ở miền bắc Syria và đạn pháo cũng rơi xuống gần một nhà tù do người Kurd bảo vệ và giam giữ một số phiến quân IS nguy hiểm nhất.
Tại Washington, các quan chức cho biết hai chiến binh người Anh được cho là thành viên của IS, có biệt danh "The Beatles" đã bị chuyển ra khỏi một nhà tù ở Syria và đang bị Mỹ giam giữ.
Trước cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng người Kurd, kiểm soát gần 30% lãnh thổ Syria, đã cảnh báo về một "thảm họa nhân đạo". Theo các nhóm cứu trợ, hơn 2 triệu người sống trong khu vực bị ảnh hưởng bởi các vụ tấn công.
Theo AP, hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc tạo ra một "vùng an toàn" mang theo cả lợi ích và rủi ro tiềm tàng cho Thổ Nhĩ Kỳ khi họ tham gia sâu hơn vào cuộc chiến Syria. Điều này cũng sẽ châm ngòi cho cuộc chiến mới trong suốt 8 năm xung đột của Syria.
Các nhà phê bình Mỹ cho biết ông đang hy sinh một đồng minh là lực lượng người Kurd Syria và làm giảm uy tín của Washington. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham, một đồng minh của ông Trump, nói với chương trình "Fox & Friends" rằng nếu Trump "làm theo điều này, đây sẽ là sai lầm lớn nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông".
Ông Trump sau đó nói rằng Hoa Kỳ "không tán thành cuộc tấn công này và đã nói rõ với Thổ Nhĩ Kỳ rằng đây là một ý tưởng tồi."
Ông Trump cho biết ông đã nói rõ từ khi bắt đầu sự nghiệp chính trị rằng "Tôi không muốn chiến đấu trong những cuộc chiến vô tận, vô nghĩa này - đặc biệt là những cuộc chiến không có lợi cho Hoa Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ đã cam kết bảo vệ thường dân, bảo vệ các nhóm thiểu số tôn giáo, kể cả Kitô hữu và đảm bảo không xảy ra khủng hoảng nhân đạo - và chúng tôi sẽ buộc họ giữ cam kết này".
Thế giới gay gắt
Chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ đã vấp ngay phải sự chỉ trích và kêu gọi kiềm chế từ châu Âu.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, trong khi lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ "có những lo ngại về an ninh hợp pháp" sau khi hứng chịu "các cuộc tấn công khủng bố khủng khiếp" và phải đón hàng ngàn người tị nạn, thì cho biết nước này không nên "gây bất ổn hơn nữa cho khu vực" với hành động quân sự của mình ở Syria.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã lên án cuộc tấn công này, nói rằng nó sẽ "gây bất ổn hơn nữa cho khu vực và củng cố sức mạnh cho IS". Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng đã lên tiếng chỉ trích.
EU đang trả cho Thổ Nhĩ Kỳ 6 tỷ euro (6,6 tỷ USD) để giúp nước này hỗ trợ gần 4 triệu người tị nạn Syria trên lãnh thổ của mình để đổi lấy việc ngăn chặn người di cư rời khỏi châu Âu.
Còn Thổ Nhĩ Kỳ thì kêu gọi cộng đồng quốc tế sát cánh cùng Ankara khi ông nói sẽ tiếp quản cuộc chiến chống lại IS.
Thổ Nhĩ Kỳ nhắm tới "vô hiệu hóa" các chiến binh người Kurd ở đông bắc Syria và "giải phóng người dân địa phương khỏi ách của những tên côn đồ vũ trang", Fahrettin Altun, giám đốc truyền thông của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, viết trong một bài bình luận trên Washington Post đăng tải hôm thứ Tư.
Ông Erdogan đã thảo luận về vụ tấn công qua điện thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Văn phòng của ông Erdogan cho biết ông ấy đã nói với ông Putin rằng hành động quân sự "sẽ đóng góp cho hòa bình và ổn định" và cho phép tiến trình chính trị diễn ra ở Syria.
Nhóm người Kurd Syria đã thúc giục Moscow đàm phán trung gian với chính phủ Syria ở Damascus về động thái của Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền do người Kurd Syria lãnh đạo cho biết họ đang phản ứng tích cực với các cuộc gọi từ Moscow nhằm khuyến khích người Kurd và chính phủ Syria giải quyết sự khác biệt thông qua đàm phán.
Bộ Ngoại giao Syria đã lên án các kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ, gọi đó là "sự vi phạm trắng trợn" luật pháp quốc tế và cam kết sẽ đẩy lùi cuộc tấn công.