(Tổ Quốc) - Sự phục hồi mạnh mẽ sức mạnh quân sự và chính trị của Nga, sự trỗi dậy của kinh tế, công nghệ và quân sự của Trung Quốc đang vén màn một trật tự thế giới mới.
Sau khi Liên Xô tan rã, chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất, phát động các cuộc tấn công xâm lược Iraq, Afghanistan, Nam Tư, mở rộng NATO về phía Đông... Nay, quyền lực của Mỹ bắt đầu suy giảm buộc phải rút quân khỏi Iraq và Afghanistan, giảm bớt sự có mặt về quân sự ở khu vực Trung Đông.
Thông điệp mạnh mẽ của Nga và Trung Quốc
Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo đã không phát huy vai trò trong việc răn đe và ngăn cản cuộc chiến bùng nổ ở Ukraine, mà còn tránh tham gia đối đầu trực tiếp với Nga.
Mỹ và phương Tây chỉ dừng lại ở việc sử dụng các biện pháp trừng phạt Moscow về kinh tế, truyền thông, văn hoá, thể thao.... và ngay cả các biện pháp này cũng không phát huy được tác dụng mong muốn, mà còn tác động tiêu cực đến chính các nền kinh tế Châu Âu và Mỹ.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev tuyên bố: "Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vẫn sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được tất cả các mục tiêu do Tổng thống Vladimir Putin đề ra."
Chiến dịch của Nga đang làm thay đổi cán cân quyền lực trên thế giới. Trong những năm gần đây, là người kế thừa Liên bang Xô Viết, nước Nga đã khôi phục lại được sức mạnh của mình như một cường quốc thế giới, Trung Quốc trỗi dậy thách thức vai trò của Mỹ. Trong tình hình như vậy, Mỹ và phương Tây đã nỗ lực làm suy yếu hai nước này thông qua các biện pháp trừng phạt và đe doạ vũ lực. Tuy nhiên, chính các biện pháp trừng phạt này đã đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn.
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) được tổ chức tại Samarkand ngày 15-16/9/2022 vừa qua, đã diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ song phương, nhưng quan trọng nhất là cuộc gặp giữa Tổng thống Nga V. Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hai nhà lãnh đạo tuyên bố sẽ hợp tác với nhau để thiết lập một trật tự thế giới đa cực dựa trên luật pháp quốc tế và vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc. Tuyên bố này là thông điệp mạnh mẽ nhất gửi tới Mỹ và phương Tây.
Về kinh tế, mới đây, Nga và Trung Quốc đã thoả thuận xây dựng đường ống dẫn khí Siberia-2 dự kiến hoàn thành năm 2024. Dự án này giai đoạn đầu sẽ cung cấp cho Trung Quốc 50 tỷ m3/năm, sẽ nâng công suất lên 61 tỷ m3 vào năm 2025 và trong tương lai sẽ tăng thêm 21 tỷ m3/ năm. Như vậy, đường ống này hoàn toàn có thể thay thế cho đường ống Nord Stream-2 cung cấp khí đốt cho thị trường châu Âu ngừng hoạt động từ 2/9/2022 do các lệnh trừng phạt Nga.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Nga đã tăng 31,4% so với cùng kỳ năm ngoái, từ tháng 1 đến tháng 8/2022 đạt 117,2 tỷ USD. Nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga trong giai đoạn này đã tăng 50,7% lên 72,95 tỷ USD. Hai nước đặt mục tiêu tăng kim ngạch thương mại hai chiều lên 200 tỷ USD vào năm 2024.
Đứng bên cạnh Nga còn có cả Trung Quốc và Ấn Độ, các nước trong nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), các quốc gia Trung Đông và châu Phi.
Các trung tâm quyền lực mới đang hình thành
- Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO):
Có thể nói, Hội nghị thượng đỉnh SCO năm nay là một tập hợp lớn nhất của tổ chức này từ trước tới nay với sự tham gia của 15 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ không chỉ của các nước thành viên, mà còn cả các nước quan sát viên và đối tác đối thoại và 10 tổ chức quốc tế. SCO đang trở thành một tập hợp ngày càng hấp dẫn và đóng vai trò ngày càng lớn trên thế giới trong bối cảnh tình hình địa chính trị đang có nhiều thay đổi.
Diễn đàn có sự tham dự của người đứng đầu 15 quốc gia: thành viên của SCO - Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Pakistan, Nga, Tajikistan và Uzbekistan; ba quốc gia - quan sát viên trực thuộc tổ chức - Belarus, Iran và Mông Cổ, hai nước - đối tác đối thoại SCO - Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như lãnh đạo của Turkmenistan.
Các nước SCO có lãnh thổ rộng 34 triệu km2, chiếm 60% diện tích Á-Âu, 30% tổng thu nhập GDP toàn cầu. Về kinh tế, trong số các nước thành viên SCO, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai, Ấn Độ thứ ba, Nga thứ 11, Iran thứ 14 trên thế giới. Về quân sự, trong top 10 nước có sức mạnh quân sự mạnh nhất thế giới thì SCO có 4 nước gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan là những quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Những nước này không thể bị gạt ra ngoài các cuộc chơi và phải được đóng vai trò quan trọng trong một trật tự thế giới mới.
Việc Nga và Trung Quốc, hai cường quốc quân sự, kinh tế liên minh với nhau đã làm thay đổi cán cân so sánh lực lượng trên thế giới. Tại hội nghị này, Iran đã ký văn kiện chính thức gia nhập SCO, Belarus đệ đơn xin gia nhập, Ai Cập, Syria, Qatar ký biên bản ghi nhớ trở thành đối tác đối thoại, Bahrain, Kuwait, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Maldiver, Armenia bày tỏ mong muốn tham gia tổ chức này. SCO đang nổi lên là một tổ chức có ảnh hưởng và sức lan toả lớn, một trung tâm quyền lực mới thu hút sự tham gia đông đảo của nhiều nước.
- Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS):
Ngày 23/6/2022, Hội nghị thượng đỉnh nhóm nền kinh tế mới nổi BRICS đã tập hợp các nhà lãnh đạo cao nhất của Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các nước BRICS có tổng diện tích 39.746.220 km2 và tổng dân số ước tính khoảng 3,21 tỷ người, hay khoảng 26,7% diện tích đất và 41,5% dân số thế giới. Bốn trong số năm thành viên BRICS nằm trong số mười quốc gia lớn nhất thế giới tính theo dân số, diện tích và GDP.
Năm 2018, năm nước BRICS có GDP danh nghĩa tổng cộng là 19,6 nghìn tỷ USD, (23,2% tổng sản phẩm thế giới), GDP tính theo giá mua tương đương (PPP) khoảng 40,55 nghìn tỷ USD (32% GDP của thế giới theo PPP) và dự trữ ngoại hối ước tính 4,46 nghìn tỷ USD. Theo dự báo, đến năm 2030, tỷ trọng của nhóm BRICS trong thương mại toàn cầu sẽ đạt 37%, vượt quá con số của Mỹ và châu Âu cộng lại.
Các nước BRICS và SCO đã thoả thuận dùng đồng tiền địa phương trong các giao dịch thương mại để dần dần thoát khỏi sự thống trị của đồng đô la Mỹ. Nga và các đối tác BRICS đang nghiên cứu việc thiết lập các cơ chế đáng tin cậy, trong đó có việc sử dụng một loại tiền dự trữ quốc tế trên cơ sở rổ tiền tệ của các quốc gia BRICS và SCO, đồng thời mở rộng việc sử dụng hệ thống thanh toán Mir của Nga thay thế cho SWIFT.
- Chính sách hướng Đông của Nga:
Do bị Mỹ và châu Âu trừng phạt, Nga đã chuyển hướng quan hệ sang phía Đông bao gồm không chỉ các nước bạn bè truyền thống ở châu Á như Trung Quốc và ASEAN, mà còn các quốc gia Trung Đông, châu Phi. Châu Á, Trung Đông và châu Phi chiếm hơn một nửa dân số thế giới là thị trường hết sức rộng lớn.
Tháng 10/2019, hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần đầu tiên dưới khẩu hiệu "Vì Hòa bình, An ninh và Phát triển" đã được tổ chức tại Sochi - với sự tham dự của đại diện tất cả 54 nước châu Phi, trong đó có 43 nguyên thủ quốc gia và nhiều nhà lãnh đạo cao cấp khác - là một bước ngoặt trong chính sách châu Phi của Nga.
Tháng 7/2022, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thăm Ai Cập, Uganda, Ethiopia và Congo nhằm tăng cường quan hệ với các nước châu Phi. Ngày 21/7/2022, Tổng thống V. Putin đã ký sắc lệnh số 485 về việc chuẩn bị và tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ hai tại Liên bang Nga vào giữa năm 2023.
Tháng 6/2022, diễn đàn kinh tế St. Petersburg (SPIEF) được tổ chức với sự tham gia của đại diện từ 69 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn 500 diễn giả đã phát biểu tham luận tỏ mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Nga.
Đầu tháng 9/2022, diễn đàn kinh tế phương Đông (EEF-2022) được tổ chức tại thành phố Vladivostok. Hơn 7.000 người đại diện cho 68 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có khoảng 1.700 đại diện doanh nghiệp từ 700 công ty đã tham gia. Hàng chục hợp đồng kinh tế trị giá hàng chục tỷ USD đã được ký kết.
Vị thế và quyền lực của BRICS và SCO đang không ngừng tăng lên và ngày càng đóng vai trò quan trọng trên toàn cầu. Nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, SCO và BRICS trong tương lai sẽ trở thành nền tảng của một trật tự thế giới mới.
Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, một trong những Thủ tướng Anh thân cận nhất với Mỹ, mới đây phát biểu tại một diễn đàn ủng hộ liên minh Mỹ-Châu Âu ở Ditchley Park, London, đã nói: "Chúng ta đang chứng kiến sự kết thúc quyền bá chủ kinh tế và chính trị của phương Tây. Trật tự thế giới đơn cực đang đi vào hồi kết và một trật tự thế giới đa cực mới đang được hình thành. Thế giới đang ở trong một giai đoạn biến đổi lịch sử có thể được so sánh với sự kết thúc của Thế chiến thứ hai hoặc sự sụp đổ của Liên Xô. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, phương Đông đã trở thành một lực lượng có thể sánh ngang với phương Tây."