• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thổ Nhĩ Kỳ-Syria: Dấu hiệu "tan băng" dần lộ diện, điều khó khăn nhất sắp được giải quyết?

Thế giới 29/08/2022 20:39

(Tổ Quốc) - Thời gian gần đây, sau hơn một thập kỷ lạnh nhạt, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang tìm cách mở lại các kênh liên lạc ngoại giao, tiến tới bình thường hoá quan hệ giữa hai nước.

Ankara và Damascus đang tích cực chuẩn bị cho các cuộc đàm phán, cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng, thậm chí khả năng dàn xếp một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R. Erdogan và Tổng thống Syria B. Al-Assad đang được đặt ra. Trong khi đó Nga và Iran đang tích cực đưa hai bên xích lại gần nhau. Mặc dù có nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang xuất hiện nhiều dấu hiệu tan băng.

Những dấu hiệu tan băng trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Syria

Ngày 23/8/2022, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố không có điều kiện tiên quyết để bắt đầu đối thoại với Syria. Ông tiết lộ, tháng 10/2021, ông đã gặp người đồng cấp Syria Faisal Mekdad bên lề hội nghị thượng đỉnh các nước phong trào Không liên kết (NAM) nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập được tổ chức tại Thủ đô Belgrade của Serbia. Ông nói: "Chúng ta phải tiến hành hòa giải giữa phe đối lập và chế độ Syria theo một cách nào đó, nếu không thì sẽ không có hòa bình lâu dài. Phải có một chính quyền mạnh mẽ để ngăn chặn sự chia cắt Syria và việc kiểm soát toàn bộ lãnh thổ của Syria chỉ có thể thực hiện được thông qua sự thống nhất.”

Hiện nay, các quan chức hai nước đang thảo luận về khả năng tổ chức một cuộc điện đàm giữa Tổng thống R. Erdogan và Tổng thống B. Al-Assad. Các nguồn tin cho biết, một cuộc gặp trực tiếp giữa hai nhà lãnh có thể được thu xếp bên lề "Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải - SCO” dự kiến được tổ chức tại thành phố Samarkand, Uzbekistan vào tháng 9 tới. Cuộc gặp này nếu xảy ra sẽ là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai nguyên thủ quốc gia kể từ năm 2011. Mặc dù Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ M.Cavusoglu phủ nhận tin này, nhưng ông khẳng định Ankara sẵn sàng đối thoại với Damascus mà không cần điều kiện tiên quyết.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Haber Global của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Mevlut Cavusoglu tuyên bố, Ankara sẵn sàng hỗ trợ Tổng thống B. Al-Assad nếu ông đồng ý chống lại các nhóm bán quân sự của người Kurd ở Đông-Bắc Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ-Syria: Dấu hiệu "tan băng" dần lộ diện, điều khó khăn nhất sắp được giải quyết? - Ảnh 1.

Tổng thống R. Erdogan cũng đã tỏ ra mềm dẻo hơn khi mới đây ông tuyên bố: “Mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria không phải là đánh bại chế độ B. Al-Assad mà là chống lại chủ nghĩa khủng bố. Ankara không có tham vọng đối với lãnh thổ Syria và không thể tiếp tục mãi sự ghẻ lạnh giữa hai nước. Những bước tiến của Thổ Nhĩ Kỳ trong quan hệ với Syria sẽ góp phần làm thất bại nhiều âm mưu nhằm vào khu vực và thế giới Hồi giáo.” 

Ông nhấn mạnh rằng, ngoại giao không bao giờ có thể bị cắt đứt hoàn toàn và đối thoại với chế độ Syria phải "đạt được mục tiêu nâng các mối quan hệ với chế độ này lên mức cao nhất."

Đáng lưu ý, gần đây Giám đốc Tổ chức Tình báo Quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ (MIT) Hakan Fidan và người đứng đầu Cục An ninh Quốc gia Syria, Thiếu tướng Ali Mamluk đã có cuộc gặp gỡ trực tiếp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria bằng chính trị và chống lại sự chiếm đóng của Mỹ ở một số khu vực Đông-Bắc Syria. 

Đối với Ankara, đây là vấn đề về an ninh biên giới phía nam của họ, thì đối với Damascus, đó là vấn đề chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ ở Đông - Bắc, nơi tập trung các nguồn tài nguyên thiên nhiên chính của Syria.

Đặc biệt, theo đề nghị của Nga và Iran tại hội nghị thượng đỉnh Putin-Raisi-Erdogan tại Tehran tháng 7/2022, và cuộc gặp giữa Tổng thống V. Putin và R. Erdogan tại Sochi đầu tháng 8/2022 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý rút lại kế hoạch tấn công chống lại người Kurd ở Đông-Bắc Syria.

Động cơ Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi chính sách đối với Syria

Vấn đề an ninh là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu đối với sự ổn định của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dù mạnh đến đâu cũng không thể kiểm soát được biên giới dài 911 km nếu không phối hợp với chính quyền Syria. Kể từ năm 2016 đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện bốn chiến dịch quân sự lớn vào sâu trong lãnh thổ Syria, nhưng vẫn không đè bẹp được các lực lượng dân quân của người Kurd.

Các chiến dịch quân sự này không những đã không đạt được các mục tiêu an ninh và ổn định của Thổ Nhĩ Kỳ mà quân Thổ Nhĩ Kỳ lại trở thành mục tiêu tấn công của các đơn vị vũ trang người Kurd. Ankara lo ngại về việc hình thành một thực thể độc lập của người Kurd ở Đông-Bắc Syria và trong tương lai có thể mở rộng tới khu vực Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ-Syria: Dấu hiệu "tan băng" dần lộ diện, điều khó khăn nhất sắp được giải quyết? - Ảnh 2.

Việc tái thiết Syria sẽ cần nguồn lực từ nhiều bên.

Ngay khi bùng nổ cuộc khủng hoảng Syria năm 2011, Ankara đã ủng hộ việc lật đổ chế độ B. Al- Assad bằng cách trang bị vũ khí và cung cấp tài chính cho phe đối lập. Tuy nhiên, việc Nga can thiệp vào cuộc chiến năm 2015 đã làm thay đổi cục diện trên chiến trường có lợi cho chính quyền của Tổng thống B. Al-Assad. Đồng thời, việc các nước Ả Rập nối lại quan hệ với Syria và phương Tây ngừng ủng hộ phe đối lập, buộc Ankara phải tìm cách tiếp cận mới với Damascus. 

Các nhà phân tích chính trị cho rằng, các thay đổi nhanh chóng đang diễn ra ở cấp độ khu vực và quốc tế đã thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện bước đi này. Sự xuất hiện một trật tự thế giới mới sau đại dịch Covid-19 và “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ không thể đứng ngoài những thay đổi này. Việc hoà giải với Syria là nằm trong kế hoạch của Tổng thống R. Erdogan điều chỉnh chính sách đối với các nước khu vực. Sau nhiều năm thù địch, Ankara gần đây đã thực hiện các bước đi trong việc bình thường hoá quan hệ với Israel, Ai Cập, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)...

Không thể bỏ qua yếu tố nội tại của trong sự thay đổi này. Trước hết là áp lực kinh tế mà Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt do hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19, các lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây, chi phí cho việc duy trì sự có mặt quân sự ở Syria, cuộc chiến Ukraine và gánh nặng của người tị nạn Syria. Theo Financial Times, chi phí cho lực lượng quân sự Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria lên tới khoảng 2 tỷ USD/năm và ít nhất 40 tỷ USD đã chi cho 3,6 triệu người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ trong một thập kỷ qua.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngày càng có nhiều tiếng nói của các quan chức chính phủ, các đảng phái chính trị cũng như dư luận xã hội kêu gọi nối lại quan hệ với chế độ B. Al-Assad. Việc thay đổi chính sách đối với Syria là vì lợi ích của đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Tổng thống R. Erdogan nhằm tranh thủ lá phiếu của cử tri trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến được tổ chức vào tháng 6/2023. 

Thổ Nhĩ Kỳ-Syria: Dấu hiệu "tan băng" dần lộ diện, điều khó khăn nhất sắp được giải quyết? - Ảnh 3.

Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước tới nay. Đồng Lỉra mất giá nghiêm trọng lên đến 45%, giá cả tăng vọt, thất nghiệp tràn lan, lạm phát lên mức kỷ lục 80%. Tình hình này ảnh hưởng tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế và đời sống của người dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc khủng hoảng Syria đang đi vào hồi kết. Nhiều nước đang tìm kiếm cơ hội tham gia vào công cuộc tái thiết Syria. Thổ Nhĩ Kỳ có chung đường biên giới với Syria, có  năng lực kỹ thuật và công nghệ cao, lao động, tiền vốn và kinh nghiệm, không thể đứng ngoài. Trong sáu tháng đầu năm nay trao đổi thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tăng mạnh, xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Syria đạt khoảng 1,85 tỷ USD, trong khi nhập khẩu lên tới 663 triệu USD. Bình thường hoá sẽ mở ra triển vọng hợp tác to lớn trong nhiều lĩnh vực hai bên cùng có lợi.

Các điều kiện bình thường hoá của Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Mặc dù không đặt điều kiện tiên quyết, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra những mối quan tâm và lợi ích mà họ không thể từ bỏ. Ưu tiên hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ là Syria phải thanh lọc tất cả các phần tử người Kurd thuộc Đảng Công nhân Kurdistan (PKK), các đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) đang hoạt động trên lãnh thổ của mình, loại bỏ hoàn toàn các mối đe dọa khủng bố trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, hoàn thành tiến trình hợp nhất chính trị và quân sự giữa phe đối lập và chính phủ, hồi hương an toàn người tị nạn hiện đang sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ về nước, trở lại thực hiện các thoả thuận Geneva, soạn thảo hiến pháp dân chủ, tổ chức bầu cử tự do và thả ngay các tù nhân chính trị.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Syria Faisal Mikdad cho biết, Syria cũng không đặt điều kiện tiên quyết để bắt đầu đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Damascus đã đưa ra các điều kiện, coi đó là “lằn ranh đỏ” không thể vượt qua để bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, trong đó quan trọng nhất là Ankara phải rút quân khỏi Syria, chấm dứt ủng hộ các tổ chức đối lập mà Syria coi là "khủng bố" và ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Syria. Ông nhấn mạnh, đây là những nguyên tắc, những bước đầu tiên hướng tới việc đưa mối quan hệ giữa hai nước trở về thời kỳ trước chiến tranh. 

Ngoài ra, chính quyền Syria đòi Thổ Nhĩ Kỳ trao trả lại quyền kiểm soát cho Syria đối với tỉnh Idlib, các cửa khẩu biên giới và con đường thương mại quốc tế M4, đồng thời Thổ Nhĩ Kỳ không được tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với các doanh nhân Syria, ủng hộ Syria trở lại Liên đoàn Ả Rập (AL), Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (ICO) và các tổ chức quốc tế khác, cùng nhau hợp tác chống khủng bố.

Có nhiều dấu hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện hướng tới hoà giải giữa hai địch thủ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Tuy nhiên, hiện nay hãy còn quá sớm để nói về sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng. Những bất đồng, những cuộc đối đầu trực tiếp, gián tiếp và tất cả những gì xảy ra trong 11 năm qua chỉ có thể giải quyết được nếu cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đều có thiện chí trong đàm phán để đi đến thoả hiệp vì lợi ích chung của hai nước, vì hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực Trung Đông. 

Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ