(Tổ Quốc) - Những "Thợ săn Virus" có nhiệm vụ tìm ra mầm bệnh bí ẩn đến từ đâu, lây truyền như thế nào và làm cách nào để ngăn chặn chúng.
Vài ngày trước, cuộc gặp gỡ giữa viện sĩ Chung Nam Sơn và nhà virus học người Mỹ Walter Lan Lipkin đã tạo ra làn sóng thảo luận sôi nổi. Ngoài việc quan tâm đến sự tiến triển của dịch virus COVID-19, thuật ngữ "Thợ săn Virus" đã "lọt" vào tầm mắt của công chúng.
Nhóm người này phải đối mặt với nhiệm vụ gần như bất khả thi: Trong tình huống không biết trước, họ phải tìm ra mầm bệnh bí ẩn đến từ đâu, lây truyền như thế nào và làm cách nào để ngăn chặn chúng. Những "Thợ săn Virus" cần phải bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo và dùng kiến thức chuyên nghiệp nhất để theo dõi virus.
Không thể phủ nhận nghề nghiệp này đã góp phần lớn trong công tác phòng ngừa và điều trị các bệnh do virus trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trước những nguy cơ tiềm ẩn, cách duy nhất họ có thể tự bảo vệ bản thân chỉ có thể là khoác lên người những trang phục bảo hộ sinh hóa.
Bài viết này sẽ giới thiệu 3 trong số những "Thợ săn Virus" hàng đầu thế giới, giúp chúng ta hiểu sâu hơn những khổ cực đằng sau nghề nghiệp này.
Walter Lan Lipkin
Walter Lan Lipkin là một trong những "Thợ săn Virus" nổi tiếng nhất thế giới. Trong suốt cuộc đời của mình, ông đã phát hiện và kiểm định hơn 800 loại virus liên quan đến các bệnh ở người, động vật hoang dã hoặc động vật nuôi trong nhà.
Đầu năm 1999, một số người dân sống tại quận Queens, thành phố New York, Mỹ đã nhiễm virus không rõ danh tính. Ban đầu, bệnh nhân sẽ phát sốt, đau đầu, ho, tay chân mệt mỏi và nhiều triệu chứng tương tự cúm thông thường. Nhưng sau đó, họ sẽ gặp phải những bất thường ở nhiều mức độ khác nhau như đau mắt, đau đầu, đau cơ, phát ban, sưng hạch bạch huyết,...
Những ngày tiếp theo, bệnh nhân sẽ tiếp tục xuất hiện những triệu chứng liên quan thần kinh như cứng cổ, chuột rút, thần trí khác lạ, hôn mê. Trong vòng 1 tuần, hệ thống thần kinh của một số người sẽ bị ảnh hưởng không thể phục hồi. Nghiêm trọng hơn là có thể dẫn đến tử vong. Ngày càng nhiều người mắc căn bệnh lạ và trường hợp này đã thu hút sự chú ý của Walter Lan Lipkin.
Ông và nhóm của mình đã quan sát mô não của bệnh nhân dưới kính hiển vi và nhiều thiết bị khác. Virus gây bệnh này hóa ra là Virus Tây sông Nile. Đây là virus cùng họ với virus gây viêm não Nhật Bản, được đặt tên theo tên gọi nơi đầu tiên nó xuất hiện. Phát hiện này khiến Walter Lan Lipkin nổi tiếng trong ngành y.
Khi đại dịch SARS bùng phát toàn cầu, Walter Lan Lipkin được đề nghị tham gia Ủy ban Quốc phòng Mỹ và đưa ra các khuyến nghị về phòng ngừa và kiểm soát bệnh truyền nhiễm. Hiện tại, một lần nữa ông tham gia cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan của 1 virus nguy hiểm mới: COVID-19.
Peter Piot
Mỗi khi chúng ta nghĩ rằng kỹ thuật y tế hiện tại đã rất phát triển, thì những cuộc tấn công từ các bệnh truyền nhiễm càng tấn công dữ dội hơn. Trong nhiều năm gần đây, virus Ebola là một ví dụ điển hình nhất. Và "Thợ săn Virus" Peter Piot là người đã phát hiện ra loại virus này.
Năm 1976, khi hầu hết người dân tin rằng bệnh truyền nhiễm chỉ còn trong quá khứ thì các quan chức y tế bắt đầu lo lắng về một căn bệnh mới. Peter Piot khi đó mới 27 tuổi, đã nhận được nhiệm vụ xác định một loại virus chưa ai biết đến. Đó là virus Ebola với tỷ lệ tử vong gần 90%, gần như không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, ông không biết những gì mình đang đối mặt.
Kinh nghiệm của Peter với virus Ebola chỉ là phần nổi của sự nghiệp phòng chống bệnh truyền nhiễm trường kỳ của Peter Piot.
Ab Osterhaus
Ngoài việc phải đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn, những "Thợ săn Virus" còn phải chịu nhiều tranh cãi trong quá trình theo dõi một loại virus nào đó.
Ab Osterhaus, trưởng khoa virus học thuộc Trung tâm Y tế Erasmus (Hà Lan), là một trong những nhà khoa học đầu tiên trên thế giới tìm ra thủ phạm đằng sau đại dịch SARS. Nhưng ông lại bị các nhóm bảo vệ động vật lên án vì hành vi thực hiện thí nghiệm trên loài khỉ.
Để tìm kiếm loại virus gây ra SARS, ông đã mạnh dạn thử nghiệm trực tiếp với loài khỉ (Macaca) và việc này đã được pháp luật Hà Lan chấp nhận nhưng phải hoàn thành thủ tục mất ít nhất 2 đến 3 tháng. Do đó, Ab Osterhaus đã chỉ đạo nhóm của mình tiếp tục thí nghiệm trên khỉ dưới áp lực của các tổ chức bảo vệ động vật.
Loạt thí nghiệm này đã hoàn thành chỉ trong 3 tuần và ít ngày sau đó, WHO chính thức tuyên bố thủ phạm gây ra SARS chính là virus Corona.
Tuy nhiên, đóng góp của Ab Osterhaus với y học thế giới cũng không ngăn được "cơn giận" từ các tổ chức bảo vệ động vật. Đối mặt với hàng loạt sự chỉ trích, Ab Osterhaus chỉ nói: "Vào thời điểm đó, nguyên nhân gây ra bệnh SARS chưa được xác định, không ít người bệnh đã tử vong. Nếu không dùng đến vượn và khỉ thì muốn tìm ra nguyên nhân đằng sau căn bệnh chết người sẽ mất rất nhiều thời gian".
Trên thực tế, trong suốt cuộc đời nghiên cứu về virus của Ab Osterhaus, ông đã bị buộc tội rất nhiều lần nhưng ông không hề thấy nặng nề vì điều đó, bởi ông tự hào về công việc mình đang theo đuổi.
Cho đến nay, Ab Osterhaus đã tìm thấy 12 loại virus mới chưa từng thấy trước đây, trong số đó có virus Corona gây ra SARS, virus hMPV gây viêm phổi ở người và một vài virus gây bệnh cho gia cầm và động vật khác.
Ngoài 3 "Thợ săn Virus" nổi tiếng này còn rất nhiều thợ săn khác trên khắp thế giới đang âm thầm "chiến đấu". Họ tự nguyện lao đến tuyến đầu ở vùng bùng phát dịch bệnh và đối đầu với những"kẻ thù" mà chúng ta chưa từng gặp trước đây.
Nguồn: Zhihu