(Tổ Quốc) - Sau thắng lợi của cuộc trưng cầu dân ý, ông Erdogan đang báo hiệu tiềm năng thay đổi chính sách lớn với châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không mãi mãi chờ đợi ở ngưỡng cửa châu Âu và sẵn sàng rời khỏi tiến trình đàm phán gia nhập EU nếu điều nước này chỉ trích là sự gia tăng chủ nghĩa bài Hồi giáo và thù địch từ một số quốc gia thành viên EU vẫn tồn tại, Tổng thống Tayyip Erdogan nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn ngày 25/4.
Phát biểu tại Dinh tổng thống chưa đầy hai tuần sau khi giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý – hứa hẹn sẽ mang đến quyền lực mới cho chức vụ Tổng thống, ông Erdogan cho biết quyết định của một cơ quan nhân quyền hàng đầu của châu Âu đưa Thổ Nhĩ Kỳ vào danh sách theo dõi là "hoàn toàn mang tính chính trị" và Ankara không công nhận động thái này.
Tổng thống Tayyip Erdogan trong cuộc phỏng vấn ngày 25/4. (Nguồn: Reuters) |
“Sóng gió” tiếp tục gia tăng
Hội đồng nghị viện châu Âu cho biết họ đã đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở lại danh sách theo dõi với những hành động được cho là đàn áp những tiếng nói bất đồng từ vụ đảo chính năm ngoái, vi phạm quyền con người và lo ngại về việc ông Erdogan gia tăng quyền lực.
Quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với EU đã trở nên xấu đi trước cuộc trưng cầu dân ý, khi ông cáo buộc Đức và Hà Lan hành động như thời Đức quốc xã bằng cách cấm các cuộc mít tinh của những người ủng hộ ông.
Erdogan cho biết, "Ở châu Âu, mọi thứ đã trở nên rất nghiêm trọng theo khía cạnh chủ nghĩa bài Hồi giáo. EU đang nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ không đóng cửa với bất cứ ai" và đưa ra nhiều hình ảnh về những nhà thờ Hồi giáo và những người ủng hộ lực lượng người Kurd chống lại ông ở châu Âu.
"Nếu họ không hành động một cách chân thành thì chúng tôi phải tìm ra lối thoát. Tại sao chúng tôi nên chờ đợi lâu hơn. Chúng ta đang nói về 54 năm", ông nói, đề cập đến Hiệp định Ankara năm 1963 xác nhận mục tiêu dài hạn của Thổ Nhĩ Kỳ là trở thành thành viên của một khối châu Âu thống nhất.
Nếu cần thiết, ông nói, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tổ chức một cuộc bỏ phiếu tương tự như Anh về việc theo đuổi tư cách thành viên EU. Ông nói Brexit đã cho Anh "bình an" và rằng "đang hướng tới một tương lai mới".
Đây là một tuần quan trọng đối với quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-EU. Các nhà lập pháp EU sẽ thảo luận về các mối quan hệ này trong ngày 26/4, trong khi các bộ trưởng ngoại giao của khối sẽ thảo luận về vấn đề này vào thứ Sáu.
Ông Erdogan nói ông sẽ theo dõi chặt chẽ.
"Tôi rất muốn biết về cách EU sẽ hành động", ông nói, chỉ trích các quốc gia EU đã kêu gọi chấm dứt tiến trình đàm phán gia nhập khối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ, ông nói, vẫn cam kết tham gia đàm phán.
"Không có một điều nào mà chúng tôi không sẵn sàng làm, bất kể lúc nào mà họ yêu cầu. Họ muốn điều gì, chúng tôi đã làm. Nhưng họ vẫn để chúng tôi bên ngoài cánh cửa", ông nói.
Ông Erdogan chỉ ra cuộc bầu cử tổng thống Pháp, trong đó lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen đã lên tiếng rằng sẽ đưa Pháp ra khỏi Liên minh châu Âu nếu thắng cử và cho biết "khối này đang trên đường tan vỡ, tan rã".
"Một hoặc hai quốc gia không thể giữ cho EU tồn tại. Bạn cần một đất nước như Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia khác tượng trưng cho một đức tin khác ... Nhưng các nước thành viên EU dường như không nhận ra sự thật này. Họ đang tiến tới sự tiếp cận khó khăn để tiếp nhận một đất nước Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ ", ông nói.
Sức nặng tại chiến trường Iraq và Syria
Châu Âu, theo như ông Erdogan cho biết, đã thất bại trong việc đánh giá vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc ngăn chặn dòng di chuyển của những người di cư từ các nước láng giềng Syria và Iraq qua biên giới và cho biết gánh nặng đã đổ xuống vai Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác trong khu vực bao gồm Lebanon và Jordan.
Cuộc nội chiến Syria đã giết chết 400.000 người và dấy lên làn sóng tị nạn của hàng triệu người và đặt sự yêu cầu phải có sự can dự của các cường quốc khu vực và toàn cầu trong khi đã tạo ra khoảng trống để nhóm Nhà nước Hồi giáo IS chiếm đoạt nhiều vùng lãnh thổ.
Sự can thiệp quân sự của Nga vào năm 2015 trong nhiệm vụ chống khủng bố tại chiến trường Syria đã giúp ông Assad cân bằng được lực lượng với lực lượng nổi dậy.
Thổ Nhĩ Kỳ là một phần của liên minh do Mỹ lãnh đạo chống lại IS ở Syria và Iraq nhưng vai trò của nước này đã trở nên phức tạp bởi sự hỗ trợ của Mỹ đối với lực lượng người Kurd YPG - được Thổ Nhĩ Kỳ xem như một phần mở rộng của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) nổi dậy tại phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Các máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ đã đánh bom các chiến binh người Kurd ở tỉnh Sinjar của miền bắc Iraq và ở đông bắc Syria vào ngày 25/4, trong một cuộc chiến dịch mở rộng chống lại các nhóm liên quan đến PKK.
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không để Sinjar trở thành một căn cứ của PKK và sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự tại đó và tại miền bắc Syria "cho đến khi tên khủng bố cuối cùng được loại bỏ", Erdogan nói.
Ông Erdogan cũng khẳng định sẽ không có giải pháp cho cuộc xung đột Syria, trong khi Tổng thống Bashar al-Assad còn nắm giữ quyền lực, và cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nói với ông rằng ông ấy không cam kết cá nhân với nhà lãnh đạo Syria.
"Assad không phải là nơi gửi gắm cho một giải pháp tương lai về Syria," ông Erdogan nói, lên tiếng thất vọng vì sự thất bại của công đồng quốc tế trong việc buộc nhà lãnh đạo Syria rời đi.
"Ông ấy (Assad) đã tấn công người của ông ấy bằng xe tăng, với khẩu pháo, bằng bom chùm, bằng vũ khí hoá học, bằng máy bay chiến đấu. Anh có nghĩ ông ấy có thể là một tâm điểm cho một giải pháp không?"
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã ám chỉ đến sự ủng hộ của Nga đối với Tổng thống Syria đang giảm đi. Ông Erdogan cho biết ông Putin đã nói với ông ấy rằng: 'Erdogan, đừng hiểu lầm tôi. Tôi không phải là người bênh vực cho Assad, tôi không phải là luật sư của ông ta".
(Theo Reuters)