(Tổ Quốc) - Có nhiều ý nghĩa quan trọng đằng sau chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam ngay sau Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 19.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3/11 cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đến thăm Việt Nam và Lào từ ngày 10-14/11.
Tại Đà Nẵng, trong hai ngày 10-11/11, Chủ tịch Tập sẽ tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 tại Đà Nẵng theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng sẽ phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC, tham dự Đối thoại Cấp cao không chính thức giữa APEC và ASEAN, và làm việc với các nhà lãnh đạo để thúc đẩy một môi trường thương mại và phát triển đầu tư cởi mở và hòa nhập trong khu vực.
Tiếp theo, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới Đà Nẵng tham dự APEC và tới Hà Nội thăm chính thức Việt Nam. (Nguồn: AP) |
Tín hiệu mới cho quan hệ Việt - Trung
"Việt - Trung trong lịch sử đã có mối quan hệ khá thăng trầm, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cả hai nước đều cần ổn định quan hệ với nhau để cùng phát triển". Ông Lê Văn Cương
Nhận định về ý nghĩa chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình tới Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sỹ - Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược của Bộ Công an cho hay, chuyến thăm này sẽ tạo một điều kiện rất lớn cho Việt Nam.
Trên thế giới hiện nay, vị trí thứ 2 sau Mỹ là Trung Quốc và có một điều đặc biệt là Trung Quốc là nước láng giềng của Việt Nam. Việt - Trung trong lịch sử đã có mối quan hệ khá thăng trầm, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cả hai nước đều cần ổn định quan hệ với nhau để cùng phát triển. Do đó, chuyến thăm lần này làm cho quan hệ Việt – Trung trước đây đã được khẳng định sẽ tiếp tục được củng cố vì lợi ích của cả Trung Quốc và Việt Nam.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Lê Văn Cương, việc Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự APEC và thăm chính thức Việt Nam ngay sau Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) cũng gửi đi một thông điệp. Mục đích phấn đấu của Trung Quốc, sau Đại hội 19 là muốn Việt Nam ủng hộ Trung Quốc thực hiện mục tiêu hoàn chỉnh xây dựng xã hội khá giả toàn diện thông qua việc ổn định quan hệ song phương. Vì vậy, đây là một chuyến đi có ý nghĩa đối với cả Trung Quốc và Việt Nam, góp phần thúc đẩy hòa bình ổn định khu vực.
Chia sẻ quan điểm trên, Thạc sỹ Ngoại giao Phạm Văn Quế, cố vấn cao cấp Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quốc tế cho hay, về khía cạnh song phương, chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam sau Đại hội 19 là động thái chứng tỏ Trung Quốc quan tâm và muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.
Trả lời các câu hỏi về chuyến thăm lần này, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, phía Việt Nam đánh giá rất cao việc Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định tham gia Tuần lễ cấp cao APEC và thăm chính thức Việt Nam.
"Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình là mốc son mới trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam –Trung Quốc và làm sâu sắc mối quan hệ này trong thời gian tới".
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn
Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và dẫn đầu về lượng khách du lịch tới Việt Nam. Còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Chuyến thăm lần này có ý nghĩa rất quan trọng để lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu trao đổi, xác định phương hướng, các biện pháp lớn nhằm tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy, mở rộng, nâng cao chất lượng các lĩnh vực hợp tác và cùng kiểm soát tốt các bất đồng, duy trì quan hệ, tiếp tục phát triển lành mạnh, bền vững vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng, chuyến thăm trên sẽ là mốc son mới trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam –Trung Quốc và làm sâu sắc mối quan hệ này trong thời gian tới.
Khẳng định xu thế không thể đảo ngược tại khu vực
Cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, cựu Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, Mexico, sở dĩ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 19 của Trung Quốc tổ chức sớm nửa tháng là để hoàn tất việc bầu chọn Ban Chấp hành mới mới và để Chủ tịch Tập Cận Bình đi tham dự APEC với tư cách là nhà lãnh đạo mới của đất nước. Và phải nói rằng, Việt Nam đang chuẩn bị đón một nhà lãnh đạo Trung Quốc có vị thế trong nước và quốc tế rất mạnh.
"APEC là một khuôn khổ tập hợp lực lượng khu vực quan trọng đối với Trung Quốc – một diễn đàn, một sân chơi của Trung Quốc. Do đó, là nước tổ chức APEC 2017, Việt Nam có thể khai thác cơ hội này để thúc đẩy quan hệ hợp tác với Trung Quốc cùng nhiều nước đối tác khác".
Ông Nguyễn Ngọc Trường
Cũng trong Đại hội Đảng 19, Trung Quốc đã vạch ra lộ trình phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, xây dựng quân đội và thực hiện Giấc mơ Trung Quốc – đưa nước này trở thành cường quốc châu Á, cường quốc thế giới.
Trong bối cảnh này, việc Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự APEC đã cho thấy APEC là một khuôn khổ tập hợp lực lượng khu vực quan trọng đối với Trung Quốc – một diễn đàn, một sân chơi của Trung Quốc. Do đó, là nước tổ chức APEC 2017, Việt Nam có thể khai thác cơ hội này để thúc đẩy quan hệ hợp tác với Trung Quốc cùng nhiều nước đối tác khác.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng cho biết, việc Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự Thượng đỉnh kinh tế APEC và có bài phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp APEC là một sự đóng góp lớn và thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của nhà lãnh đạo cấp cao nhất Trung Quốc đối với việc thúc đẩy và duy trì đà hợp tác và phát triển trong APEC và sự gắn kết giữa các nhà lãnh đạo và các doanh nghiệp APEC trong thúc đẩy liên kết hợp tác.
Trong bối cảnh Việt Nam đang sẵn sàng đón Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch nước Tập Cận Bình tới thăm chính thức, GS Lê Văn Cương khẳng định rằng, hai nhà lãnh đạo này đến từ hai vị thế khác nhau, hai tâm thế khác nhau, với hai mong muốn và lợi ích khác nhau, nhưng đều muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Cả hai chuyến thăm này đều có giá trị lớn, về phía Việt Nam là giúp Việt Nam khẳng định vai trò, vị thế của mình, đồng thời, góp phần khẳng định xu thế không thể đảo ngược tại khu vực này là hòa bình, hợp tác và phát triển.