• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thổ Nhĩ Kỳ- "Mùa Xuân Arập" mới?

Thế giới 11/06/2013 00:49

(Toquoc)-Làn sóng biểu tình chống sự độc đoán của Thủ tướng Erdogan có nguy cơ thành một điểm mới của "Mùa Xuân Arập".

(Toquoc)-Từ một đám lửa nhỏ, sự phản đối của người dân về quy hoạch công viên Gezi, đã bùng lên thành những đám cháy lớn, làn sóng giận dữ của công chúng trước chủ nghĩa độc đoán của Thủ tướng Erdogan và Đảng Công lý và Phát triển (AKP) ngày càng mạnh mẽ.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bước sang ngày thứ 11 liên tiếp nhưng vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Trước làn sóng bạo động leo thang, Thủ tướng Tayyip Erdogan cuối tuần qua đã triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp để tìm ra các biện pháp tháo gỡ tình hình bế tắc chính trị hiện nay cũng như có những động thái thể hiện sự nhượng bộ, kêu gọi chấm dứt các hoạt động biểu tình rộng khắp đất nước trong nhiều ngày qua.

Ngày 9/6, ông Erdogan đưa ra cảnh báo với những người chống chính phủ rằng, sự nhân nhượng của ông chỉ “có giới hạn” và đe dọa sẽ mạnh tay với các cuộc biểu tình - một động thái mà theo giới quan sát có thể khiến gia tăng căng thẳng và những bất ổn trong nước.

Bất chấp những cảnh báo từ Thủ tướng Erdogan, ngày 10/6, tại thủ đô Ankara, các cuộc đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và những người biểu tình vẫn tiếp diễn gay gắt. Cảnh sát đã phải sử dụng tới vòi rồng, hơi cay và đạn khói để trấn áp những người biểu tình ném đá vào lực lượng an ninh.

Cho đến nay, các cuộc biểu tình đã lan ra 67 thị trấn và thành phố cho dù khởi nguồn của nó là sự phản đối chỉ liên quan đến một khu dân cư nhỏ ở Istanbul. Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát cũng đã có đổ máu, 3 người chết và hơn 5.000 người bị thương cùng hàng ngàn người khác bị bắt giữ.

Từ “đám cháy nhỏ”

Tình trạng bất ổn ở Thổ Nhĩ Kỳ bùng phát kể từ khi cảnh sát dùng vũ lực đàn áp một nhóm nhỏ những người biểu tình yêu cầu chính phủ không được phá hủy công viên cây xanh Gezi gần Quảng trường Taksim ở Istanbul để xây dựng trung tâm thương mại. Cuộc biểu tình sau đó đã leo thang, biến thành các cuộc tuần hành rộng khắp trên cả nước phản đối Thủ tướng Erdogan và AKP có nền tảng Hồi giáo của ông. AKP đang ngày càng bị coi là độc đoán.



Quảng trường Taksim ngày 8/6

Biểu tình bạo lực ngày càng lan rộng bất chấp việc Phó Thủ tướng Bulent Arinc ngày 4/6 xin lỗi về việc cảnh sát nước này sử dụng vũ lực quá mức cần thiết khi trấn áp làn sóng người biểu tình mấy ngày qua. Ông Arinc thừa nhận, việc sử dụng vũ lực để chống lại những người đấu tranh vì môi trường là sai trái và bất công.

Cuối tuần qua, Thị trưởng thành phố Istanbul cũng tuyên bố sẵn sàng xem xét lại dự án phá bỏ công viên Gezi, và bỏ hẳn dự định xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn hay nhà ở, tuy nhiên đưa ra giả thiết sẽ xây dựng tại đây “một bảo tàng của thành phố” hay “một trung tâm triển lãm”. Tòa án hành chính Istanbul đã ra phán quyết dừng dự án xây dựng lại trại lính tại công viên này. Nhưng những người biểu tình yêu cầu chính quyền đưa ra xét xử các chỉ huy cảnh sát, chịu trách nhiệm về các đàn áp, trả tự do cho những người bị bắt và hủy bỏ hoàn toàn dự án tại công viên Gezi.

Đến sự bất mãn của xã hội…

Nhiều nhà phân tích cho rằng, mặc dù khởi nguồn từ biểu tình hòa bình vì môi trường, song thực chất, các cuộc biểu tình kéo dài những ngày qua tại Thổ Nhĩ Kỳ đang mang "một màu sắc chính trị". Điều này thể hiện một phần sự bất mãn lâu nay của người dân Thổ Nhĩ Kỳ trước các quyết sách của Chính phủ do AKP cầm quyền trong suốt 10 năm qua, khiến cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa có những bứt phá. Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, không ít những phần tử cực đoan đang đứng đằng sau các cuộc biểu tình vừa qua khiến cho tình hình trở nên khó kiểm soát hơn.

Yếu tố châm ngòi là một quyết định xây dựng độc tài và sợi chỉ dệt nên xã hội Thổ Nhĩ Kỳ đang chia rẽ ở các mối nối. Điều khiến các nhà phân tích đau đầu là không ai biết được sức mạnh tổng hợp của sự tức giận bị dồn nén lâu nay cộng với mối bất bình mới sẽ đi đến đâu.

Phải thừa nhận rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang bị phân cực gay gắt. Quốc gia nằm giữa hai châu lục Á và Âu này chưa bao giờ có sự gắn bó xã hội ở mức độ cao. Việc xây dựng nhà nước tập trung vào một ý đồ của cựu Tổng thống Kemal Ataturk đã chuẩn bị cho những chia rẽ ý thức hệ và sắc tộc. Hiện nay, điều này đang được nhận thấy rõ.

Kể từ khi đảng Hồi giáo AKP lên nắm quyền, căng thẳng xã hội đã nổi lên. Không khó để chứng kiến sự giận dữ ra mặt của những người Thổ Nhĩ Kỳ thế tục trong các cuộc trò chuyện. Đặc biệt, tầng lớp thượng lưu thành thị “oán giận” và không tin tưởng vào sự điều hành đất nước của AKP. Tầng lớp này cho rằng sự tiến bộ của Thổ Nhĩ Kỳ đang bị các chính sách tôn giáo của AKP làm xói mòn.

AKP tất nhiên không làm cho tất cả người dân Thổ Nhĩ Kỳ đều tức giận. Bằng chứng là đảng này liên tục gặt hái thành công chính trị, nhận được số phiếu bầu ngày càng tăng trong các cuộc bầu cử. AKP đã thông qua một số chính sách xã hội được những người ở tầng lớp trung lưu và thấp hơn ủng hộ. Những người này cũng ngưỡng mộ thành quả phát triển kinh tế to lớn mà Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được trong thập kỷ qua dưới sự lãnh đạo của AKP. Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường mới cho các nhà đầu tư nước ngoài trong khi đầu tư nước ngoài của Thổ Nhĩ Kỳ tại châu Phi và Trung Đông đang ở mức cao nhất. Phạm vi ảnh hưởng địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỹ đang được mở rộng thông qua vai trò quan trọng hơn trong các diễn đàn quản trị khu vực và quốc tế.

Chính mức độ thành công về kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ đã khuyến khích AKP mạo hiểm hơn trong thực hiện chính sách bảo thủ và triển khai các chiến lược địa chính trị. Thổ Nhĩ Kỳ đã có tiếng nói cứng rắn đối chế độ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria; thúc đẩy vấn đề độc lập của người Kurd; thông qua lập trường ủng hộ Palestine mạnh mẽ bất chấp các thỏa thuận quân sự và chiến lược hàng thập kỷ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ do các chính phủ tiền nhiệm ký kết. Việc đảng cầm quyền hiện có ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế đã làm cho người Thổ Nhĩ Kỳ tự hào. Tuy nhiên, AKP đang dựa vào thành công đó để áp đặt tuân thủ lớn hơn đối với tập tục xã hội bảo thủ trong nước, điều khiến nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng và tức giận.

Và sự choáng váng của các nước hậu “mùa Xuân Arập”

Không những thế, những cuộc biểu tình phản đối đang làm rung chuyển các thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ còn khiến cho cả thế giới Arập choáng váng, gây hoang mang lo sợ cho các nhà lãnh đạo Hồi giáo, những người lâu nay vẫn ca ngợi Thổ Nhĩ Kỳ là mô hình Hồi giáo chính trị thành công.

Tuynidi và Ai Cập - nơi các cuộc nổi dậy chưa từng có tiền lệ nổ ra hồi năm 2011, dẫn đến sự sụp đổ của các nhà lãnh đạo độc tài lâu năm và đưa những người Hồi giáo lên tuyến đầu của đời sống chính trị - đã không ngừng ca ngợi Thổ Nhĩ Kỳ là một tấm gương sáng về dân chủ Hồi giáo ôn hòa. Đảng Hồi giáo Ennahda, đã giành thẳng lợi trong các cuộc bầu cử hậu cách mạng ở Tuynidi, đã công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với "mô hình Thổ Nhĩ Kỳ", còn Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi - trong bài phát biểu trước đại hội của AKP hồi tháng 9/2012 - đã tán dương đảng của ông Erdogan là "nguồn khơi gợi cảm hứng".

Tuy nhiên, cả hai quốc gia Arập này đang phải chứng kiến tình trạng phân cực hóa ngày càng tăng giữa những người Hồi giáo và những người theo đường lối thế tục, trong đó những người Hồi giáo nắm quyền bị cáo buộc là không thực hiện đúng những cam kết đảm bảo nhân quyền và tự do. Tại Ai Cập, nhiều người đang so sánh các biểu tình chống AKP ở Thổ Nhĩ Kỳ với các cuộc biểu tình rầm rộ được dự kiến diễn ra ngày 30/6 tới chống Tổng thống Morsi của Ai Cập nhân kỷ niệm 1 năm ông lên nắm quyền. Tuy nhiên, ông Basbous cho rằng các cuộc biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ đang được coi như lời nhắc nhở những người theo chủ nghĩa tự do và thế tục trong thế giới Arập rằng trong các cuộc nổi dậy năm 2011, họ "đóng vai trò là đầu máy dẫn tới sự thay đổi". Mặc dù vậy, theo ông Basbous, sẽ không có sự thay đổi trên thực tế bởi phe đối lập thế tục tại các nước từng trải qua "Mùa xuân Arập vẫn yếu và được tổ chức lỏng lẻo".

Tại Tuynidi, nhà phân tích chính trị Sami Brahem nói: "Hiện có những nỗ lực nhằm 'xuất khẩu' những gì đang diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ sang Tuynidi. Nó có thể không gây ra một làn sóng biểu tình lớn, nhưng tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một sự ủng hộ nào đó về mặt tinh thần cho những người thế tục". Một số nhà phân tích khác coi các cuộc biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ là một phần của sự bất mãn rộng khắp khu vực đối với Hồi giáo chính trị, bất chấp những khác biệt lớn về bối cảnh.

Hơn hai năm sau khi nổ ra các cuộc nổi dậy, Ai Cập và Tuynidi đang phải vật lộn với các cuộc khủng hoảng kinh tế, và theo một số nhà phân tích, chính các nền kinh tế ốm yếu chứ không phải ý thức hệ sẽ chi phối các phong trào biểu tình mới.

Sẽ chưa có một "Mùa xuân Arập" ở Thổ Nhĩ Kỳ nhưng các cuộc biểu tình cho thấy sự bất bình âm ỉ lâu nay đối với các chính sách xã hội bảo thủ của AKP đã đạt đến “điểm sôi”. Một “mùa Xuân Arập” chưa ập đến Thổ Nhĩ Kỳ nhưng không thể phủ nhận đất nước này sẽ trải qua một mùa Hè kéo dài với những bất ổn, bạo lực./.

Mai Linh 

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ