(Tổ Quốc)- Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn và các vòng đàm phán hòa bình, xung đột vẫn xảy ra tại đây.
(Tổ Quốc)- Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn và các vòng đàm phán hòa bình, xung đột vẫn xảy ra tại đây.
Giao tranh giữa Azerbaijan và Armenia tại Nagorny-Karabakh, bùng lên từ đêm 1/4 vẫn đang leo thang sau khi khiến ít nhất 30 binh sĩ thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.
Hãng tin Nga TASS dẫn thông báo của Cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng Azerbaijan ngày 3/4, cho biết trong thời gian một ngày đêm vừa qua, phía Armenia đã 137 lần vi phạm thỏa thuận ngừng bắn tại Nagorny Karabakh, với việc sử dụng súng cối 60,82 và 120 ly, súng phóng lựu và súng máy cỡ lớn bắn từ nhiều hướng.
Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Azerbaijan, Vagif Dargyakhly, nói với AP ngày 3/4 rằng nhiều khu vực của người Azebaijan đã bị hỏa lực tấn công và nhiều khu vực dân sự cũng nằm trong tầm ngắm.
Một chiếc máy bay Mi-24 được cho là của Azerbaijan bị bắn hạ ngày 2/4 tại Nagorny-Karabakh. (Nguồn: Agence France Presse/Getty Images)
Trước đó, theo sáng kiến và với sự trung gian của Nga, ngày 2/4 thỏa thuận về quy chế ngừng bắn đã khôi phục tại khu vực. Nhưng theo tuyên bố của Armenia, từ 6h sáng 3/4, phía Azerbaijan đã nối lại các cuộc pháo kích nhằm vào các vị trí của quân đội Armenia ở Nagorny Karabakh – điều này buộc các đơn vị Armenia phải áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn. Đồng thời, Azerbaijan đã sử dụng các vũ khí hạng nặng như tên lửa, pháo binh và xe bọc thép trong cuộc giao tranh.
Những diễn biến này nhanh chóng dấy lên sự quan ngại của Washington và Moscow. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết trong một tuyên bố cuối ngày 2/4 "Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế, tránh tiếp tục leo thang xung đột, và tuân thủ nghiêm ngặt lệnh ngừng bắn." Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cùng ngày cũng kêu gọi cả hai bên chấm dứt chiến sự và kiềm chế, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, theo hãng tin Interfax.
Cuộc xung đột này có sức ảnh hưởng không nhỏ trong khu vực, trong đó, mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan có tầm quan trọng đặc biệt. Ankara bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Azerbaijan, nơi nhóm dân tộc thiểu số người Thổ chiếm đa số.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án lực lượng Armenia mà theo nước này đã tấn công vào dân thường. Ankara cũng kêu gọi Yerevan tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn và "ngay lập tức" dừng các hành động thù địch.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bày tỏ tình đoàn kết với Azerbaijan và đổ lỗi cho nhóm Minsk- thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), do Nga, Pháp và Mỹ làm đồng chủ tịch vì chỉ đưa ra các giải pháp ngắn hạn và đã được xác định rõ cho một tranh chấp đã tồn tại từ lâu.
Nagorny-Karabakh là một phần của Azerbaijan, đã nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng địa phương người Armenia và quân đội Armenia kể từ lệnh ngừng bắn năm 1994. Do không xác định rõ hiện trạng của khu vực nên tình trạng bất ổn vẫn âm ỉ tại đây. Xung đột lần này được bùng lên do căng thẳng kéo dài giữa người Armenia theo đạo Cơ đốc và người Azerbaijan chủ yếu theo đạo Hồi.
An Bình (Tổng hợp)