• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Thời tôi còn công tác, có tình trạng doanh nghiệp “sân sau” nhưng vụ nào báo chí nêu quyết liệt thì mới làm, còn giấu được thì cứ giấu”

Thời sự 19/11/2018 08:04

(Tổ Quốc) - Bà Lê Thị Thu Ba – nguyên Thứ tưởng Bộ Tư Pháp, Đại biểu Quốc hội khóa IX, X và XII, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ chia sẻ như vậy với Báo Điện tử Tổ Quốc.

“Thời tôi còn công tác, có tình trạng doanh nghiệp “sân sau” nhưng vụ nào báo chí nêu quyết liệt thì mới làm, còn giấu được thì cứ giấu” - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Thu Ba – nguyên Thứ tưởng Bộ Tư Pháp, Đại biểu Quốc hội khóa IX, X và XII, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ (Nguồn: Đất Việt)

-Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay. Bên cạnh "tham nhũng vặt" thì các vụ tham nhũng lớn dưới hình thức "nhóm lợi ích", doanh nghiệp "sân sau", "công ty gia đình"… đang dần bộc lộ, cần được nhận diện, đánh giá để có giải pháp phòng, chống tương xứng -  Bà nhận định như thế nào về tình trạng này?

+ Nhận định của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội là có cơ sở. Thực tiễn hiện nay như chúng ta đã biết, những vụ Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng ...thì vụ nào cũng có "sân sau". Ở địa phương cũng nhiều vụ có doanh nghiệp "sân sau".

"Thời tôi còn công tác, có tình trạng doanh nghiệp "sân sau" nhưng công tác chống tham nhũng chưa mạnh như bây giờ. Những vụ án thường làm giữa chừng, chỉ "đánh" cái "nổi" còn cái "chìm" thì không ai điều tra, làm rõ"

Bà Lê Thị Thu Ba – nguyên Thứ tưởng Bộ Tư Pháp, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ

Vấn đề này bắt nguồn từ những người làm quản lý, họ có quyền lợi quá lớn nên lập doanh nghiệp sân sau cho người thân, gia đình mình làm, không thì lại uổng phí... Đó là sự biến chất của họ.

Đã làm quản lý thì không nên tham. Đây họ thấy điều kiện thuận lợi quá nên đã phạm vào. Chuyện này trong thực tế có nhiều.

Thời tôi còn công tác, những vụ việc doanh nghiệp "sân sau" cũng có nhưng có điều hồi đó công tác chống tham nhũng chưa mạnh mẽ như bây giờ. Những vụ án thường làm giữa chừng, chỉ "đánh" cái "nổi" thôi còn những cái "chìm" thì không ai điều tra, làm rõ. Chỉ những vụ nào báo chí nêu quyết liệt thì mới làm, còn giấu được thì cứ giấu. Mãi đến sau này, cơ quan điều tra mới làm triệt để.

-Là người làm trong ngành tư pháp, bà thấy có nhiều vụ việc như vậy không? Những vụ việc như vậy có dễ phát hiện không hay mình cố tình lờ đi? Hay là do cơ chế, luật pháp có lỗ hổng?

+Các vụ tham nhũng dưới hình thức "nhóm lợi ích", doanh nghiệp "sân sau", "công ty gia đình" không chỉ xảy ra ở Trung ương mà cả địa phương. Tình trạng này phải bây giờ mới có mà có từ lâu rồi. Chỉ năm nào làm mạnh thì "lòi" ra. 

Ví như ở Đà Nẵng, vừa qua nếu không làm mạnh thì sẽ hạ cánh an toàn hết. Vụ Bán đảo Sơn Trà dậy sóng nhưng rồi cũng im ắng hết, mãi vừa rồi mới làm quyết liệt thì ra vấn đề... Nói như vậy để thấy rằng mới chỉ một địa phương thôi và còn nhiều địa phương như vậy.

Tôi cho rằng, vấn đề ở đây là yếu tố con người chứ không phải pháp luật. Tại sao có những vụ việc lại phát hiện được trong khi còn những vụ việc khác lại không? Thì đây rõ ràng là yếu tố con người.

Người lãnh đạo là người đứng đầu mà không trong sáng, không kiên quyết thì những vụ vi phạm thường là chìm xuồng, vì lính bên dưới họ cũng không dám múa rìu qua mắt thợ, không dám tố giác.

Người lãnh đạo thì phải trong sáng, mẫu mực thì mới xử lý được người khác. Vụ này, vụ kia "anh" rất bầy hầy, không "sạch sẽ" thì rõ ràng làm sao mà xử lý được người khác. Nếu anh xử người khác thì người ta sẽ lôi tội của "anh" ra. Do vậy, tâm lý "dễ người dễ ta, chung sống hoà bình" hoặc tôi không đụng tới anh thì anh không đụng tới tôi... là có, và cứ như vậy đến khi nghỉ hưu.

Người dân thấp cổ bé họng dù biết vụ này vụ kia có vấn đề nhưng họ không có chứng cứ.

Tâm lý dễ người dễ ta, chung sống hoà bình hoặc tôi không đụng tới anh thì anh không đụng tới tôi... là có, và cứ như vậy đến khi nghỉ hưu".

Bà Lê Thị Thu Ba – nguyên Thứ trưởng Bộ Tư Pháp, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ

Trước đây cứ nói người dân tố cáo thì phải có chứng cứ nhưng họ biết lấy đâu ra, họ chỉ biết phát hiện việc đó như vậy thì họ tố cáo thôi, còn việc kiểm tra, điều tra là của cơ quan chức năng...

-Thời điểm bà còn công tác và là lãnh đạo, có khi nào bà bức xúc về tình trạng này?

+ Thời tôi làm có vụ Vinashin. Sau khi Bộ Chính trị kết luận chỉ xử lý Vinashin thôi còn Chính phủ thì không ai bị xử lý. Lúc đó có báo cáo thẩm tra tôi không đồng ý và bên Chính phủ rất giận tôi, vì cho rằng tại sao Bộ Chính trị đã kết luận rồi mà tôi còn nêu vấn đề đó lại.

Tuy nhiên sau này vụ Vinashin đã được xét xử lại giai đoạn hai vì kết luận như vậy là không thoả đáng.

- Công cuộc phòng chống tham nhũng đang được thực hiện quyết liệt, những ai vi phạm đều đã và đang dần được xử lý. Tuy nhiên, bà có cho rằng, tham nhũng vẫn đang là vấn nạn?

+Tôi thấy rất hoan nghênh vì công cuộc phòng chống tham nhũng đang được đẩy mạnh quyết liệt. Tuy nhiên, tình trạng này tại địa phương vẫn chưa chuyển biến, không những thế họ còn hoạt động khéo léo hơn.

Ví như vụ Petroland là điển hình. Tại sao Tổng Giám đốc trước đó lại bán căn hộ một cách rẻ mạt với ưu đãi về phí dịch vụ, trong đó một số hợp đồng được miễn phí luôn tiền điện, chỗ đậu xe... dẫn đến Petroland thua lỗ nặng? Ở đây đặt ra câu hỏi về lý do nào đó nếu không phải là bán cho người quen thân, người mang lại lợi ích cho mình? Cái này điều tra rồi sẽ rõ.

Vì thế, tôi cho rằng, tình trạng tham nhũng lớn dưới hình thức "nhóm lợi ích", doanh nghiệp "sân sau" vẫn còn.

-Xin cảm ơn bà vì những chia sẻ! 

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ