• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thị trường giao đồ ăn cạnh tranh khốc liệt tại Thái Lan

Thế giới 16/07/2024 20:05

(Tổ Quốc) - Robinhood - ứng dụng giao đồ ăn của Thái Lan từng phát triển mạnh mẽ trong suốt đại dịch Covid-19 nhưng hiện lại là "nạn nhân" trên thị trường giao đồ ăn cạnh tranh khốc liệt của Thái Lan.

Theo hãng Nikkei Asia, nhiều công ty giao đồ ăn tại Thái Lan từng thu về lợi nhuận khủng trong suốt thời gian đại dịch Covid-19 xảy ra nhưng hiện tại bất ngờ thông báo rút lui khỏi thị trường giao đồ ăn ở Thái Lan.

Thị trường giao đồ ăn cạnh tranh khốc liệt tại Thái Lan - Ảnh 1.

Trong khi các ứng dụng giao hàng như Grab và LINEMAN vẫn phát triển thì những "người chơi khác" lại buộc phải rút lui khỏi thị trường giao đồ ăn cạnh tranh khốc liệt tại Thái Lan. Ảnh: Getty Images

Cụ thể, ứng dụng giao đồ ăn Robinhood mới đây đã tuyên bố sẽ chính thức đóng cửa vào ngày 31/7 sau khi báo cáo khoản lỗ lũy kế hơn 5 tỷ baht (140 triệu USD).

Công ty nổi lên vào năm 2020 và chịu khoản lỗ 87 triệu baht ngay trong năm đó. Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Thái Lan, Robinhood đã thua lỗ lần lượt 1,3 tỷ baht vào năm 2021; 1,9 tỷ baht vào năm 2022 và 2,1 tỷ baht vào năm 2023.

Một nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn nhận định Robinhood đã rất khó khăn để tạo ra lợi nhuận, mặc dù hoạt động kinh doanh giao đồ ăn khá phổ biến với báo cáo lãi hàng năm.

Các đợt phong tỏa vì dịch bệnh đã thúc đẩy phát triển những ứng dụng giao đồ ăn và mở đường cho sự tăng trưởng đáng kể. Theo báo cáo của Kasikorn Research, tổng giá trị thị trường giao đồ ăn tại Thái Lan đã tăng từ 50 tỷ baht trong năm đầu tiên phong tỏa vào năm 2020 lên 87 tỷ baht vào năm 2023.

Hiện nay, dịch vụ giao đồ ăn đối mặt với tỷ suất lợi nhuận thấp bởi mức độ cạnh tranh gay gắt với các đối thủ còn lại. Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn, vì nhu cầu giảm nên khả năng sinh lời sẽ trở thành thách thức lớn hơn.

Trong số những đối thủ cạnh tranh còn lại trên thị trường, Grab Food kiểm soát 47% thị trường Thái Lan và LINEMAN 36%. Các dịch vụ này hoạt động không chỉ ở thủ đô Bangkok mà còn ở các địa điểm du lịch nổi tiếng như Chiang Mai, Phuket.

Cả hai đều phải đối mặt với khoản lỗ lũy kế lớn, mặc dù thị trường đang giúp họ có thêm nhiều doanh thu hơn.

Grab và LINEMAN vẫn giữ "phong độ"

Thống kê cho thấy, ứng dụng giao hàng Grab lỗ 284 triệu baht vào năm 2020 – ngay trong năm đầu tiên vận hành doanh nghiệp giao đồ ăn. Khoản lỗ đã tăng lên 325 triệu baht vào năm 2021 trước khi đảo ngược thành lợi nhuận 576 triệu baht vào năm 2022 và lãi 1,3 tỷ baht vào năm 2023.

Trong khi đó, ứng dụng giao đồ ăn LINEMAN ghi nhận lỗ 1,1 tỷ Baht vào năm 2020; 2,4 tỷ Baht vào năm 2021 và 2,7 tỷ Baht vào năm 2022. Khoản lỗ năm 2023 thu hẹp lại là 253 triệu Baht.

Khi cuộc chiến về giá và nhu cầu giảm đi, các công ty phải điều chỉnh chiến lược, đổi mới và tìm ra công nghệ mới để mở rộng cơ sở khách hàng đồng thời cắt giảm chi phí hoạt động.

Grab tiến vào thị trường cấp cao, cố gắng phát triển bằng cách phục vụ những khách hàng có sức mua mạnh. Công ty đã tung ra một thương hiệu phụ, Exclusivity, có thực đơn cao cấp chỉ có trên Grab.

Trong khi đó, LINEMAN đã sử dụng chiến lược giảm giá phù hợp nhằm giữ thị phần trên thị trường đại chúng đồng thời đa dạng hóa, sẵn sàng giao đồ ăn đến cho khách du lịch nước ngoài.

Đầu năm nay, công ty đã cung cấp ứng dụng LINEMAN Mini trên WeChat của Trung Quốc với hy vọng thu hút khách du lịch Trung Quốc.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, Thái Lan ghi nhận đón 14,8 triệu khách du lịch nước ngoài, trong đó 2,9 triệu là khách Trung Quốc. Trước đại dịch vào năm 2019, số lượng khách Trung Quốc đến Thái Lan đã đạt kỷ lục 11 triệu người. Thái Lan kỳ vọng sẽ đón số lượng khách tăng mạnh trong những năm tới.

Theo Grab và LINEMAN, hơn 20 triệu người vẫn sử dụng ứng dụng giao đồ ăn trên điện thoại thông minh, mặc dù chỉ một phần nhỏ trong số họ vẫn duy trì truy cập các ứng dụng này trong thời kỳ hậu Covid-19.

Với sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số cũng như tác động từ các biện pháp giãn cách xã hội của chính phủ trong thời kỳ dịch Covid-19 khiến cho hành vi người tiêu dùng đang dần thay đổi, từ đó giúp định hình lại vai trò và giá trị của thị trường giao đồ ăn.

"Sau đại dịch, người dân có xu hướng quay trở lại văn phòng và ăn uống tại các khu ẩm thực, nhà hàng và quán ăn đường phố. Họ không sử dụng nhiều ứng dụng giao đồ ăn và nhu cầu đã giảm", một nhà phân tích của Asia Plus Securities cho biết.

Dự kiến sẽ có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh rút lui trong thời gian tới. Mặc dù vậy, từ góc độ toàn cầu, thị trường giao đồ ăn ở Đông Nam Á rất quan trọng.

Theo công ty tư vấn Momentum Works có trụ sở tại Singapore, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của các nền tảng giao đồ ăn trực tuyến tại Đông Nam Á được dự báo đạt 17,1 tỷ USD vào năm 2023, đánh dấu mức tăng 5% so với năm ngoái. Indonesia dẫn đầu với giá trị thị trường là 4,6 tỷ USD, tiếp theo là Thái Lan với 3,7 tỷ USD./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ