(Tổ Quốc) - Theo hãng CNN, hai cơ quan khoa học hôm 15/4 công bố các rạn san hô trên khắp thế giới đang trải qua hiện tượng tẩy trắng hàng loạt do khủng hoảng khí hậu khiến nhiệt độ đại dương tăng kỷ lục.
Một số chuyên gia cũng cảnh báo đây có thể trở thành thời kỳ tẩy trắng tồi tệ nhất trong lịch sử được ghi nhận.
"Hơn 54% diện tích rạn san hô trên thế giới đã bị tẩy trắng trong năm qua, ảnh hưởng đến ít nhất 53 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm các vùng rộng lớn ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương", Tuyên bố chung của Cơ quan Quản Lý Khí Quyển và Đại Dương Quốc Gia (NOAA) ) và Sáng kiến Rạn san hô Quốc tế (ICRI) cho biết.
Nhà sinh thái học Derek Manzello, điều phối viên của Cơ quan theo dõi rạn san hô của NOAA, cơ quan giám sát toàn cầu về nguy cơ tẩy trắng san hô nhận định nhiều khả năng hiện tượng này sẽ sớm vượt qua mức đỉnh 56,1% trước đó. Tỷ lệ các khu vực rạn san hô sẽ bị tẩy trắng đã tăng khoảng 1% mỗi tuần.
Khi san hô chịu áp lực từ các đợt nắng nóng ở biển thì sẽ thải ra tảo sống trong mô của chúng. Nếu nhiệt độ đại dương không trở lại bình thường, hiện tượng tẩy trắng có thể dẫn đến cái chết hàng loạt của san hô, đe dọa sự sụp đổ của các loài và chuỗi thức ăn phụ thuộc vào chúng.
Điều này đánh dấu hiện tượng tẩy trắng toàn cầu lần thứ tư trên thế giới và lần thứ hai trong thập kỷ qua – sau các giai đoạn trước đó vào năm 1998, 2010 và giữa năm 2014-2017.
Trong năm ngoái, hiện tượng tẩy trắng hàng loạt đã được xác nhận ở các khu vực bao gồm Florida và vùng Caribe rộng lớn hơn, Mexico, Brazil, Úc, Nam Thái Bình Dương, Biển Đỏ, Vịnh Ba Tư, Indonesia và Ấn Độ Dương bao gồm bờ biển phía đông Châu Phi và Seychelles.
Giáo sư Ove Hoegh-Guldberg, một nhà khoa học khí hậu chuyên về các rạn san hô có trụ sở tại Đại học Queensland ở Australia đã dự đoán hiện tượng tẩy trắng hàng loạt này xảy ra từ nhiều tháng trước.
"Chúng tôi biết nhiệt độ nước biển đang tăng nhanh nhưng không phải ở tốc độ này. Vấn đề đáng lo ngại là chúng ta không thể biết sự thay đổi nhiệt độ lớn này có thể kéo dài bao lâu", ông Hoegh-Guldberg nói.
12 tháng qua ghi nhận là thời điểm nóng nhất hành tinh và nhiệt độ đại dương đã tăng vọt. Theo dữ liệu từ Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Ủy ban Châu Âu, nhiệt độ bề mặt nước biển toàn cầu đạt mức cao kỷ lục trong tháng 2 và một lần nữa vào tháng 3.
Vào tháng 2, các nhà khoa học tại chương trình theo dõi rạn san hô của NOAA đã bổ sung ba cấp độ cảnh báo mới vào bản đồ cảnh báo tẩy trắng san hô, giúp các nhà khoa học đánh giá quy mô mới của hiện tượng nóng lên dưới nước.
Hiện tượng La Nina
La Nina là hiện tượng bề mặt biển ở trung tâm và phía Đông xích đạo Thái Bình Dương lạnh hơn so với bình thường.
El Niño, một kiểu khí hậu tự nhiên bắt nguồn từ Thái Bình Dương dọc theo đường xích đạo và có xu hướng đẩy nhiệt độ toàn cầu lên cao, đã góp phần làm tăng nhiệt độ đại dương chưa từng có.
NOAA dự đoán hiện tượng La Niña có thể đến từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay, mang đến "tia hy vọng" cho các rạn san hô. Tuy nhiên, hiện tượng tẩy trắng vẫn xảy ra trong thời kỳ La Niña trong vài năm qua.
Vào giữa tháng 2 năm nay, hiện tượng tẩy trắng san hô trên diện rộng đã xảy ra tại Rạn san hô Great Barrier của Úc – hệ thống rạn san hô lớn nhất thế giới – trên 5 rạn san hô khác nhau khắp khu vực phía Bắc và phía Nam.
Hiện tượng tẩy trắng hàng loạt cũng đã được chính thức xác nhận vào tháng trước sau các cuộc khảo sát trên không và dưới nước của Viện Khoa học Hàng hải Úc (AIMS) và Cơ quan Công viên Hàng hải Rạn san hô Great Barrier.
Ông Selina Stead, Giám đốc điều hành của AIMS ghi nhận tần suất và mức độ ngày càng tăng của các đợt nắng nóng trên biển do biến đổi khí hậu đang thử thách mức độ chịu đựng của các rạn san hô. Biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với các rạn san hô trên thế giới và sự xác nhận toàn cầu này cho thấy tác động lan mạnh trong 12 tháng qua.
"Đó là lý do tại sao thế giới phải nỗ lực giảm lượng khí thải carbon. Điều quan trọng nữa là đảm bảo các rạn san hô được quản lý tốt ở cấp địa phương và khu vực", ông Stead nói thêm.
Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng nếu thế giới không tích cực giảm lượng khí thải, hành tinh này sẽ nóng lên gần 3 độ C so với mức tiền công nghiệp vào thế kỷ này.
Các nhà khoa học cũng cảnh báo khi nhiệt độ tăng lên 2 độ - mức mà thế giới có thể đạt tới vào khoảng năm 2050 thì khoảng 99% san hô trên Trái đất sẽ chết.
Ngoài việc là môi trường sống thiết yếu cho sinh vật biển, các rạn san hô còn rất quan trọng đối với các cộng đồng ven biển trên thế giới. Chúng hoạt động như một hệ thống phòng thủ quan trọng chống lại mối đe dọa lũ lụt do bão và mực nước biển dâng, đồng thời cung cấp sinh kế và nguồn thực phẩm quan trọng cho các loài sinh vật biển cho khoảng một tỷ người trên toàn cầu.
Ông David Ritter, Giám đốc điều hành của Greenpeace Australia nhấn mạnh các rạn san hô đang phải đối mặt với "mối nguy hiểm hiện hữu" và nguyên nhân trực tiếp thuộc về các công ty nhiên liệu hóa thạch và các chính phủ hỗ trợ ngành công nghiệp này.
"Chúng ta sắp hết đường băng để tránh thảm họa khí hậu và phải hành động nhanh chóng để đảm bảo chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch mới", ông Ông David Ritter nói thêm./.