(Tổ Quốc)- Theo SCMP, việc rút khỏi INF sẽ cho phép Mỹ tự do triển khai các tên lửa trên đất liền bất cứ nơi nào họ muốn, tuy nhiên, sẽ kéo theo việc Nga, Trung Quốc cũng đồng thời phát triển tên lửa.
Quyết định của Tổng thống Donald Trump rút khỏi một hiệp ước vũ khí hạt nhân với Nga có vẻ như là một đòn giáng tập trung vào Moscow, nhưng các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc là mục tiêu bị ảnh hưởng tiềm tàng hơn.
Mục tiêu Trung Quốc?
Mỹ đang tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc ở Thái Bình Dương khi Trung Quốc có một loạt các tên lửa và chúng không hề bị che giấu
nhà khoa học chính trị Iran Kaveh Afrasiabi
Fu Mengzi, phó giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc tại Bắc Kinh, nói rằng kế hoạch của ông Trump trong việc rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) là dấu hiệu cho thấy Washington đang chuẩn bị cho một cuộc chiến chiến lược dài hạn với Bắc Kinh.
"Sau khi rời khỏi INF, Mỹ dự kiến sẽ thúc đẩy với một vòng mới phát triển và triển khai quân sự," ông Fu nói.
Bên cạnh những bất ổn từ một cuộc chiến thương mại nóng bỏng, căng thẳng quân sự giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang gia tăng đều đặn, trong đó có vấn đề Biển Đông. Trong khi Bắc Kinh tăng cường bồi đắp và quân sự hóa nhiều hòn đảo nhân tạo tại khu vực tranh chấp chủ quyền với nhiều quốc gia khác, Mỹ cũng gia tăng các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở khu vực này.
Bằng cách xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân thời kỳ Chiến tranh Lạnh quan trọng, ông Trump đang làm mất ổn định an ninh toàn cầu, thậm chí mục tiêu cuối cùng của ông ấy có thể là thương lượng một 'thỏa thuận tốt hơn' và bao gồm các bên khác như Trung Quốc, các chuyên gia địa chính trị nói với RT.
Việc Mỹ rút khỏi INF kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm. (Nguồn ảnh minh họa:PLA Daily)
"Mỹ đang tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang với Trung Quốc ở Thái Bình Dương khi Trung Quốc có một loạt các tên lửa và chúng không hề bị che giấu" - nhà khoa học chính trị Iran Kaveh Afrasiabi nói với RT. Ông cũng cho rằng tuyên bố của Tổng thống Donald Trump (rút khỏi INF) là "một động thái lớn đẩy thế giới-pv) về kỷ nguyên chiến tranh Lạnh".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm Chủ Nhật đã không trả lời yêu cầu bình luận về quyết định của Hoa Kỳ rời khỏi INF.
Trước đó, ông Trump cho biết hôm thứ Bảy rằng, ông dự định đưa Mỹ rời khỏi INF vì Nga đã không tôn trọng thỏa thuận, được ký kết vào năm 1986 bởi Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev.
Hiệp ước này yêu cầu dỡ bỏ tất cả các tên lửa hạt nhân và thông thường trên mặt đất, và các bệ phóng của chúng, với tầm bay ngắn (500-1,000km) và tầm trung (1.000-5.500km).
Theo SCMP, tuy nhiên, Trung Quốc không phải là bên ký kết INF và đã có thể phát triển các tên lửa đạn đạo của mình mà không bị hạn chế. Các tên lửa dòng DF và HN của Trung Quốc có tầm bay lên tới 15.000km, đặt toàn bộ nước Mỹ vào tầm bắn.
Kích hoạt chạy đua vũ trang
Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, cho biết quyết định của ông Trump có thể sẽ là chất xúc tác cho cả Nga và Trung Quốc trong việc đẩy nhanh các chương trình phát triển vũ khí của họ.
"Trung Quốc có khả năng phản ứng với việc Mỹ rút khỏi INF bằng cách sử dụng điều này như là cái cớ cho việc xây dựng quân đội của riêng mình," ông nói.
Trong khi quyết định rút khỏi INF của Washington có thể có một chút bất ngờ nhưng trên thực tế, hiệp ước này đã có dấu hiệu "rã rời" trong khoảng một thập kỷ.
Năm 2008, các quan chức Mỹ tuyên bố Nga đã khởi động thử nghiệm tên lửa hành trình. Tiếp theo, trong năm 2014, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong báo cáo hàng năm về tuân thủ các thỏa thuận kiểm soát vũ khí quốc tế rằng, Moscow đã vi phạm INF bằng cách sản xuất và tiến hành phóng thử nghiệm tên lửa hành trình từ mặt đất có tầm bay từ 500km đến 5.500km. Nga bác bỏ các cáo buộc vi phạm thỏa thuận.
Liu Weidong, một chuyên gia về quan hệ Mỹ từ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng động thái của ông Trump sẽ giúp quân đội Mỹ tự do hơn trong việc phát triển và triển khai vũ khí thông thường và hạt nhân.
"Theo nghĩa rộng hơn, điều đó không chỉ gây nguy hiểm cho sự an toàn của Nga hay Trung Quốc, mà là cả thế giới," ông nói.
Một bài viết được tờ The New York Times đăng tải hôm thứ Bảy nói rằng, khi rời bỏ hiệp ước này, Washington có khả năng triển khai một phiên bản tên lửa hành trình Tomahawk đã được thiết kế lại để có thể được phóng từ đất liền. Trước đó, tàu và tàu ngầm là các phương tiện mang theo tên lửa Tomahawks với đầu đạn thông thường. Tuy nhiên, với những cải tiến mới, các chuyên gia cho biết đầu đạn hạt nhân cũng có thể được trang bị cho loại tên lửa này.
Beatrice Fihn, giám đốc điều hành của Chiến dịch xóa bỏ vũ khí hạt nhân quốc tế, được trao giải Nobel Hòa bình năm 2017, cho biết, "bằng cách thổi bay các hiệp ước hạt nhân, ông ấy (Tổng thống Trump) đang đẩy Hoa Kỳ đi vào một con đường tốn hàng nghìn tỷ đô la cho một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới".