(Tổ Quốc) - Nhiều quốc gia tại châu Á đã thực hiện các biện pháp để hạn chế việc đốt vàng mã do những tác động xấu đến môi trường.
- 22.02.2018 Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị loại bỏ tục đốt vàng mã
- 23.02.2018 Đốt đồ mã: Những sai lầm trong nhận thức
- 27.02.2018 Bỏ đốt vàng mã: Cần truyền thông để người dân thay đổi nhận thức
- 01.03.2018 Chẳng thần thánh nào giúp giải được hạn
- 01.03.2018 Xin lộc, cầu may, dâng sao giải hạn chỉ là một liệu pháp tâm lý
- 01.03.2018 Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy: Hoàn toàn ủng hộ đề xuất hạn chế đốt vàng mã
Mặc dù là một phong tục truyền thống có từ xa xưa, nhưng tại nhiều quốc gia châu Á, đốt vàng mã đang ngày càng bị phản đối, giới hạn, thậm chí là cấm đoán. Không chỉ chính quyền mà cả nhiều người dân cũng dần nhận ra những ảnh hưởng tiêu cực của việc đốt vàng mã thiếu kiểm soát đem lại, đặc biệt là đối với môi trường.
Đài Loan (Trung Quốc): ngày càng nhiều chùa đền “nói không” với thắp hương và đốt vàng mã
Hành Thiên Cung, ngôi đền nổi tiếng thờ Quan Vũ tại Đài Bắc luôn có rất đông người dân đi lễ. Tuy nhiên, kể từ năm 2014, thay vì cách cầu nguyện truyền thống là đốt hương hoặc vàng mã, giờ đây, du khách đến với Hành Thiên Cung chỉ chắp tay, cúi đầu thực hiện nghi thức cầu nguyện. Trong khi đó, theo các khung giờ nhất định, những nhân viên của đền sẽ thắp các cây hương thân thiện môi trường, đặc biệt tỏa ra ít khói hơn.
“Mọi người đến đây cầu xin một cuộc sống tốt đẹp và khỏe mạnh hơn, vì vậy thật phản tác dụng nếu họ phải hít thở khói và bụi có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe,” ông Wu Yueh-yu, một chức sắc của đền chia sẻ.
Ngày càng có nhiều đền chùa tại Đài Loan hướng đến việc bảo vệ môi trường, trong đó có cả ngôi chùa lâu đời và nổi tiếng nhất, chùa Long Sơn (Đài Bắc). Ngôi chùa này hiện giới hạn mỗi khách thập phương chỉ được đốt một nén hương, và giảm số lượng bát hương từ bảy xuống còn một.
Hai người phụ nữ tại Trung Quốc đang đốt một chiếc ô tô vàng mã. |
Những nỗ lực của các ban quản lý chùa cũng đi kèm với nhiều biện pháp của chính quyền Đài Loan, nhằm giảm việc đốt hương và vàng mã, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng không khí của hòn đảo này. Theo tờ Straits Times, kể từ năm 2018, Đài Loan cũng sẽ thắt chặt việc sản xuất và nhập khẩu hương để đảm bảo các sản phẩm hương đốt không chứa lượng lớn chất hóa học có thể gây ra ô nhiễm môi trường.
“Chúng tôi quan tâm đến môi trường và không muốn các truyền thống của mình để lại tác động xấu đến mọi người” - ông Hsu Wen-bao, Chủ tịch Tổng Hiệp hội Đạo giáo Đài Loan nói. Ông cũng cho biết, các đền chùa nên được phép thực hiện những biện pháp thân thiện môi trường “vào thời điểm thích hợp nhất với họ”.
Tính đến giữa năm 2017, có khoảng 1.100 ngôi đền chùa tại Đài Loan đã làm việc với chính quyền địa phương để áp dụng hạn chế việc đốt hương và vàng mã. Năm 2016, số lượng vàng mã đốt ở Đài Loan là 195.000 tấn, giảm 15.000 tấn so với năm trước đó.
Singapore: khói bụi từ đốt vàng mã gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân
Chính quyền đảo quốc sư tử cũng phải đối phó với những hệ lụy môi trường mà việc đốt hương, vàng mã đem lại. Thiền viện Quang Minh Sơn Phổ Giác Thiền tại Singapore gần đây đã cấm việc đốt các hộp vàng mã (bên trong mỗi hộp chứa các đồ vàng mã như quần áo, đồng hồ…) trong dịp tiết Thanh minh, nhằm giảm lượng khói và bụi tỏa ra.
Du khách đến Thiền viện Quang Minh Sơn Phổ Giác Thiền sẽ không được đốt một lúc nhiều hộp vàng mã như trong ảnh nữa. |
Ngày càng có nhiều đền chùa tại Singapore áp dụng các biện pháp khuyến khích du khách hạn chế đốt hương và vàng mã. Là quốc gia có hơn 70% dân số người Hoa theo đạo Phật, đốt vàng mã cũng là một phong tục truyền thống từng được nhiều thế hệ người dân Singapore thực hiện. Tuy nhiên, trong một khảo sát mới đây trên trang Reddit, có nhiều ý kiến đến từ Singapore cho rằng, truyền thống trên đã lỗi thời bởi vì với diện tích sinh sống ngày càng hạn hẹp, chung cư chiếm đa số như ở Singapore, khói bụi và ô nhiễm từ việc đốt vàng mã đang gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống và sức khỏe của người dân.
“Chúng tôi không muốn gây phiền toái cho những cư dân xung quanh”- bà Tay Cheng Toh, một du khách thập phương nói, đồng thời cho biết, bà rất ủng hộ chính sách thân thiện môi trường của các đền chùa tại Singapore.
Trung Quốc: Đã có thành phố đầu tiên cấm đốt vàng mã hoàn toàn
Là quốc gia đứng đầu châu Á về lượng tiêu thụ vàng mã, Trung Quốc cũng giữ vị trí đầu tiên trong danh sách các nước có lượng CO2 trong không khí và ô nhiễm nặng nhất thế giới.
Trong những năm gần đây, chính quyền nhiều thành phố tại Trung Quốc đã ban hành các quy định cấm đốt vàng mã tại nơi công cộng, khu dân cư, danh lam thắng cảnh; cấm sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển vàng mã; khuyến khích các hình thức tế lễ văn mình như sử dụng hoa tươi, tế lễ qua nhà tang lễ “ảo” trên Internet; đồng thời xử phạt nghiêm những người vi phạm… Vì vậy, đốt vàng mã đang ngày càng hiếm gặp tại nhiều khu dân cư ở các tỉnh và thành phố lớn của Trung Quốc.
Tháng 3 năm ngoái, Cáp Nhĩ Tân đã trở thành thành phố đầu tiên tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc áp dụng lệnh cấm đốt vàng mã hoàn toàn. Theo đó, sản xuất, bán và đốt vàng mã sẽ bị phạt tiền tại Cáp Nhĩ Tân. Cụ thể, sản xuất và bán vàng mã sẽ bị phạt từ 500 – 1.000 tệ, còn những ai bị bắt gặp đốt vàng mã sẽ bị phạt từ 200 – 1.000 tệ.
Cũng trong năm 2017, với chiến dịch làm sạch môi trường, giảm thiểu ô nhiễm và tiết kiệm tài nguyên môi trường của Chủ tịch Tập Cận Bình, tất cả những mặt hàng có sử dụng nguyên liệu từ tài nguyên thiên nhiên tại Trung Quốc đều bị tăng thuế và giá bán. Trước đó, một nghiên cứu vào năm 2014 đã chỉ ra, vàng mã hầu hết đều được sản xuất từ bột tre, bột gỗ và loại nước sạch có thể tái chế cho nông nghiệp. Quy định mới của chính quyền Trung Quốc được cho là sẽ phần nào giảm lượng tiêu thụ vàng mã của người dân nước này.