• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thổ - Hy Lạp "nóng mặt" về hoạt động dầu khí tại vùng biển tranh chấp

Thế giới 22/07/2020 16:07

(Tổ Quốc) - Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Tư bác bỏ tuyên bố của Hy Lạp rằng các tàu nghiên cứu dầu khí của họ đang xâm phạm vùng biển Hy Lạp, ở phía đông Địa Trung Hải, và cho biết nước này sẽ tiếp tục bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong khu vực, theo Reuters.

Tuy nhiên, một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng đề cập tới một lời kêu gọi đối thoại để giải quyết tranh chấp giữa hai đồng minh NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ ba đã công bố kế hoạch phái các tàu tìm kiếm đi vào vùng biển tranh chấp ở Địa Trung Hải với Hy Lạp – điều làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước láng giềng và bỏ qua những lời kêu gọi từ các quốc gia châu Âu về việc tránh thực hiện hành động như vậy.

Thổ - Hy Lạp "nóng mặt" về hoạt động dầu khí tại vùng biển tranh chấp - Ảnh 1.

Tranh chấp chủ quyền biển và hoạt động thăm dò dầu khí đang là một vấn đề căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, tàu nghiên cứu Oruc Reis và hai tàu hỗ trợ của họ sẽ thực hiện các hoạt động cho đến ngày 2/8 tại vùng biển phía nam các đảo Rhodes, Karpathos và Kastelorizo.

Truyền hình Hy Lạp thông tin rằng lực lượng vũ trang của nước này đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng.

Hai đồng minh NATO Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đang tranh chấp về quyền khoan dò tìm khí đốt trong khu vực này. Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ cũng đã gia tăng chỉ trích các kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ về việc mở rộng các hoạt động thăm dò và khoan tìm khí đốt trong những tuần tới tại các khu vực mà Athens cũng tuyên bố là có chủ quyền.

Thổ Nhĩ Kỳ đã cáo buộc Hy Lạp cố gắng đẩy họ ra khỏi việc hưởng lợi ích từ dầu và khí đốt ở Biển Aegean và Đông Địa Trung Hải. Ankara cũng cho rằng ranh giới biển để khai thác thương mại nên được phân chia ngang nhau giữa lục địa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, không bao gồm các đảo Hy Lạp.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết thêm rằng khu vực hàng hải nơi Oruc Reis sẽ tiến hành nghiên cứu là thuộc phạm vi giới hạn của thềm lục địa mà nước này đã thông báo cho Liên Hợp Quốc. Họ cũng cho biết một giấy phép thăm dò đã được trao cho công ty dầu lửa nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ, TPAO, vào năm 2012.

Về phần mình, Hy Lạp đang thúc ép các quốc gia thành viên EU khác chuẩn bị "các lệnh trừng phạt mạnh mẽ" đối với Thổ Nhĩ Kỳ nếu nước này tiến hành các kế hoạch thăm dò dầu khí.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ