(Tổ Quốc) - Ngừng áp thuế hàng hoá Trung Quốc, cho phép Huawei mua sản phẩm từ Mỹ là hai nội dung chính trong thoả thuận mới đạt được giữa hai nhà lãnh đạo Trung, Mỹ.
Sau cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình hôm thứ bảy (29/6) bên lề Thượng đỉnh G20, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một hiệp định đình chiến thương mại, theo đó, Washington đồng ý dừng áp dụng mức thuế mới lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, và giảm bớt lệnh giới hạn các công ty Mỹ bán sản phẩm cho tập đoàn công nghệ Huawei.
Hai nhà lãnh đạo cũng thống nhất sẽ khôi phục lại các cuộc đàm phán thương mại song phương. Đổi lại, Trung Quốc sẽ mua số lượng lớn hàng hóa từ Mỹ để giảm thâm hụt thương mại.
Động thái liên quan tới Huawei được đánh giá là gây bất ngờ nhất. Các công ty Mỹ giờ đây có thể giao thương với gã khổng lồ Trung Quốc chừng nào các hoạt động của họ không gây ra nguy cơ cho an ninh quốc gia Mỹ. Nhưng các sản phẩm của Huawei vẫn bị cấm bán tại thị trường Mỹ.
Tổng thống Trump cho hay, quyết định có đưa Huawei ra khỏi danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ hay không sẽ được bàn tính sau.
"Chúng tôi để dành Huawei đến phút cuối cùng", ông Trump nói. "Chúng ta sẽ xem hiệp định thương mại sẽ đi tới đâu".
Một vấn đề nóng khác ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ-Trung trong thời gian vừa qua nhưng lại không được hai nhà lãnh đạo thảo luận tới tại Nhật Bản, là vụ bà Sabrina Mạnh Vãn Châu – giám đốc tài chính Huawei bị bắt giữ tại Canada vì các cáo buộc lừa đảo ngân hàng, gián điệp và vi phạm trừng phạt của Mỹ dành cho Iran...
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc tại thượng đỉnh G20 diễn ra ở Osaka, Nhật Bản (ảnh: SCMP)
"Nếu phía Mỹ có thể làm được như họ nói, tất nhiên chúng tôi sẽ rất vui mừng", Wang Xiaolong, đặc phái viên đặc biệt về các vấn đề G20 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói. "Huawei là một công ty tư nhân và có công nghệ hàng đầu thế giới. Cho dù đầu tư, phát triển hoặc vận hành ở đâu, Huawei sẽ giúp phát triển ngành công nghiệp viễn thông địa phương và lệnh cấm [của chính quyền Mỹ] chỉ tạo ra một kịch bản các bên đều thất bại".
Ông Wang nhấn mạnh, thỏa thuận ngừng chiến tranh thương mại sẽ có lợi cho kinh tế thế giới. "Không kỳ lạ khi Trung Quốc và Mỹ, một nền kinh tế phát triển và một đất nước đang phát triển, có sự khác biệt. Nhưng lợi ích chung của hai nước nhiều hơn so với các khác biệt", quan chức Trung Quốc chỉ ra. "Chúng tôi đều muốn kinh tế thế giới tăng trưởng ổn định và bền vững và có một môi trường mở, công bằng, dựa trên luật pháp cho phát triển kinh tế".
Ngoài ra, ông cũng cho hay, hai nhà lãnh đạo đã đạt được sự đồng thuận về cải tổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong khi vẫn giữ lại các "giá trị cốt lõi và nguyên tắc cơ bản".
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Trump nhấn mạnh, Trung Quốc và Mỹ nên trở thành "các đối tác chiến lược", thay vì "đối thủ chiến lược". "Tôi nghĩ chúng ta sẽ trở thành các đối tác chiến lược. Chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau", người đứng đầu nước Mỹ nói.
Cũng tại đây, ông Trump khẳng định, Washington hiểu rõ những mối quan ngại của Bắc Kinh về Đài Loan và cam kết tiếp tục chính sách "một Trung Quốc". Trong khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc sẵn lòng đóng vai trò xây dựng, nhằm hỗ trợ những nỗ lực của ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để giữ cho đối thoại Mỹ-Triều tiếp tục.
Vấn đề bà Mạnh Vãn Châu không được hai ông Trump, Tập đề cập tới (ảnh: getty)
Theo Claire Reade, một cựu quan chức thương mại phụ trách Trung Quốc dưới thời Tổng thống Barack Obama, Bắc Kinh đang đối mặt nhiều thách thức kinh tế và sẽ có lợi nếu xung đột với Mỹ "nguội bớt".
"Ngoài ra, cuộc chiến thương mại không chỉ tạo nên nỗi đau kinh tế và thách thức năng lực của ông Tập trong việc chứng tỏ mình có thể kiểm soát mối quan hệ Trung-Mỹ," bà Reade nhận xét. "Mỹ luôn nhấn mạnh các vấn đề mà chính sách công nghiệp Trung Quốc đem lại cho hệ thống thương mại toàn cầu. Điều đó cũng khiến Trung Quốc phải hứng chịu các chỉ trích từ đối tác thương mại khác, khiến các thách thức tầm thế giới của Trung Quốc bị mở rộng".
"Có thể nói, rõ ràng Mỹ đang tỏ ra hoài nghi hơn trước những mục tiêu của Trung Quốc trong hệ thống quốc tế và sẽ tiếp tục thực hiện những bước đi chủ động để bảo vệ mình trước những thông lệ của Trung Quốc mà họ coi là gây nguy hiểm, ngay cả khi hai bên đạt được một thoả thuận", bà dự đoán. "Về phần mình, Trung Quốc cũng không tin tưởng vào ý định của Mỹ, vì vậy, ngay cả một thỏa thuận đình chiến cũng sẽ không đưa chúng ta quay về những ngày lạc quan, khi các cải cách kinh tế của Trung Quốc giống như dấu hiệu của sự hội tụ kinh tế".
Con Myron Brilliant, Phó giám đốc điều hành phụ trách các vấn đề quốc tế tại Phòng Thương mại Mỹ đánh giá, các cuộc đàm phán mới nhất giữa Bắc Kinh và Washington mang ý nghĩa tích cực.
"Chúng tôi kỳ vọng mỗi bên giờ đây đã chuẩn bị cho quãng đường cuối cùng, để có thể đạt được hiệp định toàn diện, có thể thực thi được và có tiêu chuẩn cao hơn. Trung Quốc phải cam kết với giải quyết các quy định thương mại phi công bằng đã tồn tài lâu dài, cũng như các chính sách công nghiệp ngăn cản một sân chơi công bằng cho các công ty Mỹ", ông bày tỏ. "Mở cửa thị trường, gia tăng bảo hộ trí tuệ và thúc đẩy cơ hội công bằng, có đi có lại trong thương mại – đem lại lợi ích cho chính Trung Quốc khi họ xây dựng một nền kinh tế cải tổ và có sức mạnh hơn. Nếu Trung Quốc thực hiện các cam kết cần thiết, chính quyền Mỹ nên triển khai các bước để dỡ bỏ thuế, đang gây tổn hại cho các nhà sản xuất, nông dân và người tiêu dùng Mỹ".