• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Thông điệp xấu" EU gửi giấc mơ Balkan làm bùng lên ảnh hưởng của Nga?

Thế giới 02/05/2019 16:39

(Tổ Quốc) - Pháp, Đan Mạch và Hà Lan năm ngoái đã kêu gọi lùi các cuộc đàm phán mở rộng tới sau bầu cử Nghị viện châu Âu sẽ diễn ra trong tháng Năm này.

Tháng Sáu tới đây, các nước thành viên EU sẽ phải quyết định có "bật đèn xanh" cho quá trình đàm phán gia nhập khối của Bắc Macedonia và Albania, hay không. Theo Financial Times, không chỉ Bắc Macedonia và Albania, một số quốc gia khác "nuôi mộng" trở thành một phần của EU – cũng đều đang chờ đợi xem liệu thái độ phản đối mở rộng liên minh có giảm bớt hay không. Tuy nhiên, sau một cuộc họp tại Berlin trong tuần này, Thủ tướng Đức Angela và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, Skopje, Tirana và bốn nước láng giềng Balkan cần phải cải cách nhiều hơn nữa.

Thông điệp xấu EU gửi giấc mơ Balkan làm bùng lên ảnh hưởng của Nga? - Ảnh 1.

(Trái) Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel (ảnh: FT)

Ông Macron thể hiện rõ lập trường của Pháp khi khẳng định, Paris muốn chứng kiến thêm những cải thiện về kinh tế, xã hội, an ninh và luật pháp. Pháp, Đan Mạch và Hà Lan năm ngoái đã kêu gọi lùi các cuộc đàm phán mở rộng tới sau bầu cử Nghị viện châu Âu (diễn ra trong tháng Năm). Một trong những nguyên nhân là họ không muốn để xảy ra bất kỳ khả năng nào mà các đảng cực hữu chống nhập cư có thể lợi dụng trong quá trình bầu cử.

Trong khi đó, một số quan chức EU nhận định, cuộc gặp gỡ trong tuần này tại Berlin có sự tham dự của Bắc Macedonia và Albania, là một sai lầm. Họ lo lắng, cuộc họp đã gửi đi một thông điệp tiêu cực tới chính phủ Bắc Macedonia.

Năm ngoái, Skopje đã vượt qua một thử thách "hung hiểm" khi tổ chức và giành thắng lợi trong cuộc trưng cầu dân ý nhằm đáp ứng yêu cầu của EU là đổi tên nước, đồng thời chấm dứt một thập kỷ tranh cãi với láng giềng Hy Lạp. Giới ngoại giao lo ngại thái độ của EU sẽ làm giảm động lực cải cách của các nhà lãnh đạo Bắc Macedonia và Albania; từ đó góp phần mở rộng hơn nữa ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc trong khu vực.

Cũng trong tuần này, Tổng thống Kosovo Hashim Thaci cảnh báo, những chia rẽ nội khối EU, giữa các thủ đô châu Âu và Washington – đã khiến cuộc xung đột tại Balkan bùng lên nguy cơ xuất hiện lại. Mặc dù vậy, nhiều người hy vọng, sau khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu kết thúc, tình hình sẽ trở nên rõ ràng hơn. Ngay cả những người không "mặn mà" với ý tưởng một EU mở rộng cũng đánh giá, Bắc Macedonia là một trường hợp có triển vọng, thậm chí có thể được chấp nhận một cách đơn lẻ mà không cùng với Albania.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ