• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thể nghiệm một số nghi lễ Tống cựu nghinh tân ở Hoàng thành Thăng Long

Văn hoá 02/02/2024 15:26

(Tổ Quốc) - Sáng 2/2, tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, đã diễn ra các nghi lễ dâng hương, thả cá chép trên dòng sông cổ, dựng cây nêu để đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Đây là một số nghi thức trong nghi lễ Tết cung đình Thăng Long xưa với mong muốn "Tống cựu nghinh tân". Tới dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà.

Trong khuôn khổ chào đón năm mới, Hoàng thành Thăng Long đã thực hiện các nghi thức tiễn cũ, đón mới (tống cựu nghinh tân) với mong muốn chào đón những điều tốt lành. Lễ tiết Nguyên đán bắt đầu từ cuối tháng Chạp [âm lịch] của năm cũ đến tháng Giêng [âm lịch] năm mới, trong cung đình Thăng Long xưa đã hình thành một chuỗi các nghi lễ cung đình mùa xuân vô cùng độc đáo như lễ cúng táo quân, lễ tiến lịch, lễ tiến xuân ngưu, lễ phong ấn, lễ dựng cây lễ hạ cây nêu, lễ khai ấn...

Thể nghiệm một số nghi lễ Tống cựu nghinh tân ở Hoàng thành Thăng Long - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cùng các đại biểu dâng hương tại Trung tâm Hoàng thành Thăng Long

Lễ cúng Táo quân

Cúng ông Công, ông Táo là một phong tục có từ rất lâu đời ở Việt Nam. Theo truyền thuyết kể lại, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núc. Ông Công, ông Táo được ông Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm Thiện - Ác của con người. Và hằng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội.

Thể nghiệm một số nghi lễ Tống cựu nghinh tân ở Hoàng thành Thăng Long - Ảnh 2.

Các đại biểu tham gia lễ thả cá và dựng cây nêu tại Hoàng thành Thăng Long. Đây là hoạt động mở đầu trong chuỗi chương trình Tết Nguyên đán Giáp Thìn tại Hoàng thành Thăng Long. Chương trình nhằm phát huy giá trị văn hóa cung đình Thăng Long xưa, giới thiệu tới người dân và du khách không khí chuẩn bị đón Tết và những tập tục trong ngày Tết.

Thể nghiệm một số nghi lễ Tống cựu nghinh tân ở Hoàng thành Thăng Long - Ảnh 3.

Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng" còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp.

Theo tục lệ, ngày 23 tháng Chạp là ngày đưa tiễn ông Táo về chầu trời để tấu việc trần gian của gia chủ với Ngọc Hoàng. Trong dân gian cũng như cung đình, đều sửa soạn lễ vật dâng tiến.

Thể nghiệm một số nghi lễ Tống cựu nghinh tân ở Hoàng thành Thăng Long - Ảnh 4.

Thể nghiệm một số nghi lễ Tống cựu nghinh tân ở Hoàng thành Thăng Long - Ảnh 5.

Các đại biểu thực hiện nghi thức thả cá

Lễ trồng cây nêu và lễ hạ cây nêu

Lễ dựng nêu là một nghi thức quan trọng của triều đình, không thể thiếu trong mỗi dịp tết Nguyên đán, được ghi chép lại từ thời Lê Trung hưng. Tư liệu cho biết, vào ngày 30 tháng Chạp, cây nêu được dựng ở trong cung vua, phủ chúa, dinh thự của các quan lại trước... rồi mới đến cây nêu của các nhà dân được dựng lên sau. Đến ngày mùng 7 tháng Giêng, trong hoàng cung, triều đình tổ chức lễ khai hạ gọi là lễ hạ cây nêu.

Như đã trở thành thường niên, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Trung tâm cùng với du khách lại hân hoan thực hiện nghi lễ dựng nêu trước cửa Đoan Môn và mùng 7 Tết thực hiện nghi lễ hạ nêu.

Thể nghiệm một số nghi lễ Tống cựu nghinh tân ở Hoàng thành Thăng Long - Ảnh 6.

BTC thực hiện dựng cây Nêu

Tại Di sản thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng. Từ khi được ghi danh năm 2010 đến nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể của Hoàng cung Thăng Long và bước đầu đã đạt được nhiều thành tựu. Trong đó, văn hóa phi vật thể cung đình được xem là cơ sở để làm sống lại và tỏa sáng di sản.

Thể nghiệm một số nghi lễ Tống cựu nghinh tân ở Hoàng thành Thăng Long - Ảnh 7.

Nghi lễ dựng cây Nêu

Văn hóa phi vật thể cung đình vô cùng phong phú, bao gồm các nghi lễ, lễ hội, trò chơi, trò diễn... được kết tinh lại thành văn hóa tinh hoa của dân tộc. Những nghi lễ và trò diễn cung đình được diễn ra tại không gian thiêng của khu di sản là trục chính tâm và không gian Chính điện Kính Thiên. Trong đó một số nghi lễ cung đình ngày xuân đã được tiến hành nghiên cứu và thể nghiệm thông qua các hình thức trưng bày diễn giải, thể nghiệm nghi lễ... nhằm phục vụ du khách cũng như góp phần bảo tồn và phát huy một cách hiệu quả nhất những giá trị văn hóa của 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Thể nghiệm một số nghi lễ Tống cựu nghinh tân ở Hoàng thành Thăng Long - Ảnh 8.

Khuôn viên Hoàng thành sáng 2/2

Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cung đình là vô cùng cần thiết, góp phần xây dựng hình ảnh, dấu ấn riêng cho di sản Hoàng thành Thăng Long, tạo tiền đề cho phát triển du lịch.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ