• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thi Ngữ văn vào 10 tại Hà Nội: Đề không mới nhưng có ý nghĩa giáo dục, vừa sức với thí sinh

Giáo dục 17/07/2020 12:54

(Tổ Quốc) - Đề thi Ngữ văn "chưa có những đổi mới sáng tạo mang tính bứt phá, nhưng vẫn đảm bảo được tính khoa học, ý nghĩa giáo dục và quan trọng hơn cả là phù hợp với đối tượng, phù hợp với điều kiện thực tế của năm học và mục tiêu của kì thi", TS. Đặng Ngọc Khương nhận xét.

Sáng nay 17/7 , gần 89.000 thí sinh Hà Nội thi vào lớp 10 THPT đã bắt đầu làm bài thi môn Ngữ văn, bài thi đầu tiên trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021. Tại điểm thi THCS Nguyễn Trãi (Ba Đình), ngay từ sáng sớm học sinh đã tới địa điểm thi, nhiều em được bố mẹ đưa đến sớm tranh thủ ôn lại kiến thức trước khi vào phòng thi chính thức.

Thi Ngữ văn vào 10 tại Hà Nội: đề thi không mới nhưng có ý nghĩa giáo dục, vừa sức với thí sinh - Ảnh 1.

Trường THCS Nguyễn Trãi

Em Minh Trang (trường THCS Đông Ngạc) cho biết, ở trường các em đã được thầy cô ôn tập cho kiến thức cơ bản và nâng cao. Dự thi nguyện vọng 1 vào trường THPT Chu Văn An, Minh Trang cho biết, học lực của em từ lớp 6-9 đều đạt loại giỏi, nhưng trước áp lực thi vào trường này (do bố mẹ hướng dẫn lựa chọn, dù có khuyến khích, động viên) nên Trang cũng khá căng thẳng, "đêm qua con dậy lúc 2g, lúc 4g" với tâm trạng thấp thỏm, lo lắng.

Còn em Lan Thi (trường Vinschool) nói, em đã ôn tập từ trước đó, với những kiến thức em đã có đủ để cho em tham dự kỳ thi này. Dù không áp lực vì đã được vào học tiếp cấp 3 của Vinschool nhưng em cũng muốn thử sức thi vào những trường top đầu của Hà Nội. Với môn Ngữ văn, Lan Thi tập trung ôn các bài Viếng Lăng Bác, Lặng lẽ Sa Pa, "nói chung là học tủ", Thi vui vẻ chia sẻ.

Thi Ngữ văn vào 10 tại Hà Nội: đề thi không mới nhưng có ý nghĩa giáo dục, vừa sức với thí sinh - Ảnh 2.

Thí sinh ôn lại kiến thức trước giờ thi

Hết thời gian làm bài thi, 10g sáng, những thí sinh đầu tiên rời phòng thi. Theo em Minh Quang, đề thi này không quá khó, vừa sức, em làm hết bài. Trong đề này, phần nghị luận xã hội khó hơn dù đây là những bài được các thầy cô ôn tập trên lớp. Các bạn trong cùng phòng em cũng đều làm hết bài, Minh Quang cho hay.

Với Minh Ngọc (trường THCS Nguyễn Tri Phương) thì đề thi này vừa sức đối với em. Ngọc làm phần 1 tốt hơn, phần 2 khó hơn vì yêu cầu của đề nghị luận xã hội: "Từ cách ứng xử của danh tướng và thầy giáo trong văn bản trên, kết hợp với hiểu biết xã hội, em hãy trình bày suy nghĩ về ý kiến "cách ứng xử là tấm gương phản chiếu nhân cách của mỗi con người", yêu cầu của đề rộng quá, em chỉ có thể hoàn thành khoảng 2/3 ý của yêu cầu đề bài, Ngọc nhận định.

Thi Ngữ văn vào 10 tại Hà Nội: đề thi không mới nhưng có ý nghĩa giáo dục, vừa sức với thí sinh - Ảnh 3.

Thí sinh chuẩn bị vào phòng thi

Nhận định về đề thi Ngữ văn vào lớp 10 THPT của Hà Nội, thầy Đặng Ngọc Khương (trường THPT chuyên Ngoại ngữ) cho biết, cấu trúc đề và cách thức hỏi không thay đổi so với mọi năm, phù hợp với tinh thần "giảm tải" nói chung trong điều kiện một năm học có nhiều khó khăn, gián đoạn do yếu tố khách quan (dịch bệnh).

Thầy Khương cho rằng, nội dung các câu hỏi hay phù hợp, nằm trong phạm vi kiến thức trọng tâm của chương trình Ngữ văn 9 và trong tầm hiểu biết, trải nghiệm của lứa tuổi trung học cơ sở.

Thi Ngữ văn vào 10 tại Hà Nội: đề thi không mới nhưng có ý nghĩa giáo dục, vừa sức với thí sinh - Ảnh 4.

Đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 THPT tại Hà Nội

Với Phần I - Nghị luận văn học, câu hỏi liên quan đến bài "Viếng lăng Bác" của tác giả Viễn Phương. Đây là một tác phẩm quan trọng trong chương trình Ngữ văn 9. Cả giáo viên và học sinh đều có nhiều cảm xúc khi tìm hiểu tác phẩm này. Đề đã chọn khổ thơ thứ 3 của bài thơ - một khổ thơ giàu giá trị nội dung tư tưởng được biểu hiện qua một hình thức nghệ thuật khá mới mẻ, sáng tạo. Ý thứ 3 của phần I, yêu cầu viết đoạn văn diễn dịch 12 câu và thực hiện 2 yêu cầu ngữ pháp (thành phần biệt lập tình thái và phép nối) để học sinh phân tích, cảm nhận, làm rõ những cảm xúc, suy nghĩ của tác giả, đây không phải là những yêu cầu mang tính đánh đố, vì vậy những học sinh ở mức trung bình khá hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề.

Phần II - Nghị luận xã hội, ngữ liệu không phải là văn bản nhật dụng nhưng vẫn nằm trong sách giáo khoa Ngữ văn 9, nội dung rất gần gũi, phù hợp với lứa tuổi THCS. Nội dung câu chuyện giàu giá trị nhân văn, đề cao cách ứng xử lễ phép, khiêm tốn; giáo dục lòng biết ơn, đạo lí uống nước nhớ nguồn… là những điều hết sức cần thiết góp phần định hướng giáo dục, bồi dưỡng nhân cách cho học trò.

Đánh giá chung về đề thi năm nay, thầy Khương cho biết, tuy đề chưa có những đổi mới sáng tạo mang tính bứt phá, nhưng vẫn đảm bảo được tính khoa học, ý nghĩa giáo dục và quan trọng hơn cả là phù hợp với đối tượng, phù hợp với điều kiện thực tế của năm học và mục tiêu của kì thi.

Khánh Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ