• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thế lưỡng nan của Nga: Gạt bỏ hay giữ Mỹ lại Syria?

Thế giới 18/04/2018 20:28

(Tổ Quốc) - Một mặt muốn Mỹ rời khởi Syria, nhưng Nga cũng không thể bỏ qua Mỹ trong quá trình tìm kiếm hòa bình cho quốc gia Trung Đông.

Trong cuộc không kích ngày 14/4 vào ba mục tiêu được cho là các cơ sơ sản xuất vũ khí hóa học tại Syria, Mỹ đã cố gắng hết sức để tránh đụng độ trực tiếp với quân đội Nga. Mặc dù vậy, có vẻ như trong mắt người Nga, sự hiện diện của Mỹ tại Syria vẫn không hề mang một ý nghĩa tích cực nào.

Theo trang Christian Science Monitor (CMS), Moscow tin rằng, Mỹ không có ý định kết thúc chiến tranh tại Syria, và tiếp tục chiếm giữ khoảng 1/3 lãnh thổ của quốc gia Trung Đông, cùng với các đồng minh của mình. Và ngay cả sau cuộc tấn công tên lửa mới nhất, Nga vẫn sẽ ủng hộ cho chiến dịch quân sự giành quyền kiểm soát toàn bộ Syria của Tổng thống Bashar al-Assad.

Tuy nhiên, Nga không thể phủ nhận được vai trò của Mỹ trong sứ mệnh kết thúc cuộc xung đột đã kéo dài 7 năm tại Syria - đặc biệt là với lựa chọn ngoại giao. Bắt đầu từ năm ngoái, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, Điện Kremlin đã theo đuổi một tiến trình hòa bình mà không bao gồm Mỹ và đồng minh. Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng, những nỗ lực của Nga đang vấp phải khó khăn, và rất có thể, các bên sẽ phải quay lại tiến trình Geneva – do Liên hợp quốc khởi xướng, và có quan hệ trực tiếp với phương Tây.

“Ngày càng rõ ràng rằng, không thể đạt được một giải pháp cho Syria mà không có sự thống nhất và hợp tác trực tiếp giữa Mỹ và Nga,” Vladimir Sotnikov, một chuyên gia về Trung Đông nói.

Tránh xung đột quân sự trực tiếp

Giới phân tích cho rằng, Moscow không hề đùa khi ám chỉ, họ sẽ tấn công lại các tàu của Mỹ tại Địa Trung Hải hoặc cả các cơ sở khác, nếu bất kỳ một sinh mạng Nga nào gặp nguy hiểm trong cuộc không kích tên lửa của Mỹ. Tuy nhiên, cho dù Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố trên Twitter rằng – “hãy sẵn sàng nước Nga, bởi về tên lửa đang tới” – những tuyên bố đe dọa “qua lại” giữa Mỹ và Nga hồi tuần trước, có vẻ như chỉ là phô trương bề ngoài.

CSM dẫn lời một số chuyên gia thân Moscow phân tích, đội ngũ “giải giáp xung đột” Nga và Mỹ đã bí mật làm việc với nhau hàng tháng trời trước khi cuộc không kích diễn ra, nhằm đảm bảo hệ thống phòng thủ của Nga không hoạt động vào thời điểm đó, cũng như không một tên lửa hành trình nào đến gần bất kỳ người Nga nào.

“Phản ứng chính thức của Nga là lên án hành động tấn công là sai trái và bất hợp pháp,” Pavel Zolotaryev, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ - Canada cho biết. “Nó được đưa ra ngay trước khi một nhóm các điều tra viên từ Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học [OPCW] bắt đầu làm việc, tại nơi bị cho là đã xảy ra tấn công hóa học tại Douma. Việc các nhà lãnh đạo Mỹ không đợi các điều tra viên hoàn thành công việc của mình cho thấy, Washington muốn đưa ra một thông điệp quân sự, và không muốn nó bị che lấp bởi bất kỳ điều gì mà OPCW có thể tìm được.”

Ông Zolotaryev cũng cho biết thêm: “May mắn là, Lầu Năm góc và Bộ Quốc phòng Nga có quan hệ mật thiết, và đảm bảo không có sự phức tạp nào xảy ra. Vì vậy, cuộc tấn công chỉ mang ý nghĩa chính trị và biểu tượng. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra những căng thẳng mới trong quan hệ Nga – Mỹ, hiện vốn đã rất tệ”.

Một quan chức quân sự hàng đầu của Nga đã gợi ý, Moscow nên trang bị hệ thống phòng thủ S-300 cho Syria, nhằm ngăn chặn các cuộc không kích tương lai của Mỹ và đồng minh. “Một vài năm trước, chúng tôi đã từ bỏ việc cung cấp tên lửa S-300 cho Syria. Nhìn vào tình hình gần đây, chúng tôi cho rằng, có khả năng vấn đề này sẽ được thảo luận lại,” Trung Tướng Nga Sergei Rudskoi cho biết.

 Nga cần Mỹ để có thể đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột đã kéo dài 7 năm tại Syria?

Những trừng phạt phản tác dụng?

Những diễn biến mới tiếp tục “đổ thêm dầu” vào cơn bão căng thẳng giữa Nga và phương Tây. Vụ tranh cãi với London về những cáo buộc Nga liên quan tới cựu điệp viên Sergey Skripal bị đầu độc tại Anh – vẫn chưa hạ nhiệt. Hàng loạt các vụ trục xuất nhân viên ngoại giao đã khiến quan hệ quan hệ các bên tụt dốc cực điểm, đặc biệt là Nga – Mỹ, gần như không thể khôi phục lại những liên hệ thông thường.

Đầu tháng này, danh sách các doanh nhân và chính trị gia Nga bị Washington cho vào “sổ đen”, đã làm dấy lên những lo ngại rằng sẽ có thêm những trừng phạt mới (mặc dù ý định này hiện đã bị Nhà Trắng tạm thời bác bỏ). Nếu được thực thi, các lệnh trừng phạt mới một mặt sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn tới các công ty Nga đang hoạt động tại phương Tây; tuy nhiên, mặt khác, nó cũng rất có thể sẽ “giúp” Điện Kremlin bằng cách, khuyến khích họ mang tiền về lại quê nhà Nga.

“Nga đã quen với việc sống chung cùng các lệnh trừng phạt”, ông Sotnikov nói. Nền kinh tế Nga sau khi rơi vào khủng hoảng sau làn sóng trừng phạt đầu tiên bốn năm trước – giờ đây đã tăng trưởng 2% vào năm ngoái, và được dự báo là sẽ tiếp tục theo đà này trong năm 2018. “Có những lĩnh vực hợp tác giữa Mỹ và Nga vẫn phát triển, bất chấp những căng thẳng hiện tại, và sẽ thật ngớ ngẩn nếu chúng bị ảnh hưởng”.

Một vai trò ngoại giao cho Washington

Câu hỏi lớn hơn đặt ra là, liệu Mỹ và Nga có thể hợp tác với nhau để kết thúc chiến sự và đem lại một giải pháp chính trị lâu dài cho Syria hay không? Các chuyên gia nhìn nhận, tiến trình Astana do Nga dẫn dắt, đang không có nhiều triển vọng.

“Tình huống quân sự tại Syria đã tốt hơn rất nhiều so với một năm trước. Tuy nhiên, bất chấp những cuộc gặp gỡ với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, một giải pháp chính trị vẫn chưa thể đạt được,” Fyodor Lukyanov, Tổng biên tập tờ Nước Nga trong các vấn đề toàn cầu, phân tích. “Quan hệ của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran rất khó khăn, cũng như là quan hệ giữa chính hai nước kia. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã rất nỗ lực để giữ cho mối quan hệ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan theo đúng hướng, nhưng rõ ràng, đó là một việc không hề dễ dàng”.

Thổ Nhĩ Kỳ đã ra tuyên bố ủng hộ cho cuộc không kích tên lửa của Mỹ vào Syria; trong khi đó, theo ông Lukyanov, Iran tỏ ra không hài lòng và cho rằng, Nga đã không thể ngăn chặn hành động của Mỹ. Đó là một phần lý do tại sao, Mỹ và các nước phương Tây khác cần phải có mặt trong tiến trình hòa bình, nhằm cân bằng yêu cầu của tất cả các “người chơi” trong khu vực. Tuy nhiên, điều này sẽ rất khó khăn nếu Mỹ và Nga vẫn tiếp tục các chiến dịch quân sự của mình tại Syria.

“Mọi việc đang trở nên ngày càng phức tạp với các cuộc tấn công,” ông Sotnikov cho biết. “Tuy nhiên, kênh trao đổi giữa Nga và Mỹ tại Syria vẫn đang được duy trì – nó thật sự khá hiệu quả - và vì vậy, có thể kỳ vọng rằng, bức tranh ảm đảm này, có thể sẽ được thay đổi theo chiều hướng tốt hơn”.

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ