(Tổ Quốc) - Việc người Kurd không được tham gia vòng đàm phán hòa bình Syria tại Geneva có thể khiến tiến trình hòa bình rơi vào bế tắc.
Theo nhà phân tích chính trị người Nga Semyon Bagdasarov, các cuộc đàm phán hòa bình Syria do Liên hợp quốc khởi xướng, có thể sẽ rơi vào thế bế tắc nếu lực lượng người Kurd tại Syria không được mời tham gia.
Moscow vẫn kiên trì lập trường yêu cầu lực lượng người Kurd tại Syria phải có mặt trong các cuộc đàm phán về Syria tại Geneva. “Vấn đề đại diện của người Kurd vẫn đang rất gây tranh cãi,” Mikhail Bogdanov, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga phát biểu trong cuộc hội nghị mang tên “Trung Đông: Bao giờ mới đến ngày mai?”. “Chúng tôi ủng hộ đại diện của người Kurd có mặt trong các cuộc đàm phán,” ông Bogdanov nói.
Nga và cộng đồng người Kurd có mối quan hệ lịch sử tốt đẹp
Cũng trong hội nghị trên, ông Bakhtiar Amir, cựu Bộ trưởng Bộ Nhân quyền của Iraq gây chú ý khi chỉ ra mối quan hệ tốt đẹp trong lịch sử giữa Nga và người Kurds. Ông Amir nhấn mạnh rằng, lợi ích của tất cả người dân và các nhóm thiểu số đang sinh sống tại Syria cần phải được xem xét tới.
Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc, ông Alexei Borodavkin đồng tình với quan điểm trên. “Chúng tôi luôn tán thành và tiếp tục ủng hộ người Kurd tham gia vào các cuộc thương lượng [về Syria]. Người Kurd tại Syria là một cộng đồng đáng kể, một lực lượng chính trị, một lực lượng quân sự có khả năng không thể bị xem nhẹ trên chiến trường; ngoài ra, họ còn là công dân của Cộng hòa Syria, và họ có quyền được tham gia vào quá trình quyết định vận mệnh của đất nước mình,” ông Borodavkin phát biểu trước báo chí vào ngày 23/2 vừa qua.
Vòng đàm phán về hòa bình Syria do Liên hợp quốc khởi xướng tại Geneva đã bắt đầu hôm 23/2 vừa qua |
Ngày 23/2 cũng là thời điểm bắt đầu vòng đám phán mới về Syria tại Geneva. Trước đó, Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) của Syria đã công bố danh sách cuối cùng các thành phần tham dự, trong đó bao gồm đại diện của nhiều nhóm nổi dậy như Quân đội giải phóng Syria và các đơn vị hoạt động độc lập khác. Tuy nhiên, phái đoàn của HNC chỉ bao gồm một đại diện cho lực lượng người Kurd tại Syria. Con số ít ỏi này đã khiến nhiều chính trị gia không hài lòng.
Không có người Kurd, đàm phán chỉ là vô ích
Trong vòng đàm phán tại Geneva hồi tháng Hai năm ngoái, người Kurd cũng không được cử đại diện tham gia do những áp lực phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng đối lập Syria.
Ebdulselam Eli, một đại diện cho Đảng Liên hiệp dân chủ Syria (PYD) – đảng cánh tả của người Kurd tại Syria – tin rằng, cuộc khủng hoảng Syria không thể được giải quyết triệt để nếu thiếu sự tham gia của cộng đồng người Kurd. “Người Kurd có thẩm quyền, và sở hữu lực lượng vũ trang riêng. Tất cả các bên tham gia [cuộc xung đột Syria] cần phải tìm được điểm chung với người Kurd, nếu không tương lai của Syria sẽ không được đảm bảo,” Eli nói. Theo ông, Damascus “không có đủ lực lượng để kiểm soát và điều hành toàn bộ đất nước.”
Thổ Nhĩ Kỳ từ trước đến nay luôn phản đối mạnh mẽ việc để các lực lượng người Kurd tại Syria, đặc biệt là PYD tham gia vào tiến trình hòa bình. Ankara coi PYD và Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) là “bè đảng” với Đảng Công nhân Kurd – tổ chức hiện bị coi là hoạt động bất hợp pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ.
“Khi được hỏi rằng tại sao người Kurd , cộng đồng đang chiếm tới 22% đất nước Syria, lại không được tham gia vào các cuộc thương lượng, Ankara nói rằng Hội đồng quốc gia người Kurd, hiện là một phần của phái đoàn các lực lượng đối lập, đã hiện diện tại Geneva,” Eli giải thích. “Tuy nhiên, không giống như PYD, Hội đồng quốc gia người Kurd không thực sự kiểm soát bất kỳ phần lãnh thổ nào tại Syria. Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đang không chấp nhận thực tế mà thôi.”
Lực lượng người Kurd tại Syria hiện đang kiểm soát 500/800 km biên giới giữa Syria-Thổ Nhĩ Kỳ |
Nhận định về vấn đề này, nhà bình luận chính trị Vladimir Ardaev của hãng thông tấn RIA Novosti nhấn mạnh rằng, người Kurd tại Syria đang nắm giữ 500 trên tổng số 800 km chiều dài biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Ardaev cũng thừa nhận rằng, YPG là một trong những lực lượng quân đội mạnh nhất trong cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố IS tại Syria.
Nhà bình luận dẫn lời ông Semyon Bagdasarov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Đông và Trung Á, cho rằng lập trường cứng rắn của Ankara về người Kurd tại Syria đang làm phức tạp hóa tiến trình hòa bình. “Lực lượng người Kurd [trên chiến trường] bao gồm gần 50 nghìn binh lính có vũ trang, cùng với khoảng 20 nghìn quân đồng minh bao gồm các nhóm người thiểu số như người Turk, Alawi, Armenia, Assyria vv”, ông Bagdasarov chỉ ra.
“Đây là một thế lực quân sự thật sự, hiện đang nắm giữ chìa khóa không chỉ của 70% đường biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn cả của nguồn nước sông Euphrates – một huyết mạch của Syria. Thương lượng mà không có sự tham gia của người Kurd sẽ chỉ la vô ích,” chuyên gia của RIA khẳng định.
(Theo Sputnik)