(Tổ Quốc) - Một hiệp định hợp tác sẽ đưa Iran vào một vị thế vững chắc trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, cũng như hứa hẹn sẽ mang đến những thay đổi trong tính toán chiến lược khu vực.
Trong những tuần gần đây, Iran và Trung Quốc dần nêu ra các chi tiết về một thỏa thuận hợp tác tiềm tàng có nhiều ý nghĩa trong một phần tư thế kỷ tiếp theo và vạch ra một tương lai tách rời với Mỹ.
Tín hiệu từ thỏa thuận Trung Quốc - Iran
Theo các điều khoản của một dự thảo mà tờ Asia Times tiếp cận được, Trung Quốc sẽ đầu tư hàng chục tỷ USD vào Iran như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng. Thỏa thuận 25 năm này bao gồm các khía cạnh kinh tế, an ninh và quân sự.
Một thỏa thuận như vậy đặc biệt quan trọng đối với ngành năng lượng đang gặp khó khăn của Iran, vốn đang rất cần đầu tư lớn để cải tổ lại. Ngành công nghiệp dầu mỏ của nước này cần tới 150 tỷ USD để hiện đại hóa các giếng dầu, nhà máy lọc dầu và cơ sở hạ tầng khác.
Các cuộc đàm phán đang diễn ra, ngay cả khi chính quyền Donald Trump tiếp tục hy vọng vào sự hiệu quả của việc bóp nghẹt kinh tế của Iran bằng chiến lược gây áp lực tối đa đơn phương cũng như trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nếu được quốc hội Iran thông qua, kế hoạch trên có thể làm mất thể diện của chính quyền Trump – luôn theo đuổi sự cô lập kinh tế đối với Iran trong cộng đồng quốc tế. Đúng như dự đoán, tin tức về thỏa thuận Trung Quốc - Iran đã dấy lên một điệp khúc lên án ở phương Tây.
Một số tiếng nói chỉ trích Iran thì cho rằng kế hoạch này là một minh chứng cho khả năng của Trung Quốc trong việc đưa Iran tiến vào quỹ đạo của họ cũng như cho rằng có 1 số điều khoản về lâu về dài có hại cho Iran.
Nếu Trung Quốc thực hiện một khoản đầu tư dài hạn khổng lồ vào Iran, rất có khả năng Bắc Kinh sẽ tiếp quản cảng Chahbahar chiến lược của Iran – lối ra của Iran vào Ấn Độ Dương.
Cảng này đang được hưởng miễn trừ trừng phạt của Mỹ đối với Iran, điều được coi là một cái gật đầu cho tham vọng của Ấn Độ đối với cảng. Theo quan điểm của Tehran, New Delhi đã bỏ qua cơ hội đó bằng cách đứng về phía Mỹ khi áp đặt các lệnh trừng phạt dầu mỏ và không đầu tư đầy đủ vào cảng này.
Thỏa thuận Iran-Trung Quốc mới đang cho thấy những tính toán chiến lược mới của 2 nước này trong môi trường quốc tế hiện nay, khi các quy tắc và nguyên tắc quốc tế đã bị xói mòn phần lớn bởi chính sách đơn phương của chính quyền Trump đối với Iran và Bắc Kinh.
Liên minh thế lực các siêu cường Trung Đông
Dần dần nhưng chắc chắn, một liên kết của Trung Quốc, Iran và nước láng giềng Pakistan đang hình thành. Liên minh này cũng có thể bao gồm Afghanistan và theo thời gian dự kiến sẽ có thêm Iraq và Syria, một đối trọng chiến lược đối với Washington và New Delhi.
Một thỏa thuận bổ sung mới giữa Iran và Syria, được Tổng thống Bashar al-Assad hoan nghênh, cho thấy ý định của Iran trong việc duy trì một chỗ đứng chiến lược tại Syria, nơi vừa là cửa ngõ vào Lebanon và thế giới Ả Rập và vừa là động thái răn đe Israel.
Tehran hiểu được bản thân họ là một thế lực chủ chốt tại Tây Á và Trung Đông và có thể sẽ đáp trả các thủ phạm đằng sau các cuộc tấn công gần đây vào cơ sở hạt nhân Natanz và tổ hợp quân sự Parchin vào thời điểm và địa điểm họ chọn.
Một thỏa thuận cuối cùng giữa Trung Quốc và Iran sẽ là một chiến thắng cùng có lợi phục vụ lợi ích quốc gia của cả hai bên.
Đối với các lệnh trừng phạt và đại dịch đang ảnh hưởng đến Iran, thỏa thuận này sẽ là những bước tiến quan trọng giúp nước này tồn tại về mặt kinh tế trong thời điểm khó khăn, khi các địa điểm quân sự và hạt nhân của Iran bị nhắm mục tiêu.
Theo một nhà khoa học chính trị tại Tehran muốn giấu tên, "mục đích của các cuộc tấn công này vào Iran có thể liên quan đến đồn đoán rằng chính quyền Trump sẵn sàng ký một thỏa thuận với Iran trong vài tháng tới trước cuộc bầu cử tháng 11".
Chính phủ ôn hòa của Tổng thống Hassan Rouhani, sắp bước vào thời kỳ chông chênh trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2021, khiến họ ngày càng ít có khả năng tiến hành bất kỳ sáng kiến chính sách đối ngoại lớn nào.
Một số nhà phân tích ở Iran cho rằng vẫn còn một cơ hội hẹp cho một thỏa thuận mới của Tehran - Washington, một phần có thể là để đối trọng với thỏa thuận Tehran - Bắc Kinh. Với vị thế là một cường quốc khu vực, thỏa thuận với Trung Quốc phản ảnh cách tiếp cận "hướng Đông mới" của Iran dưới áp lực của Washington. Điều này cũng diễn ra khi hàng loạt vụ hỏa hoạn và phá hoại đáng ngờ gần đây tại cơ sở hạt nhân Natanz và tổ hợp quân sự Parchin sẽ thúc đẩy những người cứng rắn ở Iran, vốn đã không lạc quan về sự thay đổi chính sách của Mỹ.
Những người này cũng đang thấy việc Trung Quốc kiên quyết bảo vệ Iran tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc như một minh chứng cho độ tin cậy của Bắc Kinh. Những người cứng rắn ở Iran cũng nhận thức được năng lực của nước này trong việc tham gia BRI của Trung Quốc, không chỉ vì thị trường Iran 80 triệu dân mà cả vùng đất Á-Âu rộng lớn hơn bao gồm 4,6 tỷ người.