(Tổ Quốc) - Hàng loạt thay đổi đang diễn ra trong nội bộ NATO, tập hợp các nhóm quốc gia có lợi ích an ninh chung.
Bối cảnh chính trị quân sự ở châu Âu và Địa Trung Hải đang thay đổi. NATO không còn được đoàn kết hoàn toàn như trước đây và vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong liên minh này cũng đang dấy lên nhiều sóng gió.
Hàng loạt thay đổi đang diễn ra trong nội bộ NATO, tập hợp các nhóm quốc gia có lợi ích an ninh chung, theo Strategic Culture.
Mỹ tăng cường hiện diện tại Địa Trung Hải
Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ (CJCS), trong chuyến thăm Athen ngày 4/9 cho biết: “Mỹ quan tâm tới việc tăng cường sử dụng các căn cứ quân sự và các cảng ở Hy Lạp”. "Nếu bạn nhìn vào vị trí địa lý, nhìn vào các hoạt động hiện tại ở Libya, các hoạt động hiện tại ở Syria, hay các hoạt động tiềm tàng khác ở phía đông Địa Trung Hải thì vị trí địa lý của Hy Lạp và các cơ hội ở đây là khá đáng kể".
Mỹ dự tính tăng đáng kể hợp tác quân sự với Hy Lạp. (Nguồn: Strategic Culture) |
Theo Military Times, chưa có cơ sở cụ thể nào được xác định nhưng Tư lệnh Bộ chỉ huy châu Âu của Mỹ Curtis Scaparrotti đang đánh giá một số lựa chọn để tăng cường đào tạo bay, ghé thăm các cảng để sửa chữa tàu và thực hiện các cuộc tập trận đa phương bổ sung giữa Mỹ và Hy Lạp. Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross đã đến Hy Lạp ngay sau chuyến thăm của Tướng Dunford để tham gia Hội chợ Thương mại Quốc tế Thessaloniki hàng năm.
Cũng đã có thông tin từ tháng 5 rằng, Mỹ bắt đầu điều động máy bay không người lái MQ-9 tại căn cứ quân sự Larissa của Hy Lạp. Cùng tháng đó, tàu sân bay USS Harry S. Truman là một trong những tàu chiến Mỹ cập cảng tại nước này. Căn cứ hải quân Vịnh Souda của Hy Lạp đang được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động của Mỹ tại Syria. Đại sứ Mỹ tại Hy Lạp Geoffrey Pyatt cũng thường nói tới ý nghĩa chiến lược của các cảng Alexandroupolis và Thessaloniki của nước này.
Washington cũng quan tâm đến việc giúp quân đội Hy Lạp tiến hành các hoạt động hiệu quả hơn ở Biển Aegean và Địa Trung Hải. Hy Lạp là một điểm chốt quan trọng trong việc đối phó với những thách thức tại phía Đông Địa Trung Hải, Bắc Phi, vùng Balkans và Biển Đen.
Sóng gió sức mạnh Thổ Nhĩ Kỳ
Trong khi đó, mối quan hệ của Washington với Ankara tiếp tục xấu đi. Ý tưởng để Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO đang được nhiều đơn vị truyền thông hàng đầu Mỹ đề cập tới. Quan điểm cho rằng Ankara là một đối thủ nhiều hơn một đồng minh thường được nêu ra tại một số tổ chức tham vấn Mỹ. Tướng Dunford đã không lựa chọn Thổ Nhĩ Kỳ như một điểm đến trong hành trình của ông, như các quan chức quân đội hàng đầu của Mỹ thường sẽ làm để duy trì sự cân bằng trong mối quan hệ của họ với Athens và Ankara. Đây rõ ràng là một thông điệp cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Strategic Culture, không thể nghi ngờ rằng mâu thuẫn của Ankara với Síp và Israel về quyền tập trận ở Địa Trung Hải cũng nằm trong chương trình nghị sự trong chuyến thăm của Tướng Dunford, mặc dù không có phương tiện truyền thông nào đưa về vấn đề này. Hy Lạp muốn biến cảng Alexandroupoli thành một trung tâm trung chuyển khí đốt từ Israel và Síp sang châu Âu trong dự án đường ống Đông Địa Trung Hải. Chiều dài đường ống vào khoảng 1.300 - 2.000 km, bắt đầu ở Israel và băng qua các lãnh thổ của Síp, Crete và Hy Lạp để cuối cùng dừng tại Italy. Alexandroupoli cũng sẽ có một đường sắt đến Bulgaria. Một đơn vị tiếp nhận, lưu trữ và tái phân phối LNG cũng sẽ là một phần dự án tại đây để có thể sử dụng nguồn LNG của Hoa Kỳ.
Tuyến đường dự kiến của đường ống Đông Địa Trung Hải, một dự án được EU hỗ trợ, sẽ bỏ qua Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù chi phí tăng lên. Ankara sẽ khó ngồi yên và chờ xem động thái này. Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố rằng một phần của khu vực đặc quyền kinh tế của Síp thuộc thẩm quyền tài phán của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, "Đông Địa Trung Hải đang phải đối mặt với một mối đe dọa an ninh từ việc Síp tiếp tục hoạt động đơn phương của mình trong việc thăm dò dầu khí ngoài khơi trong khu vực." Các nước tham gia dự án Đông Địa Trung Hải có thể cần sự hỗ trợ của Mỹ để dự án trên được tiếp tục.
Liên minh Đông Địa Trung Hải
Đối với Hoa Kỳ, tăng cường quan hệ với Hy Lạp có nghĩa là mở rộng sự ủng hộ cho cho Liên minh Đông Địa Trung Hải Hy Lạp - Israel - Síp (EMA) mới nổi - đã được thúc đẩy bởi việc phát hiện ra hydrocarbon ở vùng biển của Israel và Síp. Như Đại sứ Pyatt đã nói, "Người Mỹ đang trở lại một cách thực sự lớn mạnh."
Một năm trước, Hoa Kỳ đã mở căn cứ quân sự lâu dài đầu tiên tại Israel do Bộ Tư lệnh châu Âu của quân đội Mỹ (EUCOM) điều hành. Chính thức, nhiệm vụ chính của cơ sở phòng không nằm bên trong căn cứ không quân Mashabim của Không quân Israel, phía tây thị trấn Dimona và Yerucham, là phát hiện và cảnh báo về một cuộc tấn công tên lửa đạn đạo có thể xảy ra từ Iran. Đây là một phần của một quá trình rộng lớn hơn nhằm xây dựng một liên minh quân sự mới với cơ sở hạ tầng của riêng họ.
Năm 2015, Hy Lạp và Israel đã ký một thỏa thuận hợp tác quân sự. Các cuộc tập trận quân sự song phương và ba bên, chẳng hạn như Nobel Dina- một cuộc tập trận đa quốc gia trên biển được tiến hành dưới sự hợp tác của Hy Lạp, Israel và Hoa Kỳ, đã trở thành thường lệ. Vào tháng 3/2014, Israel đã mở một văn phòng phụ trách quân sự mới ở Hy Lạp để biểu thị mối quan hệ gần gũi hơn này.
Israel cũng có một mối quan hệ quốc phòng và quân sự mạnh mẽ với Síp. Ba bên đang cam kết quan hệ quân sự sâu sắc hơn, phù hợp với tuyên bố mà họ đã đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh quốc phòng ba bên năm ngoái. Cả Hy Lạp và Síp đều là thành viên EU và Israel cần các đồng minh trong khối này. Hy Lạp đã phản đối quyết định của EU về việc dán nhãn phân biệt các sản phẩm đến từ các khu định cư của Israel. Vào tháng 5, các nhà lãnh đạo của ba quốc gia liên minh Đông Địa Trung Hải này đã có chuyến thăm chung đến Washington.
Albania, láng giềng của Hy Lạp, gần đây cũng đã đề xuất thiết lập một căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ của họ. Bộ trưởng quốc phòng của Albania, Olta Xhacka, đã đưa ra đề nghị này hồi tháng 4 trong chuyến thăm Washington.
Trong số tất cả các thành viên của liên minh mới nổi trên, chỉ có Israel không phải là thành viên NATO, mà là một đối tác đang được thúc đẩy và là thành viên của tổ chức Đối thoại Địa Trung Hải. Cũng theo Strategic Culture, những điều chúng ta thực sự đang thấy là một liên minh mới lồng trong một liên minh, được thành lập không chính thức để đối phó lại Thổ Nhĩ Kỳ-một thành viên chính thức của NATO. Trong hoàn cảnh này, sẽ dễ hiểu khi Ankara rời xa NATO để di chuyển về phía Nga, Iran, Trung Quốc, SCO, và, có lẽ, Liên minh Á-Âu.
Liên minh của Mỹ và ba quốc gia Đông Địa Trung Hải trên đã nổi lên như một "thực thể nhỏ" về chính trị và quân sự, một lực lượng được xem xét tại một thời điểm khi NATO đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về sự thống nhất của tổ chức và thậm chí cả tương lai của EU. Hai thực thể lớn trên, đã từng chia sẻ cùng giá trị trong lịch sử, đang nhường chỗ cho các nhóm nhỏ hơn theo đuổi lợi ích chung của họ, do đó làm suy yếu khái niệm về cái được gọi là một phương Tây đoàn kết, Strategic Culture nhận định.