• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Thế hệ chuột túi" phụ thuộc vào bố mẹ đang chiếm ưu thế ở Hàn Quốc

Thế giới 12/06/2024 12:18

(Tổ Quốc) - Tại Hàn Quốc, ngày càng có nhiều người trưởng thành trong độ tuổi từ 25 đến 34 vẫn sinh sống cùng bố mẹ, thiếu tự lập về kinh tế và cần nhiều sự trợ giúp từ gia đình.

Theo trang SCMP, Kim Young-joon, 30 tuổi, vẫn thường xuyên cãi vã với bố mẹ vì những vấn đề nhỏ nhặt hàng ngày. Mặc dù có bằng thạc sĩ nhưng anh từ chối lời mời làm việc ở một công ty vì cảm thấy không phù hợp với trình độ học vấn. Và hiện Kim Young-joon đang thất nghiệp.

"Thế hệ chuột túi" phụ thuộc vào bố mẹ đang chiếm ưu thế ở Hàn Quốc - Ảnh 1.

Người tìm việc tại hội chợ việc làm ở Seoul, Hàn Quốc. Phần lớn thanh niên, dù thất nghiệp hay kiếm được quá ít tiền để nuôi sống bản thân, đều sống với cha mẹ hoặc phụ thuộc vào sự giúp đỡ của họ. Ảnh: AFP

"Bố mẹ nói cảm thấy lo lắng khi thấy tôi ở nhà cả ngày. Điều này đã khiến tôi tổn thương và phản ứng nhạy cảm mỗi khi gặp họ. Tôi e rằng tình trạng này sẽ trở nên tồi tệ hơn khi tôi nhiều tuổi hơn vì khả năng tìm được một công việc tử tế, tự chủ về tài chính ngày càng trở nên khó khăn", Kim Young-joon nói thêm.

Kim nằm trong số 2/3 người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 25 đến 34 sống cùng với cha mẹ hoặc thiếu độc lập về kinh tế, thậm chí là khi sống tách biệt với cha mẹ. Khái niệm này được gọi chung là "thế hệ kangaroo" (Thế hệ chuột túi) bởi dù đã trưởng thành nhưng vẫn phải phụ thuộc vào tài chính của cha mẹ.

Theo nghiên cứu của Dịch vụ Thông tin Việc làm Hàn Quốc, vào năm 2020, 66% người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 25 đến 34 thuộc nhóm thế hệ này. Tỷ lệ này đã dao động trong khoảng 60% trong nhiều năm. Cụ thể, tỷ lệ duy trì ở mức 62,8% vào năm 2012, 66,6% vào năm 2016 và 68% vào năm 2018.

Năm 2020, 73,4% thanh niên không có bằng đại học và 69,4% thanh niên sống tại Seoul hoặc khu vực Seoul mở rộng. Những người thất nghiệp chiếm 47,4% "thế hệ chuột túi" vào năm 2012 nhưng tỷ lệ này đã tăng lên 66% vào năm 2020.

Có việc làm vẫn phụ thuộc vào cha mẹ

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả những người có việc làm đều sống độc lập với cha mẹ. Khoảng 72,2% những người làm công việc tạm thời, không kiếm đủ tiền hoặc gặp hoàn cảnh việc làm không ổn định cũng cho biết họ vẫn sống cùng cha mẹ và phụ thuộc vào họ.

Một số thanh niên khác sống với cha mẹ cho đến tuổi trưởng thành, đã học cao học hoặc vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc.

Một số chuyên gia đã cảnh báo thế hệ kangaroo có thể "làm tổn hại không chỉ các hộ gia đình nói riêng mà còn cả nền kinh tế đất nước nói chung".

"Cái giá phải trả để đối phó với thế hệ chuột túi sẽ ngày càng cao hơn khi các cá nhân này ngày càng già đi và cha mẹ họ nghỉ hưu. Trước tình trạng đó, Chính phủ sẽ phải hỗ trợ nhóm tuổi rơi vào tình thế này và giúp họ sinh tồn theo đúng nghĩa đen", ông Jeon Young-soo, Giáo sư tại Trường Cao đẳng Nghiên cứu Quốc tế của của Đại học Hanyangnói

Giáo sư Jeon Young-soo đề nghị các bậc cha mẹ ngừng hỗ trợ tài chính ngay khi con cái trưởng thành. Chúng cần phải tìm mọi cách có thể để tự mình tồn tại bất kể tình huống nào, ngay cả những thách thức kinh tế đang gặp phải.

Trong khi đó, dữ liệu do Shinhan Card công bố ngày 6/6 cho thấy ngày càng có nhiều ông bà ở Hàn Quốc dành thời gian và tiết kiệm tiền bạc cho con cháu vì lạm phát cao và dân số giảm.

Dữ liệu ghi nhận những người từ 60 tuổi trở lên thường tìm đến các quán cà phê dành cho trẻ em hoặc sân chơi trong nhà dành cho trẻ em để trông cháu. Thống kê cũng ghi nhận con số này nhiều hơn đáng kể trong khoảng thời gian từ tháng 1-9/2023 so với năm 2019 – mức tăng khoảng 80%.

"Nhiều người cao tuổi được xếp vào nhóm thế hệ baby boomer (sinh từ năm 1946-1964), được đánh giá là ổn định về tài chính. Vì vậy, họ sẵn sàng chia sẻ thời gian và tiền bạc cho con cháu", tập đoàn Shinhan Card thống kê cho biết.

Bên cạnh đó, chi phí sinh hoạt ngày càng leo thang đang khiến con cái phải phụ thuộc nhiều hơn vào bố mẹ và ông bà phải hỗ trợ nhiều hơn trong công việc nuôi dạy cháu.

Năm 2023, những người từ 65 tuổi trở lên đã chiếm 18,4% tổng dân số cả nước. Đất nước này dự kiến sẽ trở thành một xã hội siêu già vào năm 2025, khi nhóm tuổi này được dự báo sẽ chiếm 20% dân số.

Tổng cục Thống kê Hàn Quốc cho biết dân số nước này lần đầu tiên ghi nhận sự sụt giảm vào năm 2021, nguyên nhân là do tỷ lệ sinh đẻ thấp kéo dài và tốc độ già hóa dân số nhanh chóng.

Sự sụt giảm dân số này là do tỷ lệ sinh thấp kéo dài vì thế hệ trẻ trì hoãn hoặc từ bỏ kết hôn, sinh con trong bối cảnh giá nhà tăng vọt và các vấn đề kinh tế ảnh hưởng.

Với mức 0.78, Hàn Quốc là nước duy nhất trên thế giới có tỷ lệ sinh dưới 1. Trong khi chính phủ Hàn Quốc đã dành hơn 280 nghìn tỷ won (212 tỷ USD) trong 15 năm qua để giải quyết tình trạng này, kết quả họ thu được không hề khả quan. Do đó, Seoul đang phải tìm cách tuyển dụng thêm lao động từ nước ngoài để lấp chỗ trống về nguồn nhân lực./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ