(Tổ Quốc) - Tỷ phú Elon Musk đã đạt được thỏa thuận mua mạng xã hội Twitter với giá 44 tỷ USD tiền mặt vào thứ Hai (ngày 25/4).
Giao dịch này sẽ chuyển quyền kiểm soát nền tảng truyền thông xã hội có hàng triệu người dùng, trong đó có nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu, sang tay người giàu nhất thế giới.
Đó là một thời khắc quan trọng đối với công ty 16 năm tuổi này, hiện đang nổi lên như một trong những mạng xã hội có ảnh hưởng nhất thế giới nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.
Thỏa thuận chóng vánh
Tuần trước, các cuộc thảo luận về thỏa thuận này vẫn đầy sự không chắc chắn, tuy nhiên đã được tăng tốc nhanh chóng vào cuối tuần qua sau khi Elon Musk thuyết phục các cổ đông Twitter bằng các chi tiết cụ thể về tài chính trong lời đề nghị của ông.
Dưới nhiều sức ép, Twitter đã bắt đầu đàm phán với Musk để bán lại công ty này với giá đề xuất 54,20 USD / cổ phiếu. Giao dịch của Musk đã được hội đồng quản trị Twitter chấp thuận và hiện đang được các cổ đông biểu quyết. Các nhà phân tích cho biết sẽ không có rào cản pháp lý nào.
Daniel Ives, một nhà phân tích tại Wedbush, cho biết ban giám đốc của công ty không còn lựa chọn nào sau khi ông Musk trình bày chi tiết gói tài chính của mình và không có nhà thầu nào khác xuất hiện.
Cổ phiếu của Twitter đã tăng 6% sau tin tức này, lên mức 51,9 USD/ cổ phiếu. Mức giá này cao hơn gần 40% so với giá đóng cửa vào thời điểm trước khi ông Musk tiết lộ rằng đã mua hơn 9% cổ phần. Mặc dù vậy, tốc độ tăng giá cổ phiếu này vẫn thấp hơn mức 70 USD mà cổ phiếu Twitter được giao dịch vào năm ngoái.
Jonathan Boyar, giám đốc điều hành tại Boyar Value Group, công ty có cổ phần tại Twitter, cho biết: "Tôi nghĩ nếu công ty có đủ thời gian để chuyển đổi, chúng tôi sẽ kiếm được nhiều hơn đáng kể so với những gì ông Musk đang giới thiệu.
Tuy nhiên, ông Boyar cũng nói thêm, "giao dịch này củng cố niềm tin của chúng tôi rằng nếu thị trường đại chúng không đánh giá đúng mức một công ty, thì cuối cùng một người mua lại sẽ làm điều đó".
Hôm thứ Hai, ông Musk cũng phát biểu với hơn 80 triệu người theo dõi của mình rằng công ty này có tiềm năng to lớn và ông muốn cải thiện nó bằng cách bổ sung các tính năng mới, biến các thuật toán thành mã nguồn mở để tăng độ tin cậy và đánh bại chương trình thư rác.
"Tự do ngôn luận là cơ sở của một nền dân chủ đang phát huy hiệu quả, và Twitter là một quảng trường số, nơi các vấn đề quan trọng đối với tương lai của con người được đưa ra thảo luận", ông Musk nói trong một tuyên bố.
Động thái của Musk cũng tiếp tục truyền thống của các tỷ phú về việc mua quyền kiểm soát các nền tảng truyền thông có ảnh hưởng, bao gồm việc Rupert Murdoch tiếp quản tờ New York Post vào năm 1976 và The Wall Street Journal vào năm 2007 và việc Jeff Bezos mua lại tờ Washington Post năm 2013.
Ảnh hưởng đáng kể của Twitter
Dù có quy mô tương đối nhỏ, Twitter không chỉ đóng vai trò là một cơ quan ngôn luận cho các chính trị gia, những người có sức ảnh hưởng lớn trên Internet và các nhà hoạt động, vai trò của nó vượt lên trên điều đó.
Mặc dù chỉ có lượng người dùng bằng khoảng một phần mười quy mô của các nền tảng mạng xã hội lớn hơn nhiều, như Facebook của Meta Platforms, Twitter được ghi nhận là nơi giúp khởi đầu làn sóng Mùa xuân Ả Rập và bị cáo buộc là cũng đóng một vai trò trong cuộc biểu tình ngày 6 tháng 1 năm 2021 tại tòa nhà Quốc hội Mỹ.
Sau khi Twitter cấm tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vì lo ngại kích động bạo lực sau khi cuộc tấn công vào Quốc hội Mỹ xảy ra năm ngoái ra, ông Musk đã tweet: "Rất nhiều người sẽ không hài lòng với giới công nghệ cao bờ Tây khi họ trở thành trọng tài trên thực tế phán xét tự do ngôn luận".
Đảng Cộng hòa Mỹ hôm thứ Hai đã hoan nghênh thông tin Elon Musk mua lại Twitter và hi vọng vào ông Trump sẽ được tái tham gia mạng xã hội này. Tuy nhiên, ông Donald Trump cho biết ông sẽ không quay lại Twitter, theo một cuộc phỏng vấn của Fox News.
Trong khi đó, Nhà Trắng từ chối bình luận về thương vụ của Musk, nhưng nói rằng Tổng thống Joe Biden từ lâu đã lo ngại về sức mạnh của các nền tảng truyền thông xã hội.
Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: "Những lo ngại của chúng tôi không phải là mới". Quan chức này cũng nói thêm rằng các nền tảng truyền thông cần phải có trách nhiệm. "Tổng thống từ lâu đã nói lên mối quan ngại của mình về sức mạnh của các nền tảng truyền thông xã hội, bao gồm Twitter và các nền tảng khác, về lan truyền thông tin sai lệch", bà Psaki cho hay.