(Tổ Quốc) - Chính quyền Hàn Quốc cho rằng những nhóm hoạt động của người đào tẩu khỏi Triều TIên đang có những động thái ngoài tầm kiểm soát.
Bloomberg đăng tải, nhiều năm qua những người đào tẩu khỏi Triều Tiên đã sử dụng quyền tự do ngôn luận tại "quê hương" mới – Hàn Quốc, để công kích chính quyền tại Bình Nhưỡng. Giờ đây, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng, một vài trong số đó có thể đã đi quá xa.
Tuần trước, hai người anh em đứng đầu các nhóm người chạy trốn khỏi Triều Tiên là Park Sang-hak và Park Jung-oh đã phải đối mặt với sự thẩm vấn từ cảnh sát sau khi chính quyền Moon muốn truy tố họ vì những tờ rơi tuyên truyền gửi qua biên giới giữa hai nước. Trước đó, những người như ông Park chủ yếu phải hứng chịu những lời đe dọa từ Bình Nhưỡng. Ông Park anh còn bị phía Triều Tiên gọi là "Kẻ thù số 0".
Tuy nhiên, thời gian gần đây những người đào tẩu khỏi Triều Tiên và mối quan hệ không quá tốt đẹp giữa Tổng thống Moon với họ lại đang trở thành tâm điểm. Kể từ khi lên nắm quyền, bên cạnh những nỗ lực gia tăng bảo vệ nhân quyền, nhà lãnh đạo Hàn Quốc cũng bày tỏ mong muốn có một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Triều Tiên.
"Chính quyền này đang cố gắng bỏ tù tôi vì nói ra sự thật", ông Park Sang-hak – chủ tịch nhóm hoạt động Những đấu sỹ vì một Triều Tiên Tự do, phát biểu hôm thứ 2 (6/7). Từng gặp mặt cựu Tổng thống Mỹ Georgeo W.Bush vào năm 2008, hôm 30/6, ông Park bị cảnh sát triệu tập do cáo buộc đã vi phạm các quy định về trao đổi liên Triều.
Cảnh sát cũng đang điều tra thông tin rằng Park Sang-hak đã tấn công một nhà sản xuất truyền hình nữ giới từng tới nhà ông vào tháng trước để hỏi về các tờ rơi gây tranh cãi. Chia sẻ với báo giới, Park cho hay ông chỉ hành động để bảo vệ sự an toàn của gia đình mình.
Những động thái trên hé lộ những căng thẳng có thể phát sinh giữa Hàn Quốc và đồng minh an ninh hàng đầu là Washington, trong bối cảnh Seoul chuẩn bị đón chào chuyến công tác của Thứ trưởng Ngoại giao, đồng thời cũng là đặc phái viên hạt nhân cấp cao của nước Mỹ Stephen Biegun. Giới chính trị gia Mỹ, đặc biệt là các nghị sỹ bảo thủ Đảng Cộng hòa từ lâu luôn nhấn mạnh vai trò của những người đào tẩu khỏi Triều Tiên trong các hoạt động công kích nhằm vào chính quyền Kim Jong-un.
Trước khi ông Biegun tới Hàn Quốc vào ngày 7/7, một quan chức ngoại giao Triều Tiên chỉ trích Tổng thống Moon là "hay xen vào chuyện người khác" vì đã cố gắng sắp xếp các cuộc gặp mặt giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim. Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA dẫn lời người này cảnh báo, Bình Nhưỡng không có ý định "ngồi xuống mặt đối mặt với Mỹ" và mối quan hệ liên Triều sẽ bị đổ vỡ nếu Seoul tiếp tục nói "những điều vô nghĩa".
Mặc dù Tổng thống Trump hầu như không đề cập tới vấn đề nhân quyền kể từ khi tham gia một loạt các cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim vào năm 2018, điều đó cũng không giúp ông đạt được những tiến bộ rõ rệt trong quá trình đàm phán một thỏa thuận hạt nhân với Bình Nhưỡng.
Cũng trong ngày 6/7, Bộ Thống nhất Hàn Quốc kêu gọi các nhóm người đào tẩu khỏi Triều Tiên dừng mọi hành động khiêu khích Bình Nhưỡng. Thông cáo của cơ quan này nhấn mạnh, các tờ rơi "đe dọa tính mạng và sự an toàn của cư dân khu vực biên giới Hàn Quốc".
Tình hình căng thẳng hiện tại bùng phát sau khi nhóm của hai anh em nhà Park gửi các quả bóng bay bên trong chứa các nội dung nói xấu Chủ tịch Kim, sang lãnh thổ Triều Tiên. Bình Nhưỡng cáo buộc việc Seoul không thể chấm dứt hoạt động rải truyền đơn là dấu hiệu cho thấy Tổng thống Moon không ủng hộ hòa giải. Ngay sau đó, Seoul bắt đầu tiến hành khởi tố hai anh em nhà Park.
Tuy nhiên, Triều Tiên không chịu dừng lại khi cho nổ tung một văn phòng liên lạc trị giá 15 triệu USD mà chính quyền Moon cho xây dựng ở phía bắc biên giới 2 năm trước. Một tuần sau đó, Chủ tịch Kim Jong-un lại gây bất ngờ với tuyên bố hủy bỏ "các kế hoạch hành động quân sự" chống lại Hàn Quốc.
Nhiều thành viên trong đảng của Tổng thống Moon cho rằng, một mối quan hệ tốt hơn với Bình Nhưỡng là bước đầu tiên để cải thiện tình trạng nhân quyền tại Triều Tiên. "Bình Nhưỡng có lẽ nghĩ Seoul không nghiêm túc thực hiện tuyên bố chung 2018", nghị sỹ Woo Sang-ho, một cựu lãnh đạo Đảng Dân chủ Hàn Quốc nói. Đảng này dự định sẽ tiếp tục cấm các hoạt động rải tờ rơi chống phá Chủ tịch Kim.
Trong khi đó, đối với nhiều người đào tẩu khỏi Triều Tiên, các diễn biến gần đây càng làm lộ rõ một thách thức lớn hơn đó là chính quyền Moon Jae-in đang xem nhẹ vấn đề nhân quyền tại quốc gia láng giềng.
"Rõ ràng Hàn Quốc đang cố gắng làm yên lặng những nhóm và cá nhân đào tẩu khỏi Triều Tiên vốn khiến Bình Nhưỡng bực mình", bà Joanna Hosaniak, phó tổng giám đốc của tổ chức Liên minh vì Nhân quyền Triều Tiên nói. "Ai cũng có thể nhìn thấy tên họ trong danh sách đen".
Tháng trước, trang tin Triều Tiên NK News đưa tin, Seoul đang lên kế hoạch cắt giảm tới 25% khoản ngân sách dành cho những người đào tẩu khỏi Triều Tiên. Dưới thời Tổng thống Moon, số người Triều Tiên chạy sang Hàn Quốc đã giảm, từ 2.914 người (2018) xuống còn 1.047 người (2019).
Mặc dù vậy, hôm thứ 2, Bộ Thống nhất Hàn Quốc vẫn khẳng định, họ sẽ "tiếp tục giám sát việc thực hiện các biện pháp để giúp đỡ những người đào tẩu khỏi Triều Tiên".