(Tổ Quốc) - Tờ Financial Times nhận định, nguy cơ xung đột quân sự giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang trở nên ngày càng rõ ràng.
Trong khi thế giới vẫn đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19 và nước Mỹ bị "phân tâm" bởi các vấn đề chính trị nội bộ, Trung Quốc và Ấn Độ lại đang vướng vào cuộc đối đầu chưa từng có trong tiền lệ liên quan tới tranh chấp biên giới.
Hồi tháng Sáu, lần đầu tiên kể từ năm 1967, quân đội hai nước đã đụng độ nghiêm trọng tại Thung lũng Galwan, Himalaya khiến hơn 20 binh lính Ấn Độ thiệt mạng. Kể từ đó, hai bên liên tục tăng cường quân số, triển khai xe tăng, đạn pháo và cả hệ thống tên lửa sẵn sàng hỗ trợ cho hàng chục nghìn binh lính đã có mặt tại các khu vực tranh chấp.
Theo một số thông tin, căng thẳng không chỉ đơn giản dừng lại ở biên giới phía Tây mà đã bắt đầu lan về cả phía Đông, dọc theo biên giới của các bang Ấn Độ như Uttarakhand, Sikkim và Arunachal Pradesh.
Tại khu vực địa hình núi non nơi các đơn vị thiết giáp và cơ giới chủ yếu di chuyển dọc theo các thung lũng, tình thế hiện khó khăn hơn do tuyết tan chảy. Tuy nhiên, khi thời tiết trở nên lạnh và khô, những tuyến đường này lại dễ đi, cùng với năng lực xây dựng hạ tầng cơ sở nhanh chóng của Trung Quốc - có khả năng sẽ khiến căng thẳng tiếp tục leo thang.
Các cuộc gặp gỡ trong những tuần qua giữa các quan chức quốc phòng và ngoại giao Trung - Ấn đem lại hy vọng về một giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, khả năng hai bên đạt được một đột phá mang tính quyết định lại khá nhỏ nhoi. Cả Delhi và Bắc Kinh đều từ chối rút lại cáo buộc rằng, đối phương đang làm nảy sinh nguy cơ xung đột bằng việc cố gắng thay đổi hiện trạng biên giới và vi phạm các cách hiểu hiện có về giải quyết tranh chấp.
Động cơ của Trung Quốc không rõ ràng: Chủ tịch Tập Cận Bình đang theo đuổi một chính sách ngoại giao cứng rắn và có thể nhìn thấy một cơ hội nhằm đạt được các lợi ích mang tính chiến thuật. Nhưng ngay cả như vậy, trong bối cảnh hiện giờ, liệu có quá rủi ro nếu có một cuộc chiến với Ấn Độ? Thái độ cương quyết của Bắc Kinh đã đặt dấu chấm hết cho tất cả những mơ hồ chiến lược về phía Ấn Độ. Hiện Delhi đang không ngừng tìm kiếm một mối quan hệ thân cận hơn với Mỹ, đồng thời tham gia vào các liên minh chống Trung Quốc như Đối thoại An ninh Bốn bên (với Mỹ, Nhật và Australia). Về mặt kinh tế, Ấn Độ cũng ra lệnh cấm nhiều ứng dụng công nghệ của Trung Quốc và theo đuổi chiến lược chuyển hướng sang các nhà cung cấp khác.
Nếu Chủ tịch Tập mong muốn tăng cường độ tín nhiệm nội bộ thì vấn đề là tại sao xung đột Ấn-Trung lại hầu như không có vai trò nào lớn tại Trung Quốc? Một giả thuyết khác là Trung Quốc đang lo lắng về tương lai của Tây Tạng. Ấn Độ hiện tiếp nhận cả vị Dalai Lama và chính quyền lưu vong của Tây Tạng và Bắc Kinh có thể gia tăng sức ép nhằm ngăn cản khả năng xảy ra can thiệp sau này.
Chính những mơ hồ và không chắc chắn lại khiến tình huống trở nên càng nguy hiểm. Mùa đông đang tới gần, rất khó hiểu khi Trung Quốc giữ hàng chục nghìn binh lính tại các khu vực núi cao nơi nhiệt độ có thể xuống tới âm 20, 30 độ. Ấn Độ cũng đáp trả bằng cách tăng cường quân số trong khu vực.
Chúng ta không thể chỉ dựa vào những yếu tố như trước đây để ngăn ngừa xung đột bùng phát. Trong chiến tranh hiện đại, thời tiết khắc nghiệt mùa đông và địa hình khó khăn không còn là những rào cản như trước đây nữa.
Sự kiện Thung lũng Galwan đã khiến làn sóng phản đối Trung Quốc tại Ấn Độ gia tăng mạnh mẽ. Điều đó khiến những nỗ lực giảm leo thang trở nên khó khăn hơn. Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng Delhi phải chuẩn bị để đối đầu với Bắc Kinh. Hình ảnh của Thủ tướng Narendra Modi có thể sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu ông không tỏ rõ một thái độ cứng rắn trước Trung Quốc. Như vậy, Chủ tịch Tập sẽ đứng trước hai lựa chọn: Chấp nhận tổn hại và sẵn sàng chấp nhận hậu quả hoặc "lùi bước" về vị thế trước tháng Sáu và "mất mặt".
Tình hình quốc tế cũng khiến cơ hội xung đột bùng phát rõ nét. Có lẽ không phải là một sự trùng hợp khi lần xung đột lớn trước đây – cuộc chiến năm 1962 giữa Ấn Độ và Trung Quốc, cũng nổ ra khi Mỹ đang bị "phân tâm" (thời điểm đó là bởi cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba). Thời gian trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng Mười một lại đúng vào lúc thời tiết thuận lợi cho các hoạt động quân sự tại biên giới Trung-Ấn. Người Mỹ sẽ bận rộn với những vấn đề của chính mình thay vì để ý và can thiệp vào những sự vụ quốc tế khác.
Hiện chúng ta đã không còn có thể coi những căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ chỉ là đối đầu quy mô nhỏ. Tuần trước, các bộ trưởng hai bên đã đạt được một thỏa thuận hiểu biết lẫn nhau bước đầu. Tuy nhiên, nó được đánh giá là vẫn chưa giải quyết tận gốc các vấn đề đã đẩy hai nước vào xung đột nghiêm trọng. Nhà sử học người Mỹ Barbara Tuchman từng chỉ ra: "Chiến tranh là sự hé mở những tính toán sai lầm" và vài tháng tới đây có thể là một phép thử cho giả thuyết này đối với trường hợp của Ấn Độ và Trung Quốc.