• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thông điệp từ chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Thế giới 29/03/2023 11:44

(Tổ Quốc) - Chuyến thăm Nga của Chủ tịch Tập Cận Bình là một trong các sự kIện chính trị quốc tế quan trọng nhất được dư luận chính giới cũng như xã hội quan tâm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Liên bang Nga ngày 20-22/3/2023 theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin. Đây là lần thứ ba liên tiếp kể từ năm 2013 ông Tập Cận Bình chọn Nga là nước đầu tiên cho chuyến thăm nước ngoài của mình sau khi được được bầu vào các chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.

Chuyến thăm Nga của ông Tập thể hiện quyết tâm thiết lập một trật tự thế giới mới đa cực - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đáp xuống sân bay Vnukovo, gần Moscow và được đội quân nhạc cùng Phó thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko ra đón. Ảnh: Tân Hoa Xã

Bối cảnh chuyến thăm

Chuyến thăm Moscow của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh Nga đang tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine và ngay sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Cuộc đối đầu giữa phương Tây do Mỹ đứng đầu với Nga và Trung Quốc leo thang căng thẳng chưa từng có kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh đến nay. Về quân sự, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục mở rộng về phía Đông, đe dọa an ninh của Nga. Tại châu Á, Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự, thành lập liên minh AUKUS gồm Australia, Anh và Mỹ, mục tiêu chính nhằm vào Trung Quốc. Ngoài ra, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã thăm chính thức Đài Loan vào tháng 8/2022; Washington cũng tăng cường cung cấp vũ khí cho hòn đảo này.

Về kinh tế, phương Tây áp đặt các biện pháp cấm vận và hạn chế đối với Nga và Trung Quốc.

Cả Moscow và Bắc Kinh khẳng định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Trung dựa trên các nguyên tắc không liên kết, không đối đầu và không nhằm vào bên thứ ba và là vấn đề thuộc chủ quyền của hai quốc gia độc lập.

Ngày 24/2, Trung Quốc ra sáng kiến 12 điểm kêu gọi ngừng bắn, nối lại đàm phán trực tiếp giữa Moscow và Kiev nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine bằng chính trị trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia và hiến chương Liên hợp quốc được Nga hoan nghênh.

Thế giới đang trong quá trình phân cực. Trung Quốc và Nga đã thành công trong việc tập hợp lực lượng, tranh thủ được sự ủng hộ của nhiều nước Á, Phi, Mỹ La-tinh. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS được thành lập theo sáng kiến của Nga và Trung Quốc ngày càng thu hút sự tham gia rộng rãi của nhiều quốc gia.

Chuyến thăm Nga của ông Tập thể hiện quyết tâm thiết lập một trật tự thế giới mới đa cực - Ảnh 2.

14 văn kiện đã được ký kết nhằm mở rộng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghiệp, khoa học và quân sự giữa Nga và Trung Quốc. Ảnh: AFP

Kết quả chuyến thăm

Lãnh đạo hai nước đã ký hai tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Trung Quốc và kế hoạch hợp tác kinh tế quan trọng giữa hai nước đến năm 2030. Để cụ thể hóa kế hoạch này, 14 văn kiện đã được ký kết nhằm mở rộng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghiệp, khoa học và quân sự.

Về kinh tế, thương mại: Trong hoàn cảnh hai nước bị Mỹ và phương Tây cấm vận, năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Nga tăng 30%, đạt mức kỷ lục. Hai bên đặt kế hoạch đưa kim ngạch thương mại song phương từ 185 tỷ USD năm 2022 lên hơn 200 tỷ USD năm 2023, trong đó 2/3 sẽ được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ và đồng rúp.

Nga và Trung Quốc thỏa thuận mở rộng việc thanh toán bằng đồng nội tệ của hai nước, giảm việc sử dụng đồng USD. Nga ủng hộ sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong các thỏa thuận thương mại giữa Nga và các nước Châu Á, Châu Phi và Mỹ La-tinh.

Nga cam kết cung cấp ổn định dầu mỏ, khí đốt tự nhiên cũng như than đá và điện cho Trung Quốc. Thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí Power of Siberia-2 đi qua Mông Cổ có công suất vận chuyển 50 tỷ mét khối/năm đã được ký kết. Tổng thống Putin gọi dự án này là thỏa thuận thế kỷ.

Quan hệ đối tác quân sự mới: Dù khẳng định không phải liên minh, Moscow và Bắc Kinh nhất trí “thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra chung trên biển, trên không và các cuộc tập trận chung”, phát triển hợp tác quân sự thông qua việc sử dụng tất cả các cơ chế song phương sẵn có, đồng thời tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau giữa quân đội hai nước.

Ông Tập Cận Bình nói, tăng cường quan hệ với Nga là một lựa chọn chiến lược của Trung Quốc dựa trên lợi ích cơ bản của mình và các xu hướng phổ biến trên thế giới, cả hai nước đều “chia sẻ cam kết xây dựng một thế giới đa cực”.

Đề xuất hòa bình cho Ukraine: Tổng thống Putin ca ngợi sáng kiến 12 điểm của Trung Quốc đưa ra tháng 2/2023. Ông Putin nói, sáng kiến này có nhiều yếu tố "có thể là cơ sở cho một giải pháp hòa bình nếu phương Tây và Kiev sẵn sàng cho điều đó". Tuy nhiên, cả Ukraine và những người ủng hộ họ ở phương Tây hiện không sẵn sàng thảo luận về sáng kiến này.

Tổng thống Putin nói: “Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang ở 'mức cao nhất trong lịch sử', là nền tảng của các mối quan hệ quốc tế. Cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nước tại Moscow là một ví dụ về cách các cường quốc trên thế giới là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và có trách nhiệm trong việc duy trì sự ổn định và an ninh trên thế giới cần tương tác với nhau.”

Trong khi đó, ông Tập Cận Bình nói: “Một chương mới cho sự hợp tác Trung Quốc-Nga đã được mở ra. Quan hệ hai nước đã trải qua một chặng đường dài, tình hữu nghị vĩnh viễn không phai mờ giữa Trung Quốc và Nga cần phải được gìn giữ.”

Trước khi rời Moscow, ông Tập Cận Bình nói: "Ngay bây giờ là những thay đổi chưa từng xảy ra trong một trăm năm qua và chúng ta sẽ cùng nhau thúc đẩy những thay đổi này". Điều này có nghĩa là Trung Quốc và Nga sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau để thiết lập một trật tự thế giới mới, “trật tự đa cực” thay cho trật tự hiện nay.

Chuyến thăm Nga của ông Tập thể hiện quyết tâm thiết lập một trật tự thế giới mới đa cực - Ảnh 3.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự tiệc chiêu đãi tại Điện Kremlin ở Moscow, Nga vào ngày 21/3. Ảnh: Sputnik

Phản ứng quốc tế đối với cuộc gặp thượng đỉnh

Mỹ và phương Tây lo ngại: Việc Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục chọn Nga làm điểm đến cho chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của mình sau khi tái đắc cử lần thứ ba khiến phương Tây lo ngại. Mỹ coi hợp tác giữa Nga và Trung Quốc là một thách thức đối với Mỹ, là mối đe dọa đối với trật tự thế giới tự do.

Điều phối viên Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) về Truyền thông Chiến lược của Nhà Trắng John Kirby và Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken coi quan hệ giữa Trung Quốc và Nga là thách thức vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.

Ngoại trưởng Đức Annalena Berbock thì cho rằng, kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đưa ra để giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine "không thể đóng góp thực sự cho sự nghiệp hòa bình".

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói rằng Ba Lan đang tìm cách thuyết phục Trung Quốc không ủng hộ Nga.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Hirokazu Matsuno cho biết, chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình đã khẳng định Bắc Kinh và Moscow vẫn đoàn kết với nhau trong khi Nga chưa có dấu hiệu hướng tới một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine.

Tạp chí Newsweek của Mỹ viết: “Cái bắt tay của hai ông Putin và Tập Cận Bình khiến Washington lo ngại. Trung Quốc nổi lên như một nhà môi giới quyền lực toàn cầu và liệu Mỹ có nguy cơ mất vị trí nhà lãnh đạo không thể tranh cãi trong ngoại giao quốc tế hay không?”

Tờ The Hill viết: "Chuyến thăm Nga của ông Tập gây lo ngại trong giới chính trị Mỹ, là một thách thức đối với Washington và các đồng minh của họ, những nước đang cố gắng làm suy yếu nền kinh tế của Moscow bằng các lệnh trừng phạt nặng nề."

Tờ Washington Post viết: “ Từ lâu, tách Trung Quốc khỏi Nga là mục tiêu chính của Mỹ. Chia rẽ Bắc Kinh và Moscow là lý do chính dẫn đến chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc năm 1972 của Tổng thống Richard Nixon và cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger. Tại hội nghị thượng đỉnh Geneva tháng 6/2021, chính quyền Tổng thống [Joe] Biden tìm cách cải thiện quan hệ với Moscow để tập trung đối phó với Trung Quốc, nhưng không thành. Đối với Mỹ, việc đối phó với Nga và Trung Quốc một cách riêng biệt đã là rất khó rồi, vậy chúng ta có thể làm gì khi hai nước trở thành đối tác thân thiết trong không gian Á-Âu?"

Washington và Brussels lo ngại Moscow và Bắc Kinh sẽ là mối đe dọa đối với địa vị của phương Tây trên thế giới. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tỏ ra lo ngại về khả năng Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga. Trong khi đó, tờ Politico (Mỹ) đề nghị xem xét liệu chính sách đối ngoại của Washington có dẫn đến sự xuất hiện của một liên minh đối đầu Mỹ, trong đó, ngoài Nga và Trung Quốc, còn có cả Iran.

Chuyến thăm Nga của ông Tập thể hiện quyết tâm thiết lập một trật tự thế giới mới đa cực - Ảnh 4.

Nhiều nước ủng hộ sự xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Nga. Ảnh: Sputnik

Nhiều nước ủng hộ sự xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Nga: Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva dự kiến sẽ thăm Trung Quốc. Ông cho rằng, sự hợp tác giữa Trung Quốc với đại diện lớn nhất Mỹ La-tinh, thành viên BRICS, tiếp đến là hội nghị thượng đỉnh của khối này được tổ chức tại Nam Phi tháng 8 tới sẽ củng cố mạnh mẽ vai trò của tổ chức này trên thế giới.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Lebanon Hanna Gharib cho biết, việc hai ông Putin và Tập Cận Bình thỏa thuận tăng cường đối tác chiến lược đã mang lại hy vọng cho các dân tộc Ả Rập trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mới. Ông Gharib nói: “Người Ả Rập, giống như các dân tộc khác thuộc thế giới thứ ba, thấy việc hai cường quốc phấn đấu thiết lập một thế giới đa cực là một sự đảm bảo cho sự phát triển ổn định và độc lập của họ trong thế kỷ 21”.

Cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales cho rằng hợp tác Nga - Trung Quốc đảm bảo cân bằng địa chính trị trên thế giới. Ông Morales nói: “Chúng tôi hoan nghênh thỏa thuận về tình hữu nghị không biên giới, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đạt được giữa hai người anh em Putin và Tập Cận Bình nhằm đảm bảo an ninh toàn cầu và khu vực với sự cân bằng địa chính trị đa cực.”

Chuyên gia về Trung Quốc người Senegal, Amadou Diop, nói: “Chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình có tầm quan trọng rất lớn, nó sẽ mang lại năng lượng mạnh mẽ cho tình hình quốc tế đang hết sức khó khăn. Trung Quốc và Nga đang hợp tác chặt chẽ hơn với các nước để thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và thịnh vượng chung, đồng thời tôn trọng và bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển.”

Nhà bình luận chính trị người Mali, Abdul Karim, cho rằng chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình sẽ góp phần hình thành một thế giới đa cực, cho phép các nước châu Phi khẳng định chủ quyền của mình tốt hơn, hưởng lợi từ mối quan hệ quốc tế cân bằng hơn, tôn trọng quan điểm chính trị và kinh tế của mỗi quốc gia.

Nhà phân tích chính trị người Italia, Chủ tịch Viện phân tích tầm nhìn quốc tế & xu hướng toàn cầu Tiberio Graziani nói: “Cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai cường quốc được coi là 'hai lá phổi' của không gian Á-Âu và việc ký kết các văn kiện về quan hệ đối tác chiến lược có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đối với lục địa Á-Âu mà còn trên toàn cầu. Các thỏa thuận này mang tính thời đại, mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ quốc tế, một trật tự thế giới mới đa cực thay thế cho trật tự đơn cực của Mỹ và phương Tây."

Chuyến thăm Moscow của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi đi một thông điệp mạnh mẽ đến thế giới, đặc biệt là Mỹ và phương Tây. Chuyến thăm thể hiện rõ Mỹ và châu Âu có thể chia rẽ Nga với châu Âu, nhưng không thể chia rẽ Trung Quốc với Nga, đồng thời khẳng định quyết tâm của Nga và Trung Quốc hợp tác với nhau tiến tới thiết lập một trật tự thế giới mới đa cực thay thế cho trật tự đơn cực. Thông điệp nêu rõ, hòa bình, phát triển, hợp tác cùng có lợi là xu thế lịch sử không thể ngăn cản. Đa cực, toàn cầu hóa kinh tế và dân chủ hóa quan hệ quốc tế là xu thế không thể đảo ngược.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai

NỔI BẬT TRANG CHỦ