• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thị trường giải pháp văn phòng số tại Việt Nam: Cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài

Kinh tế 22/06/2023 14:16

(Tổ Quốc) - Theo Vietnam Briefing, các giải pháp văn phòng kỹ thuật số đang ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam khi các doanh nghiệp tìm cách hợp lý hóa các quy trình điều hành và gia tăng tính hiệu quả.

Chuyển đổi số, đặc biệt là việc áp dụng các giải pháp văn phòng kỹ thuật số, đã và đang là một xu hướng không thể đảo ngược trong bối cảnh kinh doanh ngày nay. Xu hướng này chủ yếu được thúc đẩy từ nhu cầu tăng hiệu quả, năng suất và sắp xếp các hoạt động vận hành một cách hợp lý.

Theo thông tin từ Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ Thông tin Việt Nam (VINASA), khoảng 40% doanh nghiệp Việt Nam đã bày tỏ mong muốn áp dụng một nền tảng công nghệ chuyên dụng vào vận hành kinh doanh. Các doanh nghiệp này đánh giá rằng một nền tảng như vậy đóng vai trò là chất xúc tác mạnh mẽ cho cả tăng trưởng và phát triển kinh tế. Do đó, nhu cầu này đang mở ra một cơ hội đáng kể cho các công ty nước ngoài muốn thâm nhập thị trường.

Cơ hội trong ngành công nghiệp số hóa

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC), ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đã tạo ra doanh thu khoảng 148 tỷ USD vào năm 2022. Con số này phản ánh mức tăng trưởng 8,7% so với năm 2021. Cũng trong năm 2022, thị trường phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tại Việt Nam đạt doanh thu 1,9 tỷ USD (tương đương 46.500 tỷ đồng).

Đánh giá tốc độ và yêu cầu chuyển đổi kỹ thuật số của Việt Nam, Fitch Solutions đã dự báo rằng thị trường CNTT tại đây, bao gồm cả thiết bị phần cứng và giải pháp phần mềm, ước tính đạt 370 nghìn tỷ đồng (15 tỷ USD) vào năm 2026. Dự báo này cho thấy tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm của ngành (CAGR) là 15%. Những con số này nêu bật tiềm năng to lớn và triển vọng thuận lợi trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam.

Thị trường giải pháp văn phòng số tại Việt Nam: Cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh 1.

Cùng với đà phát triển kinh tế, nhu cầu số hóa lĩnh vực văn phòng tại Việt Nam cũng ngày càng tăng. Ảnh: Vietnam Briefing.

Một lĩnh vực cung cấp chính đầu tiên là phần mềm kế toán. Kế toán là lĩnh vực có mức độ chuyển đổi số cao nhất, với hơn 40% doanh nghiệp luôn sử dụng công nghệ kế toán số ở mức độ hiện đại nhất. Điều này phù hợp với nhu cầu của phần lớn các doanh nghiệp vì phần mềm này tác động trực tiếp đến doanh thu và khả năng sinh lời của họ. Do đó, các công ty nước ngoài cung cấp giải pháp văn phòng kỹ thuật số bao gồm phần mềm kế toán sẽ có nhiều ưu thế hơn các đơn vị khác.

Tiếp đó là các phần mềm hậu cần logistics. Trong lĩnh vực quản lý phương tiện và vận chuyển hàng hóa, một tỷ lệ đáng kể các doanh nghiệp, lên tới hơn 60%, sử dụng phần mềm kỹ thuật số rất đơn giản, hoặc hầu như là chưa từng sử dụng.

Đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhắm đến thị trường này để bán nền tảng văn phòng kỹ thuật số, đây là một lĩnh vực giàu tiềm năng. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là có thể có những thách thức trong việc thuyết phục các doanh nghiệp này về lợi ích của việc áp dụng các phần mềm kỹ thuật số. Đặc biệt, những công ty đã hoạt động lâu năm có thể khó thay đổi.

Ngoài ra, lĩnh vực quản lý kho bãi và khách hàng cũng mang lại cơ hội đáng kể khi hơn 40% doanh nghiệp Việt chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng phần mềm kỹ thuật số để quản lý kho, quản lý đơn hàng hoặc quản lý khách hàng.

Ước tính chỉ có khoảng 40% doanh nghiệp trong các lĩnh vực này sử dụng công nghệ kỹ thuật số một cách rộng rãi và thường xuyên. Như vậy, các công ty có công nghệ có thể hỗ trợ quản lý kho hàng và khách hàng có thể kịp thời nắm bắt và đáp ứng được nhu cầu này.

Vượt qua một số hạn chế để nắm bắt cơ hội

Khi nói đến việc cung cấp các giải pháp văn phòng kỹ thuật số cho các doanh nghiệp Việt Nam, các công ty cung cấp nước ngoài cũng cần nhận thức được một số thách thức. Đầu tiên là các doanh nghiệp trong nước cần hỗ trợ lựa chọn sản phẩm phù hợp. Việc xác định không đầy đủ các mục tiêu và chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số phù hợp có thể dẫn đến việc các công ty sử dụng phần mềm không phù hợp với nhu cầu của họ.

Các công ty nước ngoài muốn tham gia vào thị trường này nên đảm bảo rằng họ có thể hướng dẫn khách hàng rõ ràng về những sản phẩm họ cung cấp và cách sử dụng, đồng thời, cần điều chỉnh sản phẩm để phục vụ cho các nhu cầu và yêu cầu cụ thể của thị trường địa phương. Một yếu tố nữa là vấn đề chi phí. Báo cáo thường niên về Chuyển đổi số doanh nghiệp 2022 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho biết, chưa đến 40% doanh nghiệp có ngân sách cần thiết để đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số. Trong khi đó, có khoảng 43,3% doanh nghiệp được bố trí ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Vì vậy, các công ty nước ngoài cần lưu ý rằng hiệu quả chi phí sẽ là một ưu tiên hàng đầu của các công ty Việt Nam.

Bên cạnh đó, quyền riêng tư cũng có thể là một mối quan tâm khi nhân viên thường lo ngại rằng việc sử dụng các giải pháp văn phòng kỹ thuật số có thể theo dõi hiệu suất làm việc của họ. Và để tối ưu hóa việc tiếp cận dữ liệu riêng tư và giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn, các công ty nước ngoài nên áp dụng phương pháp thu thập dữ liệu ưu tiên sự tối giản, nhằm chỉ thu thập thông tin cần thiết. Hơn nữa, các tổ chức cũng nên thiết lập và duy trì chính sách minh bạch quản lý quyền riêng tư và thu thập dữ liệu, đảm bảo rằng các bên liên quan nhận thức đầy đủ về cách dữ liệu của họ đang được xử lý.

Có thể thấy, thị trường văn phòng kỹ thuật số tại Việt Nam đang mang đến cơ hội đặc biệt cho các nhà đầu tư nước ngoài. Khi nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, việc đầu tư vào thị trường văn phòng kỹ thuật số hứa hẹn mang lại lợi nhuận đáng kể và khả năng định hình tương lai việc làm cho các doanh nghiệp thuộc nhiều ngành khác nhau.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ