(Tổ Quốc) -Thịt nuôi cấy — không cần nuôi và giết động vật — đã trở thành món ăn cho người dân trên thế giới. Nhưng liệu thực phẩm này có thể đủ đảm bảo để thay thế ngành chăn nuôi động vật không?
Theo AP, hơn 150 công ty khởi nghiệp trên thế giới đang theo đuổi một mục tiêu đầy tham vọng: thịt không cần phải nuôi và giết động vật, giá cả phải chăng, có hương vị và cảm giác giống như thịt mà chúng ta đang ăn hiện nay.
Nuôi cấy tế bào là phương pháp sản xuất các sản phẩm thịt bằng cách lấy mẫu tế bào cơ từ động vật và nuôi cấy chúng trong phòng thí nghiệm. Sự phát triển của công nghệ này đã mang đến cho ngành công nghiệp thịt nhân tạo một bước đột phá lớn.
Nỗ lực này đánh dấu sự ra đời của ngành công nghiệp trẻ hướng đến việc sử dụng sinh học tế bào để giảm tác động đến môi trường do nhu cầu thịt ngày càng tăng trên thế giới và nhu cầu thay đổi sản xuất protein toàn cầu, giống như cách mà ngành ô tô điện đang làm rung chuyển ngành công nghiệp ô tô.
"Chúng ta nghiện thịt như một loài. Đó là một phần trong quá trình tiến hóa của con người và cũng là một phần trong văn hóa của chúng ta", ông Yaakov Nahmias - người sáng lập công ty Believer từ Israel cho biết.
Các doanh nghiệp sản xuất thịt "nuôi cấy", còn được gọi phổ biến là thịt "nuôi trong phòng thí nghiệm", đang cố gắng mở rộng quy mô nhanh chóng. Họ thúc đẩy hợp tác với các công ty thịt truyền thống, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư và khai thác các cơ sở sản xuất mới tại Mỹ và những nơi khác.
Tuy nhiên, việc áp dụng rộng rãi thịt từ tế bào vẫn chưa chắc chắn. Loại thịt này rất tốn kém để sản xuất. Có những thách thức về mặt khoa học, chẳng hạn như học cách mô phỏng cấu trúc phức tạp của thịt bò bít tết. Hay quy định của chính phủ là một trở ngại khác. Chỉ có Singapore và Mỹ đã cho phép bán thịt nuôi cấy.
Với những người đã thử, họ bày tỏ thích loại thịt này trong khi số khác lại thấy món ăn này không ngon.
Bằng cách nào tế bào gốc có thể biến thành món ăn
Khoa học đằng sau loại thịt mới này đến từ thế giới y khoa. Nahmias, một kỹ sư sinh học, đã quyết định thành lập công ty sau khi đi ăn trưa với một giám đốc điều hành của Tyson Foods tại một hội nghị và ghi chép phương pháp làm thịt nuôi cấy trên một chiếc khăn ăn.
Không giống như nông nghiệp truyền thống, quá trình này bắt đầu bằng tế bào. Tùy thuộc vào công ty, các tế bào có thể đến từ một mảnh mô, một quả trứng đã thụ tinh hoặc một "ngân hàng" tế bào.
Có thể sử dụng nhiều loại khác nhau; các nhà khoa học chọn các tế bào có thể tự tái tạo và biến thành các tế bào cơ và mỡ tạo nên mô thịt.
Những tế bào này được đặt bên trong các bình có nhiều kích cỡ khác nhau gọi là lò phản ứng sinh học và được ngâm trong môi trường giàu dinh dưỡng, tại đó chúng sẽ sinh sôi.
Thịt dày, có cấu trúc cũng cần có khung giúp các tế bào sắp xếp thành hình dạng nhất định.
Công ty Believer của Yaakov Nahmias hiện đang nuôi gà, cừu và có kế hoạch nuôi thịt bò, một loại thịt khó nuôi hơn vì khó tạo ra dòng tế bào ổn định về mặt di truyền từ những động vật.
Sản xuất thịt theo cách này cũng có thể làm giảm đáng kể tác động đến môi trường vì giảm nhu cầu sử dụng đất trong quá trình nuôi động vật cũng như chi phí cho thức ăn chăn nuôi. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng sản xuất chăn nuôi truyền thống chịu trách nhiệm cho khoảng 10% đến 20% lượng khí thải nhà kính.
"Điều quan trọng nhất là lĩnh vực này có thể giúp giảm thiểu sự tàn phá môi trường liên quan đến các kỹ thuật chăn nuôi hiện tại", Glenn Gaudette, một chuyên gia kỹ thuật y sinh tại Boston College, cho biết.
Chi phí cao
Các nhà khoa học và chuyên gia trong ngành cho biết thịt nuôi cấy còn phải đi một chặng đường dài nữa mới có thể phân biệt được với thịt thông thường, đặc biệt là khi nói đến kết cấu của các sản phẩm khác ngoài bánh mì kẹp thịt hoặc gà viên.
"Khi tôi ăn một miếng bít tết, tôi muốn nhìn thấy miếng bít tết. Và chúng tôi vẫn chưa đạt được điều đó", Jon Medved, CEO của nền tảng đầu tư OurCrowd của Israel cho biết.
Giá cả cũng là một vấn đề. Chi phí sản xuất cho chiếc bánh mì kẹp thịt bò nuôi cấy đầu tiên cách đây một thập kỷ tại Đại học Maastricht ở Hà Lan ước tính lên tới hàng trăm nghìn đô la. Hiện tại, các công ty đang mong muốn có thể giảm chi phí xuống còn khoảng 10 đô la nhằm hướng tới thương mại hóa.
Ông Bruce Friedrich, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập của Viện Thực phẩm Tốt, một nhóm vận động phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, D.C. tập trung vào protein thực vật và protein nuôi cấy, cho biết để thịt nuôi cấy có thể phát triển, những xu hướng như vậy phải tiếp tục.
"Nếu chúng ta không có những sản phẩm có hương vị tương tự hoặc ngon hơn và có giá tương tự hoặc thấp hơn, mọi người sẽ chuyển sang sản phẩm khác", ông nói.
Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cũng lưu ý một số vấn đề an toàn tiềm ẩn, chẳng hạn như nhiễm khuẩn trong quá trình sản xuất cũng như việc sử dụng các sản phẩm phụ sinh học và khung có thể gây dị ứng nếu không đảm bảo vệ sinh.
Các chuyên gia thừa nhận cần phải tiến hành nhiều thử nghiệm an toàn hơn nữa nhưng cũng lưu ý thịt truyền thống cũng tiềm ẩn những rủi ro đáng kể về an toàn thực phẩm, chẳng hạn như khả năng nhiễm khuẩn trong quá trình giết mổ.
Khi nào thịt nuôi cấy sẽ được cung cấp rộng rãi?
Các chuyên gia cho biết sẽ có nhiều người muốn thử thịt nuôi cấy hơn nữa trong thời gian tới. Một báo cáo gần đây từ Viện Thực phẩm Tốt cho thấy việc đầu tư vào thịt nuôi cấy tăng gấp ba lần trung bình mỗi năm từ năm 2016 đến năm 2022.
Khoảng 70 công ty thịt và thực phẩm truyền thống đang tham gia vào mô hình thịt nuôi cấy. Và các phê duyệt theo quy định tại Mỹ dự kiến sẽ được nhiều quốc gia khác áp dụng trong thời gian tới.
Những điều đó sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp trẻ phát triển. Good Meat - công ty đầu tiên tại Mỹ bán thịt nuôi trong phòng thí nghiệm với mục đích thương mại - đã gần hoàn thành một cơ sở sản xuất tại Singapore và có kế hoạch xây dựng nhà máy quy mô lớn tại Mỹ.
Believer cũng khởi công xây dựng nhà máy quy mô lớn vào tháng 12 năm ngoái tại Bắc Carolina.
Công ty tư vấn quản lý McKinsey & Company dự đoán thịt nuôi cấy có thể cung cấp hàng tỷ pound nguồn cung cấp thịt cho thế giới vào năm 2030. Tuy nhiên, con số đó chỉ đáp ứng khoảng nửa phần trăm và không đủ để bù đắp cho lượng tiêu thụ thịt từ động vật ngày càng tăng.
Mặc dù không ai mong đợi thịt nuôi cấy có thể thay đổi chế độ ăn của con người trong thời gian tới nhưng một số chuyên gia cho rằng áp lực về dân số và khí hậu có thể khiến việc sản xuất thịt truyền thống trở nên bất khả thi trong dài hạn. Từ đó, thịt nuôi cấy sẽ trở thành giải pháp tiềm năng cho một thế giới đang phát triển./.