(Tổ Quốc) - Theo Reuters, đây là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Emmanuel Macron tới Trung Quốc kể từ năm 2019 và là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của bà von der Leyen kể từ khi nhậm chức Chủ tịch châu Âu cách đây hơn 3 năm.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 5-7/4. Trong chuyến thăm, Tổng thống Macron sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, và Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Triệu Lạc Tế.
Chuyến thăm của ông Macron đến Trung Quốc cũng nằm trong khung thời gian Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen thăm nước này từ ngày 5-7/4. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của bà kể từ khi trở thành Chủ tịch Ủy ban châu Âu hơn ba năm trước.
Duy trì đối thoại với Trung Quốc
Trong chuyến đi này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết châu Âu phải dừng lại việc cắt giảm quan hệ thương mại và ngoại giao với Trung Quốc. Ông Macron cho biết duy trì đối thoại với Trung Quốc là một chìa khóa quan trọng do nước này có mối quan hệ chặt chẽ với Nga.
Trước chuyến công du đầu tiên tới Trung Quốc kể từ năm 2019, ông Macron đã đối thoại với Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc viện tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hỗ trợ kết thúc cuộc xung đột tại Ukraine. "Mối quan tâm của Trung Quốc không phải là một cuộc xung đột kéo dài", nhà lãnh đạo Pháp nói.
Ông Macron thông tin với các phóng viên tại Đại sứ quán Pháp ở Bắc Kinh rằng: "Chúng tôi đã nghe thấy nhiều tiếng nói bày tỏ quan ngại sâu sắc về tương lai của mối quan hệ phương Tây và Trung Quốc. Nhiều người đang đi đến kết luận rằng một vòng xoáy căng thẳng gia tăng là không thể tránh khỏi. Hay một số người khác nói rằng việc phân tách với nền kinh tế Trung Quốc đang diễn ra. Tôi không đồng tình với kịch bản này".
Mối quan hệ của châu Âu với Trung Quốc đã bị giảm sút trong những năm gần đây, trước hết là do hiệp ước đầu tư vào năm 2021 bị đình trệ và sau đó là về phản ứng của Bắc Kinh đối với cuộc xung đột Ukraine.
Năm nay đánh dấu kỉ niệm 20 năm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - EU. Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh, sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung Quốc - EU là vì lợi ích chung của cả hai bên và có lợi cho hòa bình và ổn định thế giới.
Thúc đẩy vai trò hòa giải của Trung Quốc
Theo giới phân tích, chuyến thăm lần này của ông Macron và bà von der Leyen tới Trung Quốc nhằm mục đích thúc đẩy vai trò hòa giải của Trung Quốc trong cuộc chiến Nga-Ukraine, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế với Bắc Kinh, trong bối cảnh Trung Quốc đã mở cửa trở lại nền kinh tế sau nhiều năm thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Trong chuyến thăm lần này, ông Macron đã đi cùng một phái đoàn gồm 50 doanh nghiệp, bao gồm cả Airbus, công ty đang đàm phán một đơn đặt hàng máy bay lớn, gã khổng lồ bán hàng xa xỉ LVMH và nhà sản xuất năng lượng hạt nhân EDF.
Phát biểu khi công bố chính thức về chuyến thăm, ông Macron đã khẳng định sẽ cố gắng để thiết lập “mối quan hệ kinh tế cân bằng với Trung Quốc có lợi cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Pháp".
Chủ tịch Ursula von der Leyen cũng đã khẳng định rõ ràng: “Tôi tin rằng tách khỏi Trung Quốc vừa không khả thi, vừa không phù hợp với lợi ích của châu Âu."
Về cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine, cả ông Macron và bà von der Leyen đều cho biết họ muốn thuyết phục Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Nga để giải quyết căng thẳng kéo dài này.
Tại hội nghị G20 tháng 11/2022, Tổng thống Macron cũng đã kêu gọi Bắc Kinh đóng vai trò lớn hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Đầu năm nay, Trung Quốc đã đề xuất một kế hoạch hòa bình gồm 12 điểm cho cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó kêu gọi cả hai bên đồng ý giảm leo thang dần dần dẫn đến ngừng bắn toàn diện. Tuy nhiên, kế hoạch chưa nhận được sự ủng hộ của phương Tây.
Trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình tuần trước, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết ông đã thúc đẩy nhà lãnh đạo Trung Quốc đối thoại với giới lãnh đạo Ukraine và tìm hiểu về phương thức dẫn đến hòa bình.
Sau khi trở thành bên trung gian hòa giải cho căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia vào tháng trước, Trung Quốc cũng đang sẵn sàng thể hiện vai trò kiến tạo hòa bình và giúp tháo gỡ căng thẳng toàn cầu.
Trước đó, Fu Cong - người đứng đầu phái đoàn Trung Quốc tại EU - cho biết, "những chuyến thăm quan trọng này, trước hết, thể hiện các nước châu Âu và các tổ chức EU coi trọng quan hệ với Trung Quốc, coi Trung Quốc là một bên đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề toàn cầu".