• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thời tiết Nhật Bản bất thường, phá kỷ lục: Chuyên gia dùng 4 từ để miêu tả

Thế giới 11/08/2022 12:00

(Tổ Quốc) - Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng thời tiết cực đoan. Thậm chí các chuyên gia của nước này phải tìm kiếm một thuật ngữ mới để gọi tên hiện tượng, gọi là kokushobi.

Vào tháng 6 vừa qua, 37% các trạm quan sát của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản đã báo cáo về mức nhiệt cao kỷ lục. Cũng trong tháng này, có tới 15.657 người phải nhập viện vì say nắng hoặc kiệt sức vì nóng. Con số này gấp đôi so với mức cao kỷ lục cách đây hơn một thập kỷ trước.

Ngoài ra, nhiệt độ trung bình vào cuối tháng 7 tại khu vực ngoại ô của Tokyo thường ở mức 29 độ C, nhưng nay lại tăng thêm hơn 12 độ C.

Mới đây, vào ngày 9/8, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên Hợp Quốc chi biết, tháng 7/2022 được ghi nhận là một trong những tháng 7 nóng nhất, với mức nhiệt tăng 0,4 độ C so với mức trung bình được ghi nhận từ năm 1991 – 2020. Trong mùa hè này, tại châu Âu xảy ra những đợt nắng nóng và hạn hán. Theo các chuyên gia, những đợt nắng nóng xảy ra với mức độ thường xuyên hơn cho thấy chỉ dấu rõ ràng hơn về tình trạng ấm lên toàn cầu.

Thời tiết Nhật Bản bất thường, phá kỷ lục: Chuyên gia dùng 4 từ để miêu tả - Ảnh 1.

Máy phun sương được lắp đặt tại thành phố Tokyo. Nhật Bản vừa ghi nhận mức nhiệt kỷ lục trong mùa hè này. Ảnh: Kyodo

Ngày 8/8 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng nắng nóng trên cả nước trong tuần tới. Dự báo nhiệt độ sẽ trên 36 độ C và có độ ẩm tăng cao. Đáng chú ý là cả hai yếu tố trên đều cao hơn mức trung bình của cùng thời điểm trong năm.

Do đó, các chuyên gia lên tiếng kêu gọi người dân cần duy trì việc uống đủ nước, đề phòng say nắng, đồng thời chú ý tới những người hàng xóm cao tuổi.

Ngoài ra, giới chức nước này còn khuyến cáo người dân không nên cố gắng chịu cái nóng khắc nghiệt nhằm tiết kiệm tiền trong bối cảnh chi phí về năng lượng đang ngày càng tăng cao. Thay vào đó, người dân nên điều chỉnh điều hòa nhiệt độ ở chế độ mát và ngồi trực tiếp ở dưới luồng gió mát.

Thuật ngữ mới xuất hiện

Với nhiệt độ toàn cầu tăng cao trong mùa hè này, các chuyên gia thời tiết ở Nhật Bản đang tiến hành đề xuất các thuật ngữ phân loại mới để mô tả chính xác hơn về cường độ của các hiện tượng. Cụ thể, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản hiện phân loại ngày nào có nhiệt độ trên 35 độ C là moshobi, có nghĩa là "ngày nóng khủng khiếp". Trong khi đó, ngày nào có nhiệt độ ban đêm trên 25 độ C là nettaiya, nghĩa là "đêm nhiệt đới".

Thế nhưng thực tế những thuật ngữ này không còn phản ánh một cách đầy đủ về tình hình khi Nhật Bản vừa trải qua tháng 6 với nhiệt độ cao kỷ lục kể từ năm 1875. Cụ thể, các vùng ở tỉnh Gunma ghi nhận nhiệt độ lên tới 40,2 độ C. Tháng 6 vừa qua cũng chính là lần đầu tiên Nhật Bản có ngày vượt quá mức nhiệt 40 độ C.

Thời tiết Nhật Bản bất thường, phá kỷ lục: Chuyên gia dùng 4 từ để miêu tả - Ảnh 2.

Trong tháng 6 vừa qua, Nhật Bản ghi nhận có ngày vượt ngưỡng 40 độ C. Ảnh: AP

Sau khi tiến hành thăm dò ý kiến của 130 chuyên gia và nhà dự báo thời tiết, Hiệp hội Thời tiết Nhật Bản vừa đề xuất về ngưỡng nhiệt khắc nghiệt hơn. Theo đó, các chuyên gia ch rằng, nhiệt độ trên 40 độ C sẽ gọi là kokushobi, có nghĩa là nắng nóng thảm khốc. Trong khi đó, đêm có mức nhiệt không dưới 30 độ c được mô tả là chounettaiya, nghĩa là đêm siêu nhiệt đới.

Theo Hiệp hội Thời tiết Nhật Bản, những đề xuất thay thế sẽ bao gồm thuật ngữ chẳng hạn như "những ngày như thiêu đốt", "những ngày nóng như đổ lửa", và "những đêm nóng bỏng như nước sôi".

Nhà dự báo thời tiết Kimiko Naraoka của Nippon Television cho biết: "Nhiệt độ chạm ngưỡng 40 độ C là điều chưa từng xảy ra trước đây. Nhưng hiện nay hiện tượng này không còn là chuyện lạ nữa. Điều cần thiết bây giờ là cần phải tiến hành thông báo cho mọi người rằng mọi thứ không chỉ dừng lại ở một ngày cực kỳ nóng".

Bà Kimiko Naraoka cho biết thêm, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều ngày nóng bức như vậy trong tương lai và điều này sẽ khiến mọi người khó chìm vào giấc ngủ. Tuy nhiên, vị chuyên gia này vẫn hy vọng rằng mọi người sẽ không cần phải dùng các thuật ngữ này một cách quá thường xuyên.

Trong khi đó, ông Takeshi Tendachi, thành viên của Hiệp hội Thời tiết Nhật Bản, đồng thời là nhà dự báo thời tiết ở Fuji TV, thừa nhận rằng, nhiệt độ đang tăng cao ở trên thế giới được coi là vấn đề nghiêm trọng đáng lo ngại.

Vị chuyên gia nhấn mạnh rằng, đợt nắng nóng kỷ lục tại châu Âu vào mùa hè năm nay là vấn đề không của riêng ai. Do đó, chúng ta nên đối phó với nhiệt độ tăng cao ở mức thảm họa trong tương lai như thế nào? Đồng thời làm sao để chúng ta có thể tránh cho người già bị sốc nhiệt, ngay cả khi đã ở trong nhà vào ban đêm?

"Tôi thấy rất lo lắng. Điều quan trọng là chúng ta phải cảnh báo về mối nguy cho mọi người", ông Takeshi Tendachi chia sẻ.

Chớ xem thường! Kỷ lục có thể bị phá vỡ

Thời tiết Nhật Bản bất thường, phá kỷ lục: Chuyên gia dùng 4 từ để miêu tả - Ảnh 3.

Giới chức Nhật Bản cảnh báo về tình trạng nắng nóng. Ảnh: Kyodo

Theo Hiệp hội Thời tiết Nhật Bản, kể từ năm 1875, quốc gia này chỉ chứng kiến 67 lần nhiệt độ vượt quá ngưỡng 40 độ C. Thế nhưng, trong vòng 125 năm đầu, chỉ 8 lần ghi nhận về mức nhiệt kỷ lục này. Điều này có nghĩa là từ năm 2000 trở đi, Nhật Bản ngày càng ghi nhận một cách thường xuyên về mức nhiệt trên 40 độ C.

Đặc biệt, tốc độ tăng nhiệt cũng được ghi nhận là gia tăng. Cụ thể, kể từ năm 2018, có tới 40 báo cáo vượt mức 40 độ C. Trong đó, vào năm 2018, mức nhiệt cao nhất ở Nhật Bản được ghi nhận ở tỉnh Saitama khi có khu vực lên tới 41,1 độ C.

Gần đây nhất, vào năm 2021, tại tỉnh Shizuoka, thuộc phía tây nam Tokyo, cũng trải qua mức nhiệt tương tự. Tuy nhiên, Hiệp hội Thời tiết Nhật Bản cảnh báo rằng kỷ lục trên có thể bị phá vỡ vào bất cứ lúc nào.

Trên thực tế, nhu cầu về sử dụng điện ở Nhật Bản đã tăng ở mức cao kỷ lục trong mùa hè năm nay. Cụ thể, có tới 52.700 megawatt tiêu thụ trong một ngày vào cuối tháng 6. Con số này vượt xa so với kỷ lục năm 2018 là 47.300 megawatt.

Trước tình trạng nhu cầu điện tăng cao, Chính phủ Nhật Bản đang tiến hành nỗ lực đưa một số lò phản ứng hạt nhân hoạt động trở lại để giải quyết bài toán này.

Bài viết tham khảo nguồn: SCMP, WMO, Bloomberg, Financial Times

Minh Hằng

NỔI BẬT TRANG CHỦ